Hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành trước 31/12/2024
Đến hết năm 2024, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63%
Bộ Nội vụ cho biết, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ (gồm 25 vụ thuộc bộ, ngành và giảm 119 vụ và tương đương thuộc tổng cục); giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Đồng thời, các bộ, ngành đã ban hành 18/19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành Thông báo Kết luận số 114/KL-BCĐĐMSXTCBM ngày 8/12/2023 của Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở để triển khai sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao tự chủ về tài chính và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để đạt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa bao gồm 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đang tổng hợp trong phương án sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp), giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%). Cùng với đó, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).
Cũng theo Bộ Nội vụ, các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến hết năm 2023, đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị).
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (75,34%).
Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh, bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ, theo đó đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước 31/12/2024
Ngày 2/4/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận số 62-KL/TW. |
Chương trình hành động được ban hành nhằm mục đích tiếp tục quán triệt các chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Chương trình hành động phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, bảo đảm các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm, phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên sản phẩm, kết quả công việc.
Đối với bộ, ngành, phấn đấu giảm 13,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước 31 tháng 12 năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận số 62-KL/TW.
Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính
Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Đối với bộ, ngành, phấn đấu đạt trên 60% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
Đến năm 2030: Phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Nghị quyết cũng xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành quy định về tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên.
Hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập
Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời, hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
Các bộ, ngành, địa phương xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế, tính công bằng xã hội và bảo toàn vốn ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo biên chế giáo viên
Bộ Tài chính hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng Đề án tự chủ, báo cáo bộ, ngành, địa phương phê duyệt. Bên cạnh đó, hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước theo cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo số lượng học sinh, bảo đảm phù hợp với quy mô lớp học, làm cơ sở để thực hiện tự chủ một phần đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối
Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập.
Đối với các bộ, ngành, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, yêu cầu các bộ, ngành chủ động xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý./.
Bình luận