Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, kết quả nghiên cứu 1.765 doanh nghiệp FDI từ 21 tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp FDI đang hoạt động nhiều nhất tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới. Tuy nhiên, VCCI cho rằng chưa thể khẳng định những con số này chỉ là sự suy giảm tạm thời hay xu hướng dài hạn hơn.

Báo cáo chỉ rõ, lý giải cho điều này có thể là các doanh nghiệp FDI đang trong giai đoạn mở rộng, đòi hỏi đầu tư nhiều vốn và lao động, do vậy có thể tạm thời bỏ qua mục tiêu lợi nhuận trước mắt và kỳ vọng vào tăng trưởng trong tương lai.

Mặc dù tỷ lệ báo lãi có giảm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng được thể hiện rõ trong hai chỉ số: Tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư năm 2017 là 13,2%, tăng nhẹ so với 11% năm 2016; Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%.

Báo cáo của VCCI cũng cho thấy, các doanh nghiệp FDI có xu hướng nhỏ đi, cả về quy mô lao động và vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ doanh nghiệp có ít hơn 5 lao động tăng từ 5,9% tới 7,4% trong giai đoạn 2016-2017. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5 đến 9 lao động là 10,9%. Mặt khác, số doanh nghiệp FDI cỡ lớn cũng tăng nhẹ. Tỷ lệ doanh nghiệp của nhóm có từ 500 đến 1.000 lao động và nhóm có từ 1.000 lao động trở lên lần lượt là 5,8% và 6,4%. Hai nhóm này đều có sự phục hồi nhẹ so với năm trước.

Các doanh nghiệp FDI có quy mô vốn nhỏ hơn 0,5 tỷ đồng là 7,9%; 5,7% doanh nghiệp có số vốn từ 0,5 tới 1 tỷ đồng và 16,7% thành lập với số vốn từ 1 đến 5 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2012, các con số tương ứng là 2,3%, 4,2% và 14,8%. Xu hướng này có thể là một chỉ báo về sự gia tăng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong khu vực FDI./.