ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam, Email: lamntt@dav.edu.vn

Giảng viên Học viện Ngoại giao

Trần Nguyễn Khánh Linh, Email: linhtrankhanh80@gmail.com

Sinh viên Học viện Ngoại giao

Tóm tắt

Việt Nam đang đối mặt với áp lực trả nợ công lớn, trong đó phần lớn nợ công được sử dụng cho các dự án đầu tư công, tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công chưa cao. Bài viết đưa ra các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia về kiểm soát nợ công từ đầu tư công, như: Hàn Quốc, Hy Lạp và Chile. Từ các kinh nghiệm này, nhóm tác giả đề xuất Việt Nam cần ưu tiên triển khai các dự án có hiệu quả kinh tế cao, tăng cường minh bạch trong quản lý đầu tư công, phát triển mô hình hợp tác công – tư (PPP) và xây dựng quỹ dự phòng tài chính, để kiểm soát nợ công, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Từ khóa: nợ công, đầu tư công, Việt Nam, quản lý nợ công, bài học

Summary

This paper analyzes the close relationship between public investment and public debt, while assessing the current state of public debt in Vietnam. Vietnam is facing significant pressure to repay its public debt, a large portion of which is allocated to public investment projects. However, the effectiveness of public investment utilization remains low. The paper also draws lessons from countries such as South Korea, Greece, and Chile. Based on these experiences, the article proposes that Vietnam should prioritize high-economic-efficiency projects, enhance transparency, develop the PPP model, and establish financial reserve funds to control public debt, thereby promoting sustainable development.

GIỚI THIỆU

Việt Nam đang có kế hoạch triển khai hàng loạt kế hoạch đầu tư công quy mô lớn, từ xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại (đơn cử như đường sắt tàu cao tốc Bắc Nam), đến phát triển năng lượng tái tạo và đô thị thông minh. Mặc dù những nỗ lực này là động lực quan trọng để tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát hiệu quả nợ công. Khi dư địa tài khóa dần thu hẹp, bài toán về hiệu quả và bền vững trong quản lý nợ công từ đầu tư công càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, việc phân tích sâu sắc kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát nợ công, trong đó tập trung vào các mô hình quản trị; cơ chế, chính sách của một số quốc gia là cần thiết, để trên cơ sở đó rút ra những bài học thực tiễn có giá trị, nhằm giúp Việt Nam tăng cường hiệu quả trong kiểm soát nợ công từ đầu tư công.

TỔNG QUAN LÝ THUYẾT

Khái niệm về nợ công

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2001) cho rằng, nợ công, theo nghĩa rộng được hiểu là nghĩa vụ nợ của khu vực công, bao gồm: các nghĩa vụ của chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, ngân hàng trung ương và các tổ chức độc lập (có nguồn vốn hoạt động từ ngân sách nhà nước quyết định hoặc trên 50% vốn thuộc sở hữu nhà nước và trong trường hợp vỡ nợ nhà nước phải trả nợ thay). Theo nghĩa hẹp, nợ công bao gồm: nghĩa vụ nợ của chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và nợ của các tổ chức độc lập được chính phủ bảo lãnh thanh toán.

Theo Luật Quản lý nợ công (2017), nợ công tại Việt Nam bao gồm: (i) Nợ Chính phủ; (ii) Nợ được Chính phủ bảo lãnh; (iii) Nợ chính quyền địa phương. Nhìn chung, có thể hiểu đơn giản và tổng quan nhất: nợ công là tổng nợ mà một quốc gia đi vay mượn, nhằm bù đắp các “lỗ hổng” trong tiết kiệm và ngân sách quốc gia với mục đích phục vụ cho chi tiêu, đầu tư và thuộc trách nhiệm chi trả của chính phủ quốc gia đó.

Khái niệm về kiểm soát và quản lý nợ công

Theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2014), quản lý nợ công là toàn bộ quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, nhằm huy động được một số lượng vốn theo yêu cầu của chính phủ với chi phí và các rủi ro thấp nhất nhất. Cụ thể hơn, có thể hiểu quản lý nợ công là toàn bộ quá trình tạo dựng và triển khai các đề án, kế hoạch chiến lược của chính phủ, nhằm thực hiện tốt 2 mục tiêu: huy động được dòng vốn cần thiết cho chính phủ và đảm bảo duy trì an toàn tài chính quốc gia.

Khái niệm về đầu tư công

Theo Điều 4, Luật Đầu tư công (2013), đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với khái niệm này, có thể thấy rõ, đầu tư công bao gồm 2 phần: (1) Khẳng định chủ thể thực hiện đầu tư là nhà nước; (2) Đối tượng được đầu tư là các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2014), khái niệm đầu tư công không rõ ràng như nó có vẻ. Về cơ bản, đầu tư công là việc chính phủ chi tiêu vốn vào phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và hạ tầng mềm. Đầu tư công dành tỷ trọng lớn là đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất và được thực hiện bởi các cấp quốc gia và địa phương. Do đó, đầu tư công là đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bởi chính phủ các cấp chủ yếu cho cơ sở hạ tầng vật chất.

Nhìn chung, đầu tư công là việc chính phủ của một quốc gia chi tiêu đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và cơ sở hạ tầng mềm của đất nước, nhằm tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Về cơ bản, các dự án liên quan đến xây dựng hạ tầng mềm (bao gồm đầu tư cho y tế, giáo dục, xây dựng trường học...) là các dự án không có khả năng thu hồi vốn, chủ yếu đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung. Trong khi đó, các dự án đầu tư liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất (xây dựng đường xá, đầu tư cho hệ thống giao thông...) có khả năng giúp thu hồi vốn thông qua thu phí... Vì vậy, trong bài viết này, các giải pháp đưa ra liên quan đến đầu tư công nhằm kiểm soát nợ công.

Mối quan hệ giữa nợ công và đầu tư công

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa nợ công và đầu tư công của một quốc gia. Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Cai (2022) cho rằng, khi đầu tư công gia tăng sẽ khiến mức độ thâm hụt ngân sách gia tăng, dẫn đến nợ công tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ. Nếu đầu tư công kém hiệu quả, sẽ hạn chế nguồn thu để trả nợ, gánh nặng nợ công sẽ tạo sức ép lớn lên ngân sách nhà nước (NSNN), dẫn đến nguy cơ mất an toàn nợ công, ảnh hưởng xấu đến tính bền vững ngân sách. Còn Mustafa Ismihan và F. Gulcin Ozkan (2011) thông qua mô hình nghiên cứu chi tiêu vốn công trong mô hình chính sách kính tế vĩ mô đã kết luận rằng, ở các quốc gia có quy mô vốn đầu tư công thấp, dẫn đến năng suất biên của đầu tư bổ sung cao và sở hữu điều kiện vay vốn thuận lợi, chi tiêu đầu tư công thực sự trở thành động lực cải thiện hiệu suất kinh tế vĩ mô, khi lợi ích từ các dự án vượt trội hơn so với cái giá phải trả để huy động nguồn tài chính cần thiết. Ngược lại, ở trường hợp mà lợi nhuận từ các khoản đầu tư thấp và chi phí vay vốn cao, việc mở rộng đầu tư công có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, khiến tình trạng nợ nghiêm trọng hơn.

Nhìn chung, các nghiên cứu đều chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa đầu tư công và nợ công. Đầu tư công sẽ khiến cho nợ của một quốc gia tăng, nếu chính phủ vay mượn để đầu tư vào các dự án hoạt động kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí..., dẫn đến tình trạng không thu hồi được vốn để trả nợ, từ đó làm tích lũy nợ công tăng lên. Khi nợ công tăng, chính phủ buộc phải giành một phần chi NSNN để trả nợ gốc và lãi, dẫn đến làm giảm nguồn vốn cho đầu tư công. Nếu nợ công vượt mức an toàn, thì chính phủ buộc phải xem xét và thực hiện cắt giảm đầu tư công. Điều này dẫn đến tình trạng một quốc gia không đủ nguồn lực để trả nợ và phát triển, vòng lặp này tiếp tục đẩy quốc gia vào vòng xoáy khủng hoảng, nợ nần. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ công từ đầu tư công là cần thiết, để đảm bảo sự phát triển bền vững.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ KIỂM SOÁT NỢ CÔNG TỪ ĐẦU TƯ CÔNG

Hàn Quốc: Thành công nhờ chiến lược đầu tư công có chọn lọc

Hàn Quốc là một ví dụ tiêu biểu về việc sử dụng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà vẫn kiểm soát tốt nợ công. Từ những năm 1960 đến năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào các dự án hạ tầng chiến lược, như: mạng lưới đường cao tốc Gyeongbu và khu công nghiệp Ulsan. Các dự án này không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông, mà còn tạo ra sự kết nối kinh tế giữa các vùng, từ đó thúc đẩy phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn. Điểm đặc biệt trong chính sách của Hàn Quốc là áp dụng mô hình PPP, cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia tài trợ và chia sẻ rủi ro với Chính phủ. Nhờ đó, áp lực tài chính lên NSNN được giảm thiểu đáng kể. Kết quả là Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 9%/năm trong ba thập kỷ, đồng thời duy trì nợ công ở mức an toàn.

Hy Lạp: Thất bại do đầu tư công thiếu kiểm soát

Trái ngược với Hàn Quốc, Hy Lạp là một trường hợp minh chứng cho việc quản lý kém hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công không hợp lý dẫn đến khủng hoảng nợ công. Trước khủng hoảng tài chính năm 2008, Hy Lạp đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, bao gồm: các dự án giao thông và các công trình tổ chức Thế vận hội Olympic Athens 2004. Tuy nhiên, các dự án này thường vượt ngân sách dự toán và không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Việc thiếu minh bạch trong quản lý đã dẫn đến tham nhũng, lãng phí nguồn lực và làm tăng chi phí vay nợ.

Hậu quả là nợ công của Hy Lạp tăng vọt lên 130% GDP vào năm 2010, đẩy quốc gia này vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Những công trình hạ tầng không sinh lời trở thành "tài sản chết", không chỉ không tạo ra nguồn thu, mà còn làm trầm trọng thêm áp lực trả nợ của Chính phủ. Bài học từ Hy Lạp là cảnh báo về tầm quan trọng của việc kiểm soát chi tiêu công và đảm bảo hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư.

Chile: Mô hình cân bằng giữa đầu tư công và quản lý nợ công

Chile là một hình mẫu đáng học hỏi trong việc duy trì cân bằng giữa đầu tư công và ổn định tài khóa. Chính phủ Chile đã xây dựng Quỹ ổn định Kinh tế và Xã hội (Economic and Social Stabilization Fund), sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu đồng để tài trợ cho các dự án đầu tư công. Nhờ quỹ này, Chile giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay nợ, đặc biệt là trong bối cảnh biến động giá hàng hóa toàn cầu.

Ngoài ra, Chile cũng áp dụng Hệ thống kiểm toán và đánh giá dự án quốc gia (SNIP), đảm bảo rằng, mọi dự án đầu tư công đều phải trải qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt về hiệu quả kinh tế và tính khả thi. Các dự án PPP, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông và cảng biển cũng được triển khai, nhằm giảm áp lực tài chính lên ngân sách. Kết quả là Chile duy trì mức nợ công dưới 30% GDP trong nhiều năm, trong khi vẫn phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng. Thành công của Chile chứng minh rằng, việc xây dựng quỹ dự phòng tài chính và thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo đầu tư công bền vững.

THỰC TRẠNG NỢ CÔNG VÀ QUẢN LÝ NỢ CÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY, BÀI HỌC RÚT RA TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Thực trạng nợ công và quản lý nợ công

Từ Hình 1 có thể thấy, ngoài mức sát “trần” là 65% vào năm 2016, thì xu hướng chung là tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam ngày càng giảm dần và nằm trong ngưỡng an toàn của Việt Nam và thế giới. Đây là một chỉ tiêu dài hạn cho biết khả năng chịu đựng nợ của nền kinh tế và mức độ bền vững của chính sách tài khóa của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Chỉ tiêu này thể hiện sức khỏe tài chính trong thời gian trung và dài hạn của đất nước.

Sự cải thiện này phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong kiểm soát nợ công và tái cơ cấu tài chính công. Đây là minh chứng cho các chính sách tài khóa thận trọng và hiệu quả, giúp Việt Nam từng bước giảm áp lực nợ công và duy trì sự ổn định tài chính quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động phức tạp. Bằng việc giữ tỷ lệ nợ công ở mức thấp hơn nhiều so với các ngưỡng cảnh báo quốc tế, Việt Nam đang có vị thế vững chắc hơn để đối phó với các rủi ro kinh tế tiềm ẩn.

Hình 1: Tỷ lệ nợ công so với tổng thu nhập quốc dân (GDP) (%)

Kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát nợ công từ đầu tư công: Bài học cho Việt Nam

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ các Bản tin nợ công số 12, 13,14,15,16,17 của Bộ Tài chính

Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP giảm đáng kể, nhưng quy mô nợ công tuyệt đối vẫn tiếp tục tăng. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì kỷ luật tài khóa và quản lý hiệu quả các khoản vay. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng giữa nhu cầu đầu tư phát triển và áp lực kiểm soát nợ công.

Dù nợ công so với quy mô kinh tế đất nước thấp và có xu hướng giảm, nhưng áp lực trả nợ công tại Việt Nam mang tính chu kỳ và biến động phức tạp. Tỷ lệ này dao động từ 15,7% đến 21,5% cho thấy, mặc dù có những thời điểm giảm, áp lực chi trả nợ chưa bao giờ thực sự biến mất. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020–2021, tỷ lệ tăng đột biến lên mức 21,5% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thu ngân sách, đồng thời các nghĩa vụ trả nợ đáo hạn cũng tăng cao. Đây là minh chứng rõ ràng về sự phụ thuộc lớn của việc chi trả nợ vào tình hình kinh tế vĩ mô và khả năng huy động nguồn thu ngân sách (Hình 2).

Hình 2: Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN

Kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát nợ công từ đầu tư công: Bài học cho Việt Nam

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ các Bản tin nợ công số 12, 13,14,15,16,17 của Bộ Tài chính

Tuy nhiên, từ năm 2022, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ đã giảm mạnh xuống còn 15,7%. Đây là mức thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2023, nhờ vào các biện pháp cơ cấu lại nợ hiệu quả và sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này phản ánh khả năng quản lý tài chính tích cực của Chính phủ trong việc tối ưu hóa nghĩa vụ trả nợ và cân đối ngân sách. Dù vậy, năm 2023, nghĩa vụ trả nợ lại tăng lên 20% cho thấy, áp lực trả nợ đang quay trở lại, đặt ra thách thức lớn với chính sách tài khóa nếu không kiểm soát chặt chẽ hơn trong các năm tới.

Khi nền kinh tế tăng trưởng và thu ngân sách dồi dào, tỷ lệ nợ công giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong các giai đoạn khó khăn kinh tế như các năm 2020, 2021, áp lực trả nợ gia tăng nhanh chóng. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn thu ngân sách và giảm bớt sự phụ thuộc vào vay nợ để duy trì sự ổn định tài khóa.

Bài học cho Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng các bài học quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia, như: Hàn Quốc, Hy Lạp và Chile sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược quản lý nợ công và đầu tư công hiệu quả, từ đó góp phần bảo vệ tài chính quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thứ nhất, lựa chọn các dự án có hiệu quả kinh tế cao và khả năng tạo nguồn thu ổn định

Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc lựa chọn các dự án đầu tư công dựa trên tiêu chí hiệu quả kinh tế và khả năng tạo ra nguồn thu ổn định. Các dự án giao thông, năng lượng, hoặc các khu công nghiệp cần được lựa chọn không chỉ vì tính cấp bách, mà còn phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng sinh lời trong dài hạn. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo rằng, các dự án có thể tạo ra giá trị gia tăng, từ đó giúp giảm bớt gánh nặng nợ công.

Thứ hai, minh bạch trong quản lý đầu tư công

Bài học từ Hy Lạp minh chứng cho sự nguy hiểm khi thiếu minh bạch và kiểm soát trong quản lý đầu tư công. Việt Nam có thể học hỏi từ thất bại của Hy Lạp bằng cách tập trung vào tăng cường minh bạch trong toàn bộ quá trình triển khai đầu tư công. Các dự án phải được công khai thông tin về ngân sách, tiến độ và hiệu quả. Đồng thời, các cơ chế giám sát độc lập và các cuộc thanh tra cần được thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, tránh các hành vi tham nhũng và lãng phí tài chính công.

Thứ ba, phát triển mô hình PPP

Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng mô hình PPP từ kinh nghiệm của Chile, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào vay nợ, đặc biệt là với các dự án hạ tầng lớn. Việc huy động vốn từ khu vực tư nhân sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Chính phủ cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch, để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng trọng điểm.

Thứ tư, xây dựng quỹ dự phòng tài chính

Việt Nam cần học hỏi từ mô hình của Chile để xây dựng các quỹ dự phòng tài chính từ các nguồn thu ổn định, chẳng hạn, như: thuế tài nguyên, xuất khẩu khoáng sản hoặc nguồn thu từ các lĩnh vực phát triển bền vững (du lịch và nông nghiệp). Các quỹ này có thể giúp Việt Nam ứng phó với các biến động kinh tế, bảo vệ tài chính quốc gia và duy trì ổn định tài khóa trong dài hạn.

Thứ năm, cải tiến quy trình thẩm định và giám sát dự án đầu tư công

Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư công là việc xây dựng và áp dụng quy trình thẩm định và giám sát nghiêm ngặt. Việt Nam cần tham khảo bài học từ Chile, với hệ thống kiểm toán và đánh giá dự án quốc gia, đã thành công trong việc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các dự án đầu tư công. Việt Nam cần xây dựng và triển khai một hệ thống thẩm định dự án nghiêm ngặt hơn, để đảm bảo các dự án đầu tư công được triển khai đúng mục tiêu, đúng ngân sách và đạt được hiệu quả mong muốn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Nợ công Hy Lạp: Nguyên nhân và bản chất, truy cập từ https://dangcongsan.vn/su-kien-binh-luan/no-cong-hy-lap-nguyen-nhan-va-ban-chat-65077.html.
  2. Bộ Tài chính (2021), Bản tin nợ công số 12, truy cập từ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM216051.
  3. Bộ Tài chính (2022), Bản tin nợ công số 13, truy cập từ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM228895.
  4. Bộ Tài chính (2022), Bản tin nợ công số 14, truy cập từ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM241517.
  5. Bộ Tài chính (2023), Bản tin nợ công số 15, truy cập từ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM270034.
  6. Bộ Tài chính (2023), Bản tin nợ công số 16, truy cập từ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM288663.
  7. Bộ Tài chính (2024), Bản tin nợ công số 17, truy cập từ https://static1.vietstock.vn/edocs/14237/document_2_.pdf.
  8. Đinh Thị Nga, Nguyễn Viết Dũng (2024), Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác công tư và bài học cho Việt Nam trong huy động nguồn lực tư nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-phat-trien-hop-tac-cong-tu-va-bai-hoc-cho-viet-nam-trong-huy-dong-nguon-luc-tu-nhan-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-28399.html.
  9. James Ochieng Babu, Naftaly Gisore, and Kibet Lawrence (2014), Does Public Debt Crowd-Out Public Investment In East Africa Community?, retrieved from https://www.academia.edu/76320975/Does_Public_Debt_Crowd_Out_Public_Investment_In_East_Africa_Community.
  10. J. Rodrigo Fuentes, Klaus Schmidt-HebHebbel, Raimundo Soto (2021), IADB Publications, Fiscal Rule and Public Investment in Chile, retrieved from https://publications.iadb.org/publications/english/document/Fiscal-Rule-and-Public-Investment-in-Chile.pdf.
  11. Jay Hyung Kim (2012), Korea Development Institute (KDI), Public Investment Management Reform in Korea: Efforts for Enhancing Efficiency and Sustainability of Public Expenditure, retrieved from https://shorturl.at/q6odh.
  12. Kilkon Ko (2014), The Evolution of Infrastructure Investment of Korea, The Korean Journal of Policy Studies, 29(1), 123-145.
  13. Lê Viết Tùng (2013), Khủng hoảng nợ công châu Âu và bài học cho Việt Nam, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/22601/khung-hoang-no-cong-chau-au-va-bai-hoc-cho-viet-nam.aspx.
  14. Monetary Fund and the World Bank (2001), Guidelines for Public Debt Management, retrieved from https://www.imf.org/external/np/mae/pdebt/2000/eng/guide.pdf.
  15. Mustafa Ismihan and F. Gulcin Ozkan (2011), A Note on Public Investment, Public Debt, and Macroeconomic Performance, Macroeconomic Dynamics, 15, 265–278, doi:10.1017/S1365100509991076.
  16. Nguyễn Thanh Cai (2022), Mối quan hệ giữa đầu tư công và nợ công ở Việt Nam, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/moi-quan-he-giua-dau-tu-cong-va-no-cong-o-viet-nam-43260.html.
  17. 18. OECD (2014), Recommendation on Effective Public Investment Across Levels of Government, OECD Publishing, retrieved from https://legalinstruments.oecd.org/public/doc/302/302.en.pdf.
  18. Phạm Thị Phương Uyên (2018), Nợ công tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/no-cong-tai-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap-58299.htm.
  19. Tạp chí Tài chính online (2019), Nhìn lại khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và kinh nghiệm đối với Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/nhin-lai-khung-hoang-no-cong-cua-hy-lap-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam.html.
Ngày nhận bài: 30/12/2024; Ngày phản biện: 07/01/2025; Ngày duyệt đăng: 10/01/2025