Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều ngân hàng đã chạm trần
Theo Trung tâm thông tin giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia), số liệu cập nhật ngày 10/2/2023 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại nhiều ngân hàng Việt Nam đã chạm trần.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cập nhật ngày 10/2/2023 (nguồn: VSD) |
Theo đó, trong số 27 ngân hàng đang có cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại 11 ngân hàng trên 20%. Có quan điểm cho rằng, room ngoại thấp là một trong những nguyên nhân khiến các thương vụ M&A ngân hàng trầm lắng thời gian qua.
Theo Trung tâm thông tin giám sát tài chính Quốc gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam, nhưng quy định room ngoại thấp khiến họ lo ngại khó tham gia sâu vào quản trị ngân hàng. Theo góc nhìn của nhiều ngân hàng, nếu được nới room ngoại, sẽ thu hút vốn giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng Việt trong dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu…
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng MB gần chạm trần cho phép |
Một diễn biến đang được nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng là nội dung mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Tại dự thảo này, một nội dung đáng chú ý mà Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan soạn thảo đề xuất là trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc…/.
Bình luận