Hiến kế cải cách hành chính giúp DN khôi phục sau dịch bệnh Covid-19
Ngày 26/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), tổ chức Hội nghị Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội.
Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại 19 tỉnh, thành phố, bao gồm: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Hòa Bình, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Hà Giang, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Ninh Bình.
Nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Trên tinh thần đó, Hội nghị ngày hôm nay được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi và những tác động mạnh mẽ do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân cả nước, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ được thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch Covid-19, trong suốt 41 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Điều này đã được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao, đồng thời, xác lập trạng thái bình thường mới, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ khẳng định, để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Các bộ, ngành cũng đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền, tới đây, tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ việc chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo bộ ngành địa phương. Dự kiến tháng 6 tới sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hướng tới hoàn thiện, ban hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sau 5 tháng đi vào hoạt động, đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 170 dịch vụ công phục vụ người dân, 238 dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp... Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, từ ngày 12/5/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ thông qua và triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Giang
Cũng tại Hội nghị, ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam đánh giá cao công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và hành động nhất quán Việt Nam đã có thể mở của trở lại một cách an toàn sớm hơn nhiều quốc gia khác.
Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, trong hơn 3 tháng qua, Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ đã hỗ trợ Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thực hiện khảo sát nhằm thu thập phản hồi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc. Khảo sát đã thu thập thông tin về những đánh giá của doanh nghiệp đối với gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ của Chính phủ Việt Nam, đồng thời thu thập những ý kiến và đề xuất dành cho những cải cách về thủ tục hành chính.
Ông Michael Greene hy vọng, những số liệu và phát hiện từ khảo sát sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt nam có thể đề xuất quy định và những thủ tục hiệu quả và dễ dàng tiếp cận đối với doanh nghiệp. Đồng thời, Ông mong được nghe những khuyến nghị của các doanh nghiệp từ cả khu vực công và cả khu vực tư nhân về cải cách.
“Đây chắc chắn là các cải cách giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại cịch Covid-19 và chắc chắn sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia”, ông Michael Greene khẳng định.
Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu trong 3 tháng qua, tác động mạnh tại các quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thuỷ sản của Việt Nam, đã tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp và nông - ngư dân trong chuỗi sản xuất thuỷ sản Việt Nam. Kim ngạch thủy sản của cả nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm -8% so với cùng kỳ năm 2019, chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”…
Đại diện VASEP cho rằng, trong bối cảnh đó, đã đặt ra nhiều thách thức đối với ngành thủy sản, như: sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”, chi phí sản xuất tăng cao, lao động cho các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu và ngày càng khó khăn…
Đồng thời, lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng. Doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hoá và nguyên liệu. Các cơ chế, chính sách hiện có cho nhu cầu đầu tư kho bảo quản thủ tục còn phức tạp và kể cả phê duyệt, thì lãi suất ưu đãi sau đó cũng chỉ thấp hơn lãi suất vay trung hạn thương mại một chút, không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Về phía các doanh nghiệp nước ngoài, liên quan đến thủ tục xin cấp phép đầu tư và kinh doanh, ông Fred Burke Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho hay, các cơ quan và Chính phủ Việt Nam đã trở lại chế độ làm việc bình thường, tuy nhiên, các thủ tục hành chính tại các cơ quan khác nhau vẫn còn rất nhiều thách thức. Cụ thể:
Nhiều quốc gia nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước, như: Mỹ, Anh, châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông vẫn còn đang bị phong tỏa và việc lấy các tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi từ các nước này đã và đang là một thách thức.
Điều này gây trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình là khoảng 2 tháng. Mặc dù đây không phải là vấn đề của Việt Nam, song vấn đề này đã và đang trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do thực tế rằng, các cơ quan hành chính của Việt Nam không có sự linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa các yêu cầu về hành chính này.
Bên cạnh đó, hiện nay các cơ quan chức năng khác nhau chịu trách nhiệm về các khâu khác nhau trong thủ tục cấp phép tại Việt Nam không có đủ cơ sở dữ liệu chung hay phương thức phù hợp để trao đổi thông tin với nhau. Những cơ quan chức năng đó vẫn trao đổi thông tin qua bưu điện và việc gửi thư giữa các tỉnh thành khác nhau có thể mất tới 1 đến 2 tuần trong thời gian của dịch Covid-19.
Ngoài ra tại hội nghị, ý kiến từ một số đại biểu cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn sau dịch Covid-19, do vậy, doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại có chính sách cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để vực dậy sau khủng hoảng.
Vẫn còn nhiều dư địa cho cải cách thủ tục hành chính
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch là rất cao, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho cải cách thủ tục hành chính.
“Đại dịch COVID-19 đã lắng xuống tại Việt Nam, đây là thời cơ tốt cần tận dụng lợi thế của một nước khôi phục sớm để bứt phá nền kinh tế sau đại dịch. Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thì cần phải tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy tiêu thụ nội địa”, ông Thân nhấn mạnh.
Đại diện VASEP cũng đề xuất, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này có ý nghĩa và tác động rất lớn tới sự ổn định và niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp.
Đại diện của AmCham hy vọng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện xây dựng hệ thống ứng dụng trực tuyến mạnh mẽ và các cơ quan sẽ áp dụng cách tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp theo cho Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành, tiếp tục duy trì phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chính phủ và các doanh nghiệp luôn luôn phải có kịch bản ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ 2.
Đại diện cho các ngân hàng, BIDV cam kết nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do Covid-19 và sẵn sàng chuẩn bị nguồn vốn cho phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.
Bình luận