Doanh nghiệp lại một lần nữa lao đao trước làn sóng Covid-19 lần thứ 2
Mặt hàng khẩu trang giá giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn giữ xu hướng tăng
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 75.249 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 chưa từng ghi nhận sự sụt giảm nào về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Sự sụt giảm về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2020.
Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng thu hẹp quy mô đầu tư trong thời điểm hiện tại, với số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm nay đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2020 là 2.094.800 tỷ đồng (giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm vẫn giữ xu hướng tăng. Theo đó, 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019, bao gồm: 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5%; 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 12,2%; 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%. Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là 927 doanh nghiệp, tăng 98,5%.
Có thể nhận thấy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ do dịch Covid-19 bùng phát lần 2
Cuối tháng 7 vừa qua, dịch Covid-19 đã tái bùng phát trở lại, khiến cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề chưa kịp phục hồi, thì nay lại càng khó khăn nhiều hơn. Điển hình như đối với doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản. Từ cuối năm 2019, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản bị đình trệ nghiêm trọng. Sau đó, Việt Nam cơ bản kiểm soát được đợt dịch đầu, thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, thì làn sóng dịch Covid-19 lần hai lại tái bùng phát, càng khiến cho các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản gặp khó khăn nhiều hơn.
Theo Báo cáo tài chính quý II của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), bất động sản là ngành có lợi nhuận giảm mạnh nhất. Lãi sau thuế 6 tháng của các doanh nghiệp trên HNX giảm hơn 79% so với cùng kỳ năm 2019, giảm xuống 130 tỷ đồng. Đồng thời, đây cũng chính là ngành gánh chịu mức thua lỗ tăng mạnh nhất, khi nửa đầu năm 2019, tổng lỗ của doanh nghiệp bất động sản chỉ là 27 tỷ đồng, thì nay tăng 340% lên 121 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến cho các doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm nay, sản xuất dệt tăng 1,8%, trong khi sản xuất trang phục lại giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.
Xuât khẩu ngành dệt may càng khó khăn nhiều hơn khi tính đến tháng 7/2020, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng hai quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao, như: veston, sơ mi cao cấp… Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "cứu cánh" cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II, thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 sẽ tiếp tục giảm khoảng từ 14%-18% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
Cùng với các doanh nghiệp bất động sản và dệt may, thì các doanh nghiệp ngành du lịch cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa đã bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, thời gian qua, nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch, mà ngay cả khu vực chưa có dịch và yêu cầu hoàn tiền lại 100%.
Cùng với đó, tại nhiều địa phương đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và người dân. Thực tế này đã khiến cho các doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.
Tại Hội nghị trực tuyến bàn về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch tổ chức chiều 7/8/2020, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, hiện nay, lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% trong tháng 7 và tháng 8/2020, đây là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ, nay lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng.
Báo cáo của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, đến thời điểm ngày 17/8, khoảng 90%-95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động. Hiện chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng. Các nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại.
Còn thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội cũng cho thấy, từ ngày 28 đến 30/7, có 7.503 khách của 22 đơn vị lữ hành tại Thành phố đã hủy tour nội địa tại nhiều điểm du lịch.
Có thể thấy, dịch Covid-19 bùng phát lần 2 đã giáng thêm một "đòn đau” cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng.
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng của Chính phủ
Trong tình thế khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản mong muốn Chính phủ sớm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để tái khởi động các dự án nhà ở đang bị ách tắc.
Đồng thời, có những chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ đến hạn, xem xét giảm lãi vay và cho doanh nghiệp được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Đối với các doanh nghiệp dệt may, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong xúc tiến thương mại đến tất cả thị trường tiềm năng dù ít hay nhiều theo tinh thần "tích tiểu thành đại". Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động điều tiết sản xuất, linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng nhằm đáp ứng tình hình mới. Đồng thời, bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm…
Còn đối với ngành du lịch, giải pháp trước mắt là cần nhanh chóng xây dựng Bản đồ số du lịch an toàn. Trong đó, có các thông tin chung về điểm đến, như: chỗ nào an toàn, chỗ nào có dịch; điểm đến đáp ứng được những tiêu chí an toàn nào… Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực giúp doanh nghiệp du lịch vượt khó.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên các doanh nghiệp hàng không cũng rất khó khăn. Mặc dù, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14, ngày 27/07/2020 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2, mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14, ngày 26/09/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/01/2021.
Việc giảm thuế này là rất cần thiết, giúp giảm bớt khó khăn cho ngành hàng không và gián tiếp một số lĩnh vực khác, như: thương mại, dịch vụ, du lịch... Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không vẫn rất cần được vay lãi suất thấp để có thể vượt qua thời điểm khủng hoảng này./.
Bình luận