Từ khóa: công nghiệp môi trường, FDI, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Summary

The main objective of the study is to analyze the impact of the Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI) on the attraction of foreign direct investment (FDI) into the environmental industry in the Northern key economic region, or in other words, analyzing the impact of governance capacity on the capacity to attract FDI into the environmental industry at the provincial level. Research results show that: (i) The better the quality of environmental governance, the more favorable it is to attract FDI into the environmental industry; (ii) The higher the level of openness and transparency in local decision-making, the more FDI it will attract into the environmental industry.

Keywords: environmental industry, FDI, Northern key economic region

GIỚI THIỆU

Dưới tác động của tăng trưởng kinh tế, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, VKTTĐBB, đầu tàu kinh tế quan trọng của miền Bắc và cả nước, hiện đối mặt những thách thức môi trường như lượng chất thải rắn đô thị tăng mạnh trong khi tỷ lệ tái chế thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp; chất lượng không khí tại các khu vực đông dân và công nghiệp ghi nhận mức độ ô nhiễm cao (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020, 2021). Trong bối cảnh này, việc tăng cường đầu tư vào ngành CNMT có vai trò then chốt, đặc biệt là tăng cường thu hút các dự án FDI CNMT có quy mô lớn. Để đạt được điều này, cần đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút FDI qua góc nhìn về năng lực quản trị cấp tỉnh (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Mối quan hệ giữa hiệu quả chính sách, điều hành của Chính phủ và địa phương tới thu hút FDI đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu (Nguyễn Văn Phúc và cộng sự, 2011; Nguyễn Quốc Việt và cộng sự, 2014; Huỳnh Thị Thu Giang, 2021). Cao Tấn Huy (2019) cũng đã chứng minh, chất lượng dịch vụ công của địa phương có tác động đến thu hút FDI tại vùng Kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Các yếu tố thuộc về năng lực quản trị địa phương, như: chất lượng dịch vụ công, chính sách đầu tư, minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng được khẳng định trong các nghiên cứu đi trước (Nguyễn Anh Tuấn và cộng sự, 2017; Vũ Ngọc Xuân, 2020).

Một trong số những thước đo phản ánh hiệu quả quản trị cấp địa phương ở Việt Nam có thể kể đến chỉ số PAPI. Đây là kết quả của nghiên cứu xã hội học thường niên, phản ánh hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tại 63 tỉnh/thành trên toàn quốc. Nguyễn Kim Phước và cộng sự (2019) cũng đã nghiên cứu tác động của chỉ số PAPI đến tăng trưởng kinh tế vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Dựa vào cách xây dựng chỉ số của CECODES và UNDP, một địa phương có hiệu quả quản trị tốt khi bảo đảm các lĩnh vực sau: (i) Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (ii) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (iii) Trách nhiệm giải trình với người dân; (iv) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, (v) Thủ tục hành chính công; (vi) Cung ứng dịch vụ công; (vii) Quản trị môi trường; (viii) Quản trị điện tử.

Theo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020), CNMT được định nghĩa là “một ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường”. Ngành CNMT bởi vậy có đặc thù liên quan mật thiết tới các chính sách công, cũng như liên quan tới hiện trạng môi trường tại địa phương. Do vậy, có thể nói, sử dụng các yếu tố thành phần của PAPI để ước lượng sự tác động của hiệu quả quản trị cấp tỉnh lên dòng vốn FDI vào ngành CNMT tại các địa phương là phù hợp, đồng thời là khoảng trống nghiên cứu cần được khai thác.

Phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu đề xuất mô hình đánh giá tác động của các yếu tố thành phần của chỉ số PAPI và thu hút FDI vào ngành CNMT tại các địa phương VKTTĐBB như sau:

lnFDIit = β0 + β1 ENit + β2 EGit+ β3 PSit + β4 TRit + β5VCit + β6CCit + β7PLit+ β8PAit + Ɛ

Trong đó:

Biến phụ thuộc FDI: vốn FDI vào ngành CNMT tại địa phương (tính bằng USD). Biến phụ thuộc FDI được lấy logarit cơ số e để giảm độ biến thiên của dữ liệu. Số liệu được lấy từ Tổng Cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các biến giải thích là các yếu tố biểu đạt năng lực quản trị của chính quyền địa phương nơi nhận đầu tư, được đại diện bằng các cấu thành của chỉ số hiệu quả năng lực quản trị địa phương PAPI. Số liệu được lấy từ báo cáo PAPI chính thức hàng năm của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Cụ thể các biến như sau:

EN: Quản trị môi trường. Đây là biến được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng nhất trong mô hình;

EG: Quản trị điện tử;

PS: Cung ứng dịch vụ công;

TR: Công khai, minh bạch;

VC: Trách nhiệm giải trình với người dân;

CC: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công;

PL: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở;

PA: Thủ tục hành chính công;

i: lần lượt là các địa phương của VKTTĐBB có dự án FDI vào ngành CNMT.

t: năm quan sát (t=2011, 2012,..., 2022)

Với mô hình nghiên cứu được xác định như trên, giả thuyết nghiên cứu được đặt ra là, các chỉ số thành phần của PAPI đều có tác động cùng chiều lên dòng vốn FDI vào ngành CNMT tại các địa phương.

Dữ liệu nghiên cứu

Thời gian nghiên cứu là từ năm 2011 đến năm 2022, không gian nghiên cứu là 6 tỉnh thành VKTTĐBB có dự án FDI ngành CNMT trong khoảng thời gian này (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh). Tổng số quan sát là 6 x 12 = 72 quan sát.

Phương pháp nghiên cứu

Nhóm tác giả thực hiện các bước phân tích định lượng với dữ liệu bảng, bao gồm: thống kê mô tả, phân tích tương quan, và kiểm định mô hình hồi quy lần lượt bằng các phương pháp ước lượng OLS, FEM, REM. Mô hình ước lượng OLS là một trong các phương pháp phổ biến, không xét đến tính không gian và thời gian của dữ liệu. Mô hình ước lượng theo FEM sẽ loại bỏ những biến có giá trị không thay đổi theo thời gian và thực hiện trong điều kiện có sự tương quan giữa các yếu tố cố định với phần dư. Mô hình ước lượng theo REM giả định rằng không có sự tương quan giữa biến độc lập và phần dư, tức là tồn tại các ngẫu nhiên. Cuối cùng, sau khi thực hiện kiểm định các giả định của mô hình (đa cộng tuyến, tự tương quan, phương sai thay đổi), nhóm tác giả sẽ sử dụng kiểm định hausmann và phân tích giá trị p-value để lượng hóa mức độ tác động của các biến giải thích năng lực quản trị cấp tỉnh tác động lên lượng vốn FDI thu hút vào ngành CNMT tại các địa phương VKTĐBB.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả phân tích tương quan (Bảng 1) cho thấy, các biến PL, CC, PA, EN có mối tương quan cùng chiều với FDI trong ngành CNMT tại các tỉnh VKTTĐBB, phù hợp với giả thuyết đặt ra của nhóm tác giả. Biến TR, VC, PS, EG có mối tương quan nghịch chiều - kết quả này trước mắt chưa phù hợp với giả thuyết ban đầu.

Khi kiểm tra đa cộng tuyến bằng nhân tố phóng đại phương sai VIF, nhóm tác giả nhận thấy, các giá trị VIF của mỗi biến giải thích đều < 10 (Bảng 2), qua đó khẳng định kết luận không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến. Tiếp theo, kết quả kiểm định White cũng cho thấy giá trị Sig. = 0.3856, nghĩa là 38.56% lớn hơn mức ý nghĩa 10%; điều này đồng nghĩa với việc không có hiện tượng phương sai sai số thay đổi (Bảng 3).

Bảng 1: Ma trận tương quan giữa các biến

Biến

lnFDI

EN

EG

PS

TR

VC

CC

PL

PA

lnFDI

1.0000

EN

0.2355

1.0000

EG

-0.0484

0.0012

1.0000

PS

-0.3957

0.0228

-0.0363

1.0000

TR

-0.3112

0.3923

-0.0347

0.3260

1.0000

VC

-0.2324

0.2867

-0.0426

-0.3938

0.2360

1.0000

CC

0.0568

0.2517

-0.2596

0.4830

0.2368

-0.4145

1.0000

PL

0.1446

0.3044

-0.0301

0.1380

0.4928

0.1479

0.2051

1.0000

PA

0.1495

0.3067

0.1544

0.6629

0.1421

-0.5087

0.6047

0.2074

1.0000

Nguồn: Kết quả phân tích STATA

Bảng 2: Kết quả kiểm định đa cộng tuyến

Biến

VIF

1/VIF

PL

2.81

0.355901

TR

2.74

0.365341

PS

2.48

0.403084

VC

1.96

0.509456

PA

1.91

0.522249

CC

1.72

0.582248

EG

1.46

0.683788

EN

1.24

0.804504

Nguồn: Kết quả phân tích STATA

Bảng 3: Kết quả kiểm phương sai thay đổi

Biến phụ thuộc

Chi2

Prob>Chi2

LnFDI

17.00

0.3856

Nguồn: Kết quả phân tích STATA

Vì dữ liệu của nghiên cứu là dạng dữ liệu bảng, các quan sát có sự thay đổi theo cả thời gian và không gian, nên ta cần thực hiện thêm các phương pháp ước lượng hiệu ứng cố định (FEM) và hiệu ứng ngẫu nhiên (REM) (Huỳnh Thị Thúy Giang, 2021). Từ Bảng 4 cho thấy, mô hình phù hợp nhất được lựa chọn để xem xét tác động của các khía cạnh hiệu quả quản trị cấp tỉnh tới thu hút FDI vào ngành CNMT tại VKTTĐBB là mô hình FEM. Thật vậy, kết quả ước lượng với kiểm định Hausman cũng cho thấy ước lượng theo FEM sẽ tối ưu hơn REM, với giá trị Prob > chi2 = 0.3385 > 5%. Theo mô hình FEM, các biến EN, TR, PS, PL, PA có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Điều này đồng nghĩa, các yếu tố: Quản trị môi trường, Công khai minh bạch, Cung ứng dịch vụ công, Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Thủ tục hành chính công (⅝ bộ phận cấu thành của chỉ số hiệu quả quản trị địa phương - PAPI) có tác động đến Quy mô vốn FDI vào ngành CNMT tại các tỉnh VKTTĐBB.

Bảng 4: Kết quả hồi quy OLS, FEM, REM cho dữ liệu

Biến

OLS

FEM

REM

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

EN

1.077833

1.411311

11.29336**

2.390781

1.077833

1.411311

EG

-1.453264

2.685604

1.472939

2.134194

-1.453264

2.685604

PS

-4.945092

3.564291

-16.06316**

3.03231

-4.945092

3.564291

TR

.306187

2.733056

10.10021**

2.573256

.306187

2.733056

VC

.8468814

3.066988

-4.423758

2.738373

.8468814

3.066988

CC

-.2396829

1.183073

1.317546

.7569918

-.2396829

1.183073

PL

-2.04919

2.926233

-9.730985**

2.435522

-2.04919

2.926233

PA

-.2337703

4.934851

-13.36265**

3.88741

-.2337703

4.934851

cons

61.48945

38.9704

196.8264**

38.41674

61.48945

38.9704

Ghi chú: ***p < 0.01; **p < 0.05;*p < 0.1

Nguồn: Kết quả phân tích STATA

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Kết luận

Thứ nhất, chất lượng quản trị môi trường càng tốt, thì thu hút FDI vào ngành CNMT càng thuận lợi. Nội dung quản trị môi trường trong PAPI phản ánh mức độ đánh giá của người dân về chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, về hiện tượng dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào địa phương có trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường bằng cách “chung chi” với chính quyền địa phương hay không (CECODES, 2023). Như vậy, việc các địa phương có chất lượng môi trường được bảo đảm, không có tình trạng doanh nghiệp xả thải trái phép thể hiện rằng địa phương đó đã xây dựng và triển khai tốt các chính sách, quy định Nhà nước về bảo vệ môi trường, quy định quản lý hoạt động kinh doanh, sản xuất, đầu tư trên địa bàn, thông qua đó sẽ duy trì ổn định cung-cầu cho các hàng hóa, dịch vụ môi trường được cung ứng bởi các doanh nghiệp CNMT, gây hứng thú, quan tâm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia rót vốn vào thị trường này. Yếu tố quản trị môi trường cũng là biến quan trọng nhất trong mô hình, bởi đặc thù liên quan trực tiếp với ngành CNMT.

Thứ hai, mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương càng cao, thì thu hút FDI vào ngành CNMT càng tốt. Tính công khai, minh bạch trong chỉ số PAPI phản ánh sự dễ dàng tiếp cận thông tin, công khai, minh bạch trong ngân sách, trong kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất ở địa phương (CECODES, 2023). Khái niệm công khai, minh bạch gắn liền với sự bình đẳng trong tiếp cận cơ hội, tính tin cậy nhất quán của thông tin, sự hỗ trợ của cơ quan cung cấp thông tin… vì vậy, việc nắm rõ được càng nhiều thông tin chính xác càng giúp các nhà đầu tư nước ngoài tăng niềm tin vào thị trường, giảm thiểu rủi ro và chi phí hoạt động. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để chính quyền địa phương quản lý kinh tế, trong đó có thu hút FDI.

Thứ ba, các yếu tố cung ứng dịch vụ công, tham gia của người dân ở cấp cơ sở, thủ tục hành chính công cần được lưu ý nghiên cứu thêm trong dài hạn và chính quyền các địa phương cần áp dụng các giải pháp điều tiết phù hợp. Sở dĩ vậy bởi vì, hệ số hồi quy của các yếu tố này âm không đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương phải giảm chất lượng quản trị ở các khía cạnh này mới có thể thu hút FDI vào ngành CNMT. Ví dụ, xét về bản chất, yếu tố sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở không thực sự đóng vai trò liên quan trực tiếp và chủ đạo trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Hay việc chất lượng hành chính công có mối tương quan nghịch chiều với FDI không nhất thiết hàm ý quan hệ nhân quả. Sự tác động này có thể được giải thích phần nào bởi các nhà đầu tư nước ngoài, trong một số trường hợp, có thể lường trước và chấp nhận những rào cản quan liêu bởi những khu vực này mang lại những lợi ích khác vượt trội hơn những rủi ro hoặc hạn chế nhận thấy trong hành chính công.

Tương tự, cung ứng dịch vụ công có tác động ngược chiều với FDI vào ngành CNMT có thể được giải thích bởi các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tìm kiếm những khu vực có hạ tầng cấp thoát nước, xử lý rác thải kém phát triển để thực hiện các dự án môi trường, tăng lợi nhuận và giảm cạnh tranh. Nhìn chung, các yếu tố này cần tiếp tục được nghiên cứu với thời gian nghiên cứu dài hạn hơn, nhằm phản ánh chính xác hơn tác động tới thu hút FDI vào ngành CNMT. Nghiên cứu này chỉ tiếp cận khung dữ liệu trong giai đoạn 2011-2022 và quan sát tại 6 tỉnh/thành của Vùng. Trong bối cảnh mới, các tác động từ năng lực điều hành của địa phương chắc chắn có sự tác động khác biệt lên thu hút FDI.

Hàm ý chính sách

Từ những phân tích trên, một số khuyến nghị về quản trị địa phương nên được triển khai nhằm tăng cường thu hút FDI vào ngành CNMT tại VKTTĐBB như sau:

Một là, tăng cường giám sát và hướng dẫn thực hành bảo vệ môi trường trong sinh hoạt và trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Hai là, hoàn thiện và triển khai đầy đủ các quy định hỗ trợ các dự án đầu tư FDI thuộc ngành CNMT hoặc các dự án có mục đích môi trường. Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức hỗ trợ như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải. Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có mục đích bảo vệ môi trường hiện nay đã có trong khung pháp luật Việt Nam, tuy nhiên về mặt triển khai, thì quy trình cụ thể về thủ tục để đăng ký nhận các ưu đãi, hỗ trợ đó như thế nào thì chưa có nhiều hướng dẫn chi tiết và thông tin dễ tiếp nhận tới nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kết quả thanh tra thường xuyên về hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cần được sử dụng để rà soát, cập nhật các chính sách hỗ trợ đầu tư sao cho phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, sử dụng chính sách hậu kiểm có điều kiện, thay vì tiền kiểm như hiện nay.

Ba là, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép tiếp cận thông tin dễ dàng, đặc biệt tập trung là các thông tin liên quan đến quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất.

Bốn là, tăng cường đối thoại hai chiều giữa chính quyền tỉnh và các cá nhân, trong đó có nhà đầu tư FDI, trên địa bàn bằng nhiều kênh đa dạng. Cụ thể, việc đánh giá và cải thiện chất lượng Cổng thông tin điện tử địa phương có thể khuyến khích và tạo thói quen cho người dân cập nhật thông tin từ Chính quyền. Việc tạo lập tương tác hai chiều cũng giúp tạo lập môi trường kinh doanh lý tưởng do chủ thể kinh doanh giảm thiểu được vấn đề/rủi ro khi hoạt động do thiếu hụt thông tin và chính quyền địa phương có thể nắm được thông tin về hoạt động, khó khăn của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ kịp thời./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia 2019, Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Nxb Dân trí.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia: Giai đoạn 2016-2020.

3. Cao Tấn Huy (2019), Các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

4. CECODES (2023). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân.

5. Huỳnh Thị Thuý Giang (2021), Mối quan hệ giữa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 228, tháng 5.

6. Nguyễn Anh Tuấn, Đồng Trung Chính (2017), Các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 43, 114-119.

7. Nguyễn Kim Phước, Phan Ngọc Thùy Như, Lê Đoàn Quỳnh Như (2019), Tác động của chỉ số PAPI đến tăng trưởng kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng Châu Á, số 163, tháng 10/2019.

8. Nguyễn Quốc Việt và cộng sự (2014), Đánh giá tác động của chất lượng thể chế cấp tỉnh tới khả năng thu hút FDI vào các địa phương tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia hà Nội - Kinh tế và Kinh doanh, 30(1), 53-62.

9. Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đại Hiệp (2011), Các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài của các tỉnh/thành phố ở Việt Nam: Một phân tích dữ liệu chéo, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 6(1).

10. Vũ Ngọc Xuân (2020), Factors affecting foreign direct investment: Evidence at foreign technology enterprises in Vietnam, International Journal of Advanced and Applied Sciences, 7(4), 21-28.

ThS. Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Ngọc Linh, Hà Anh Thảo

Trường Đại học Ngoại thương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)