Chính sách đang dần hoàn thiện

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, cam kết cân bằng phát thải, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ đang bắt đầu sửa đổi các kế hoạch và khung pháp lý tương ứng, nhằm đạt các mục tiêu về hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã đề ra.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư xanh, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở…, trong khi nguồn lực của nhà nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh lại rất hạn chế.

“Trong bối cảnh đó, vai trò của khu vực tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh mang tính quyết định, đảm bảo thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh”, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định tại Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, diễn ra ngày 25/10, do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức.

Khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam”

Vì vậy, trong thời gian qua, khung chính sách về thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện. Có thể kể đến các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh; chính sách hỗ trợ đầu tư đối với khu vực tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh như: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật; chính sách thuế, phí về ưu đãi đầu tư thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh…

Mặc dù vậy, ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng Ban phụ trách, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM nhận định, các chính sách hiện hành chưa đồng bộ, thiếu ổn định. Một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trùng lặp và hiệu quả chưa cao.

Chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn, số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra…

Một số văn bản có liên quan đến phát triển dịch vụ môi trường còn chậm được ban hành. Các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng của một số dịch vụ môi trường còn thiếu, nhất là các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho các loại hình hoạt động dịch vụ môi trường.

Hơn nữa, một số chính sách không ổn định, dễ thay đổi, hiệu lực chính sách ngắn ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư.

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Để tăng cường thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, báo cáo của CIEM gợi ý cần có các giải pháp đồng bộ, tập trung vào hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế thu hút các dự án tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, ít phát thải và thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng tiếp cận đến các nguồn tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, áp dụng công cụ thuế ưu đãi và công nghệ mới đối với hoạt động phát thải nhiều carbon. Ngoài ra, để tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân, nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án xanh.

“Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh rõ ràng, ban hành tiêu chí, cách phân loại và áp dụng tiêu chuẩn xanh trong các ngành, lĩnh vực, công khai thông tin về tác động môi trường của doanh nghiệp, đẩy nhanh quy trình cấp phép, chủ trương đầu tư đối với các dự án xanh”, ông Lưu Đức Khải đều xuất.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh vẫn cần là ưu tiên hàng đầu với mục đích cuối cùng là xóa bỏ những bất hợp lý về thể chế, từ quy định pháp luật đến bộ máy thực thi, nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật ở Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh. Đẩy mạnh huy động đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị tiên tiến vào nước ta, nhưng vẫn phải đảm bảo công bằng và bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ưu tiên các doanh nghiệp trong nước nếu có cùng một mặt bằng công nghệ và giá thầu.

Nhà nước chỉ tham gia hoặc hỗ trợ các dự án không có tính khả thi về mặt tài chính nếu không có sự tham gia hoặc hỗ trợ của nhà nước trong các dự án PPP. Đối với các dự án bản thân nó có thể vận hành theo cơ chế thị trường, thì nhà nước không tham gia trực tiếp vào dự án mà chỉ có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật, để dành nguồn lực cho các dự án không đảm bảo khả thi nhưng có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, đặc biệt là dự án có mức giảm thải khí nhà kính lớn.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất việc đẩy mạnh và thu hút nguồn lực nhằm cung cấp tài chính cho tăng trưởng xanh thông qua: phát triển thị trường trái phiếu xanh kết hợp với đòn bẩy tài chính, đưa ra các chuẩn mực cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh; thúc đẩy các sản phẩm thị trường vốn cho những lĩnh vực kinh doanh cụ thể (chứng khoán xanh cho công ty niêm yết, chứng khoán xanh, quỹ đầu tư bất động sản xanh, quỹ tín thác bất động sản xanh cho lĩnh vực bất động sản); điều chỉnh các chính sách thuế, khuyến khích các chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ cho các nhà đầu tư xanh, áp dụng thuế carbon…/.