Khối ngoại sở hữu trên 18% cổ phiếu Việt Nam
Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 31/3/2021, ông Nguyễn Sơn cho biết, ông đã nói chuyện với một số nhà đầu tư nước ngoài và đánh giá, dù xu hướng bán ròng vừa qua khá mạnh, nhưng nhà đầu tư ngoại chủ yếu chuyển trạng thái cổ phiếu thành tiền mặt, chứ chưa có nghĩa là họ rút hẳn vốn khỏi thị trường Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng cao năm 2021, nhưng nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng khỏi chứng khoán Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề được TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nêu lên tại cuộc Tọa đàm.
Chủ tịch VSD, ông Nguyễn Sơn lý giải, nguyên nhân có thể đến từ việc nhà đầu tư phản ứng sớm trước thông tin Chính phủ Mỹ liệt kê Việt Nam vào danh sách những quốc gia có biểu hiện của thao túng tiền tệ. Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá những trở ngại của Việt Nam cần nhiều thời gian để xử lý. Việt Nam chưa có các hoạt động hỗ trợ tài chính thực sự cho doanh nghiệp, chủ yếu chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch chỉ là giãn và hoãn các khoản nợ ngân hàng, nợ Nhà nước. Theo ông Sơn, khi giãn, hoãn, có nghĩa là sẽ đến thời điểm doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả, khó khăn trở lại. “Có thể, nhà đầu tư ngoại tiên lượng vấn đề sớm và chọn rút vốn sớm trước thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn", ông Sơn chia sẻ.
Thứ ba, TTCK Việt Nam tăng gần 100% so với 1 năm trước đây, là động lực rất lớn thúc đẩy nhà đầu tư ngoại chốt lời. Danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không phải chỉ một vài cổ phiếu mà tối thiểu từ 10 - 20 mã cổ phiếu. Thị trường tốt, họ rút vốn là hết sức bình thường, để cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Thông tin quan trọng nhất được Chủ tịch VSD chia sẻ là, hiện khối ngoại đang nắm giữ 18-18,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên TTCK Việt Nam. So với mức nắm giữ ổn định khoảng 20-22% trước đây của khối này, mức sụt giảm do bán ròng là có, nhưng không quá lớn. Hơn nữa, việc bán ròng tạo ra khoản tiền mặt cho nhà đầu tư và phần lớn lượng tiền này đang chờ cơ hội tốt hơn hoặc chờ khi thị trường điều chỉnh để mua lại. Cũng theo ông Sơn, nhiều nhà đầu tư ngoại dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam là tích cực.
Góc nhìn từ thị trường, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, MBS cho biết, năm 2020, tất cả các thị trường mới nổi đều ở tình trạng bị vốn ngoại rút ròng trong năm 2020. Nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra hơn 100 tỷ USD khỏi các thị trường này và tại Việt Nam, xu hướng bán ròng cũng diễn ra lớn nhất trong 10 năm qua. Gần đây, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đà bán ròng càng trở nên rõ nét.
Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, trong bối cảnh quốc tế phức tạp và khó lường, để hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới, yếu tố chính là chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp. Các công ty được định giá đánh giá cao hơn sẽ đẩy thị trường qua mốc kháng cự khi lợi nhuận, chất lượng doanh nghiệp cải thiện tốt. Thực tế, hàng hoá ở thị trường Việt Nam hiện còn ít, những công ty niêm yết trong rổ VN30 đều là những công ty gọi mặt chỉ tên ai cũng biết. Trong 3-5 năm nay chưa có công ty nào đủ lớn để cho nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng, chưa có lớp cổ phiếu lớn kế cận có lượng tiền lớn để nhà đầu tư tham gia được. Để hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế cần thanh khoản lớn để mua bán dễ dàng.
Trong khi các yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế là không thể quản trị được, thì vấn đề của Việt Nam là làm sao cải thiện chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, của thị trường, để giữ chân các dòng vốn đang có và tăng tính cạnh tranh trong mục tiêu dài hạn.
Bình luận