Lệ phí trước bạ “thúc” tiêu thụ ô tô tăng vọt
Thị trường ô tô tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc

Thị trường ô tô đã có dấu hiệu khởi sắc

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đã có tổng cộng 36.585 ô tô được bán ra trên toàn thị trường tháng 9/2024, tăng vọt 45% so với tháng liền trước và tăng 44% so với cùng kỳ 2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt 225.583 xe, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, doanh số xe du lịch tăng 7,5%, xe thương mại tăng 7,4% và xe chuyên dụng tăng 5,6%. Tuy nhiên, doanh số xe lắp ráp trong nước giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xe nhập khẩu tăng 28,5%.

Đáng chú ý là trước đó, thị trường ô tô Việt Nam đã rơi vào trạng thái lình xình khi nhiều người tiêu dùng có tâm lý chờ giảm lệ phí trước bạ, đồng thời cũng hạn chế mua sắm trong giai đoạn tháng 7 âm lịch (mùa Ngâu). Sau khi lệ phí trước bạ ô tô CKD giảm 50%, sức mua lập tức bùng nổ.

Tác động của chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cũng đã tạo nên sự chênh lệch về lượng ô tô CKD tiêu thụ trên thị trường so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Số liệu của VAMA cho thấy, lượng ô tô CBU bán ra trên thị trường tháng 9/2024 đạt 17.085 chiếc, dù tăng trưởng 30% so với tháng trước song vẫn thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng đến 62% của các loại xe CKD, đạt 19.500 chiếc.

Lệ phí trước bạ “thúc” tiêu thụ ô tô tăng vọt
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết Tháng 9/2024 tăng 7,5% so với 2023 (Nguồn: VÂM)

Mặc dù chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ chỉ áp dụng với ô tô CKD song để cạnh tranh, các loại xe nhập khẩu cũng buộc phải lao vào một cuộc đua giảm giá. Nhờ vậy, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 9 đã có cú bứt tốc mạnh mẽ.

Cũng theo báo cáo của VAMA, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9, tổng lượng ô tô bán ra trên toàn thị trường đạt 225.583 chiếc, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các loại xe du lịch đạt sản lượng bán hàng 168.245 chiếc, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2023. Phân khúc xe thương mại đạt 55.564 chiếc, tăng 7,4% và phân khúc xe chuyên dụng đạt 1.774 chiếc, tăng 5,6%.

Xét về xuất xứ, các loại ô tô CKD gây bất ngờ khi sụt giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 113.641 chiếc. Trong khi đó, các loại xe CBU lại tăng trưởng mạnh mẽ đến 28,5%, đạt 111.942 chiếc.

Về xếp hạng thị phần, Toyota tiếp tục dẫn dắt doanh số bán hàng trong tháng 9 vừa qua khi tiêu thụ được 6.986 xe. Các hãng xe khác cũng ghi nhận doanh số khá tốt bao gồm Mitsubhishi (5.385 xe), Kia (4.015 xe), Ford (3.967 xe), Honda (3.607 xe) và Mazda (3.583 xe)…

Cũng trong tháng 9, nhiều mẫu xe đã vượt mốc 1.000 chiếc bán ra, góp phần làm cho thị trường ô tô trở nên sôi động hơn. Đáng chú ý, mẫu xe Mítubishi Xforce, từng dẫn đầu doanh số trong tháng 7 và 8 với hơn 2.000 xe mỗi tháng, đã "hụt hơi" trong tháng 9, chỉ bán được 1.821 xe. Vị trí dẫn đầu doanh số trong tháng 9 đã thuộc về Mitsubishi Xpander với 2.688 xe bán ra.

Xếp thứ hai về doanh số trong tháng 9 là Mazda CX-5 với 1.856 xe được bán ra, và thứ ba là Toyota Vios với 1.842 xe. Tiếp theo là Honda City với 1.590 xe, Ford Ranger 1.473 xe, Toyota Veloz Cross 1.147 xe và Kia Carnival với 1.023 xe đến tay khách hàng.

Số liệu bán hàng do VAMA thống kê không bao gồm doanh số của Hyundai Thành Công và VinFast. Hiện tại, cả Hyundai lẫn VinFast đều chưa công bố kết quả kinh doanh tháng 9 song theo tiết lộ của đại diện 2 hãng xe này, tỷ lệ tăng trưởng bán hàng cũng ở mức rất cao do tác động chung từ tình hình thị trường.

Lệ phí trước bạ “thúc” tiêu thụ ô tô tăng vọt
Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 7,5% trong khi xe nhập khẩu tăng 28,5% so với cùng kì năm ngoái. Nguồn: VAMA

Nhờ cú hích từ chính sách

VAMA cho biết, sở dĩ sức mua ô tô trên thị trường Việt Nam tháng 9/2024 tăng trưởng mạnh mẽ là nhờ cú hích lệ phí trước bạ.

Cụ thể, tháng 8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; trong đó cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024. Từ ngày 1/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ, ở mức từ 10 đến 12% giá trị xe.

Như vậy, đây là lần thứ tư, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng, nhưng lần này chỉ áp dụng trong 3 tháng, thay vì 6 tháng như 3 lần trước đây.

Nhìn lại có thể thấy việc giảm lệ phí trước bạ đều có tác dụng nhất định đến thị trường.

Tới nay Chính phủ đã 3 lần giảm lệ phí trước bạ, mỗi lần 6 tháng và đều mang lại kết quả tích cực cho thị trường ô tô nội địa.

Cụ thể, lần đầu tiên được áp dụng vào nửa cuối năm 2020, doanh số xe lắp ráp trong nước tăng đột biến, đạt 398.177 xe, gấp đôi so với nửa đầu năm. Lần thứ hai, từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, với doanh số đạt 232.192 xe trong nước, tăng trung bình 1,5 lần so với thời kỳ trước đó. Lần thứ ba, áp dụng vào nửa cuối năm 2023, đã giúp doanh số xe nội địa tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm.

Đánh giá động thái thay đổi chính sách của Chính phủ lần này, nhiều chuyên gia nhận định, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ lần này không chỉ đơn thuần là một biện pháp kích cầu ngắn hạn mà còn là một động thái chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Việc giảm chi phí ban đầu cho người tiêu dùng sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa lớn, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, thúc đẩy sản xuất và tạo ra nhiều việc làm.

Khi nhu cầu tăng lên, các doanh nghiệp ô tô cũng sẽ có thêm động lực để duy trì và nâng cao sản xuất, tạo ra nhiều việc làm hơn và đóng góp tích cực vào GDP của quốc gia.

Dự báo thị trường ô tô sẽ sôi động hơn trong quý IV

Có thể thấy, bên cạnh tác động của chính sách giảm lệ phí trước bạ, thị trường xe ô tô tháng 9 sôi động hơn nhờ việc hàng loạt các dòng ô tô mới liên tục trình làng trong tháng 9 nói riêng và toàn quý III/2024. Một số cái tên có doanh số cao là Hyundai Santa Fe, Suzuki XL7, Mitsubishi Triton…

Dự báo, xu hướng doanh số tích cực được dự báo sẽ duy trì trong những tháng tới, đặc biệt là giai đoạn mùa mua sắm cận Tết. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở sức mua ổn định trong khi các chính sách ưu đãi, bao gồm cả ưu đãi lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, vẫn được duy trì.

Cùng với đó là động thái ra mắt hàng loạt mẫu xe mới giúp tiêu dùng luôn có những lựa chọn mới mẻ. Chỉ riêng tháng 10, thị trường ô tô trong nước ước tính sẽ đón thêm khoảng 12 mẫu xe mới ở mọi phân khúc, trong đó, những mẫu được giới chuyên môn kỳ vọng cao về doanh số có Hyundai Tucson 2024, Honda Civic 2024, Toyota Camry 2024/Land Cruiser Prado 2024…

Ngoài ra, thị trường còn được trợ lực bởi nhiều hoạt động lớn của ngành công nghiệp ô tô trong nước vào dịp cuối năm. Điển hình là từ ngày 11/10, triển lãm Avantgarde 2024 của Mercedes-Benz tại Hà Nội sẽ mở cửa đón công chúng tham quan, trong đó chứng kiến sự xuất hiện của mẫu xe điện siêu sang Mercedes-Maybach EQS 680 SUV (giá từ 7,6 tỷ đồng). Cuối tháng 10, còn có một hoạt động nổi bật khác là Triển lãm ô tô xe máy Việt Nam 2024 (VMS 2024) tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hàng loạt động thái khuấy động thị trường nối tiếp nhau như vậy không chỉ thúc đẩy đáng kể nhu cầu mua sắm phương tiện đi lại của người dân, mà còn hỗ trợ đáng kể hoạt động kinh doanh của chuỗi đại lý xe./.