Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định, trong nửa năm qua, nhiều nhận định, dự báo đã trở thành hiện thực. Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ được cả thế giới quan tâm nhất cũng đã rõ kết quả. Những động thái từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ mà mọi nền kinh tế đều nín thở dõi theo cũng dần lộ sáng. Nhiều động thái xung đột địa chính trị đã không còn là yếu tố bất ngờ. Nhiều ẩn số trong kinh tế thế giới đã tìm được lời giải.

Giải mã các biến số để hiện thực hóa các cơ hội cho nền kinh tế năm 2025
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý, cùng với những biến động quốc tế nhanh và mạnh, hàng loạt thay đổi đã tạo ra thêm nhiều biến số mới, kể cả trên những nền tảng tưởng chừng như đã rõ. Dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã được chính thức công bố, những kịch bản khác nhau vẫn tiếp tục được đưa ra gắn với những ẩn số về chính sách sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức. Những xung đột và biến động chính trị mới ở nhiều nơi trên thế giới lại dẫn đến những âu lo mới về hoạt động của các thị trường… Và với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chắc chắn mức độ tác động từ bên ngoài sẽ cần phải được tính toán cẩn trọng. “Đây cũng là chủ đề đặt ra của Hội thảo để chúng ta cùng tiếp tục hành trình tìm câu trả lời, tiếp tục giải mã những biến số cả cũ và mới để việc tìm kiếm và sàng lọc cơ hội đầu tư trở nên bớt phức tạp hơn”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Kinh tế 2024 tăng tốc bứt phá, lấy lại đà tăng trưởng

Theo TS. Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% trong năm 2025 và phấn đấu mức 7-7,5%. Trong dài hạn, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng hai con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn. Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm tại nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024, ông Khôi cho biết, kết quả tăng trưởng năm 2024 có sự bứt phá lớn, với tốc độ tăng 7,04%, lấy lại đà tăng trưởng trước thời kỳ dịch Covid-19. Nếu so với các nước ASEAN, theo dự báo của IMF vào tháng 10/2024, Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực.

Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều trên cả 3 khu vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp, xây dựng và Khu vực Dịch vụ. Các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch. “Trong năm qua, dù diễn biến địa chính trị phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam là thị trường gắn liền với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu của thế giới với hàng hoá của Việt Nam tăng”, ông Khôi cho biết.

Giải mã các biến số để hiện thực hóa các cơ hội cho nền kinh tế năm 2025
TS. Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Xét về các tồn tại, một trong những yếu tố được Viện phó CIEM nhấn mạnh là việc khu vực kinh tế trong nước chưa đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng; các khu vực kinh tế đầu tàu (bao gồm 5 thành phố là TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP hiện nay, mà nguyên nhân xuất phát từ các đầu tàu đã tới hạn và có sự vươn lên của các địa phương khác.

“Hiệu quả doanh nghiệp rất quan trọng, theo tính toán của chúng tôi, dù so với 10 năm trước hiệu quả tăng lên gần gấp đôi, nhưng mức độ hiệu quả chung chưa đạt kỳ vọng. Chẳng hạn, xét theo hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả quy mô đối với các ngành da giày, điện tử, may mặc, đây là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, mang về ngoại hối lớn, nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%. Nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố nội tại doanh nghiệp như: chất lượng nhân lực, quản lý…, nhưng cũng có cả các yếu tố bên ngoài như môi trường đầu tư kinh doanh, những cú sốc tại thị trường toàn cầu, phản ứng của Việt Nam trước những cú sốc... Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu là đang gia công nên giá trị mang lại thấp. Nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng hai con số, không có gì khó khăn”, TS Khôi phân tích.

Nhiều động lực tăng trưởng trong năm 2025

Dự báo về xu hướng thế giới năm 2025, ông Khôi cho rằng tình hình địa chính trị toàn cấp tiếp tục bất định, khó dự báo, khó đoán định, thậm chí có khả năng sẽ phức tạp hơn nữa. Môi trường kinh tế toàn cầu sẽ có sự cải thiện hoặc tương đương năm 2024.

Đối với 5 nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện và suy giảm đan xen. Một yếu tố đáng chú ý là trong thời gian tới, Mỹ được dự báo sẽ nới lỏng tiền tệ và các quốc gia khác cũng sẽ theo xu hướng này. Trung Quốc cũng thông báo sẽ nới lỏng tiền tệ ở mức hợp lý.

Với nền kinh tế Việt Nam, theo ông Khôi, trong năm 2025, một số động lực cho tăng trưởng kinh tế bao gồm: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025; Cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn; Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước; Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô. Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh cũng là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong năm 2025.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết. "Thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ nội dung hoàn thiện thể chế có những đổi mới dễ nhận diện, dễ quan sát hơn", ông Khôi nói.

Cũng theo đại diện Ciem, sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các địa phương tiếp tục được nâng cao vì cách điều hành của Chính phủ một số năm gần đây luôn đặt sự nỗ lực và quyết tâm lên hàng đầu, nhất là 2025 lại là năm "về đích" của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, làm nền tảng cho xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp phục hồi và có sự tăng trưởng, phát triển khá. Song song với đó, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới.

“Trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Xét tại lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, AI giúp dự đoán xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hoá chuỗi cung ứng. AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030.

Các quốc gia phải bắt kịp xu hướng AI và dự đoán vai trò ngày càng tăng của AI trong quyết định của người tiêu dùng. Theo đó, sử dụng AI là một trong những yêu cầu cấp bách mà chúng ta phải thực hiện. Một khi ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không có nhiều hoài nghi về tốc độ tăng trưởng hai con số”, ông Khôi nhấn mạnh thêm.

Giải mã các biến số để hiện thực hóa các cơ hội cho nền kinh tế năm 2025
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo

Từ góc nhìn kinh doanh, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng Phòng Khách hàng Doanh nghiệp -Khối Nguồn Vốn, Ngân hàng Citi Việt Nam nhận định nhìn về trung và dài hạn, tăng trưởng của Việt Nam có nhiều tiềm năng. Ngoài các động lực tăng trưởng như phân tích của đại diện Ciem, theo ông Trung, Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng từ các FTA. “Với 16 hiệp định FTA đã ký kết, đây có thể coi là “của để dành” để Việt Nam tiếp tục đào sâu tăng trưởng trong năm 2025 và thời gian tới”, đại diện Citi Bank nhìn nhận. Theo dự báo của Citi Bank, trong năm 2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp nối đà phục hồi tăng tốc với mức tăng trưởng dự báo đạt 6,6%, cao hơn dự báo của IMF.

Một yếu tố thuận lợi được ông Trung phân tích là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam, đó là sự tăng trưởng rất tích cực của nhu cầu tiêu dùng và thị trường trong nước cùng với địa chính trị ổn định. Với dân số trên 100 triệu dân, GDP đầu người trên 4.700 USD/người, dự kiến đến cuối 2025 là 5.000 USD/người, theo ông Trung, chi tiêu nội địa gia tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, năm 2025 dự báo cũng sẽ có nhiểu chuyển đổi. Trước đây, Việt Nam được hưởng lợi nhiều trong chuỗi cung ứng phát triển, với những bước tiến về quy mô và trình độ sản xuất, sự cải thiện tích cực về cơ sở hạ tầng hiện nay, Việt Nam được coi là một trong những hub sản xuất của thế giới.

Đặc biệt, từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, việc sáp nhập, tinh giản bộ máy được triển khai rất nhanh và mạnh, tạo sự chuyển biến lớn trong cải tổ thể chế, tạo điều kiện tốt cho toàn bộ môi trường, tăng trưởng kinh tế có tài chính mạnh ứng phó với các cú sốc.

4 biến số trong năm 2025

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, năm 2024 là năm đầy biến động và thách thức với Việt Nam. Những thách thức này còn tiếp tục năm 2025. Theo đó, những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì năm 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, có 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới, bao gồm:

Thứ nhất, tỷ giá biến động mạnh, đến nay đã 4,5% và theo tôi đến cuối năm có thể tăng lên 5%. Tỷ giá tăng và sang năm sẽ biến động theo chiều hướng đi lên. Tỷ giá phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Mỹ. Năm 2025, tôi dự báo Fed xoay chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt. Dù gần đây, ông Trump tuyên bố chưa thay đổi ghế Chủ tịch tại Fed. Tuy nhiên, Fed có thể đối diện với lạm phát tăng. Nguyên nhân bởi giá hàng hoá sau khi áp thuế sẽ tăng cao. Cùng đó, thị trường lao động của Mỹ sẽ bị thiếu hụt với chính sách nhập cư mới của Trump. Chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Muốn đẩy trái phiếu, lãi suất phải tăng. Do đó, tôi dự báo lãi suất của Mỹ sẽ tăng, dẫn đến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed. Khi đó, giá trị đồng đôla tăng, gây áp lực lên tỷ giá và khiến giá hàng hoá đắt hơn.

Thứ hai là về ngoại thương. Do kim ngạch xuất và nhập khẩu tại Việt Nam lớn, nên chịu ảnh hưởng nhiều. Dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ). Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.

Theo phân tích của TS Hiếu, ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước. “Một cách để cân bằng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn”, ông Hiếu khuyến nghị.

Thứ ba là tình hình địa chính trị. Các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Chính phủ mới tại Syria cùng tình hình tại Hàn Quốc sẽ tạo ra biến động toàn cầu, do đó chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình Việt Nam.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau dịch Covid-19, nhất là các DNNVV. Nhiều doanh nghiệp cho biết không vay được, nợ xấu tăng lên. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Dù đối diện nhiều thách thức, song theo ông Hiếu, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN. Đáng chú ý, nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung bùng nổ thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Cũng trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, học hỏi từ bài học của những năm trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nếu Việt Nam không cẩn thận và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ TQ vào Mỹ vì hàng hóa nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ từ TQ sẽ chịu mức thuế rất cao, thì khả năng Việt Nam bị theo dõi và trừng phạt.

Châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam cũng mang lại cơ hội lớn, dù tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại Châu Âu. Nhưng nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân Châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại Châu Âu và do đó Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Thứ tư, về nội tại nền kinh tế, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản./.