Hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp
Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Thông tư áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo Thông tư doanh nghiệp có quyền hạn và trách nhiệm, cụ thể:
- Có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Khoa học và Công nghệ.
- Thông báo việc thành lập Quỹ cho cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập Quỹ.
- Xây dựng, phê duyệt và gửi Quỹ chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
- Báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ gửi về các cơ quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 11 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.
- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng Quỹ theo quy định pháp luật.
Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp được được sử dụng cho các nhiệm vụ sau:
- Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), bao gồm các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp.
- Chi hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp gồm: trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; mua quyền sử dụng, quyền sở hữu bí quyết công nghệ, quy trình công nghệ, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh; chi đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp; …
- Chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ gồm: chi thực hiện dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn đầu tư; chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; chi mua sắm, nhập khẩu vật mẫu;...
- Chi các nội dung phục vụ trực tiếp hoạt động quản lý Quỹ: chi lương và các khoản BHXH, BHTN, BHYT và các khoản đóng góp cho cán bộ phục vụ trực tiếp hoạt động quản lý Quỹ theo quy định; chi phụ cấp cho các cán bộ kiêm nhiệm; chi thuê trụ sở làm việc;...
Doanh nghiệp nhà nước đã trích Quỹ theo quy định pháp luật về thuế, nếu Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập kể cả nhận điều chuyển (nếu có) trong thời gian 05 năm kể từ năm trích lập hoặc nhận điều chuyển thì phải nộp một phần Quỹ chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương, số tiền nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương được xác định tối thiểu bằng 20% số Quỹ đã trích lập không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập kể cả nhận điều chuyển (nếu có). Số tiền trích lập Quỹ và số tiền Quỹ đã sử dụng được quy định tại pháp luật về thuế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 và áp dụng cho việc sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022./.
Bình luận