Mở cửa và hội nhập, hướng tới xây dựng TTCK xanh và bền vững
Dấu ấn 25 năm hội nhập quốc tế ngành chứng khoán Việt Nam
Ngày 29/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 361/QĐ-TTg thành lập Ban Chuẩn bị tổ chức thị trường chứng khoán (TTCK) giúp Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng TTCK ở Việt Nam. Một trong bốn nhiệm vụ quan trọng của Ban Chuẩn bị, bên cạnh xây dựng, soạn thảo các văn bản pháp lý làm cơ sở cho hoạt động của TTCK, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự quản lý thị trường, chính là hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm các hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật để tổ chức TTCK ở Việt Nam. Đây là bước đi có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình hình thành TTCK, làm tiền đề cho sự ra đời cơ quan quản lý nhà nước với chức năng hoàn chỉnh và đầy đủ hơn. Đồng thời qua đó cũng cho thấy vai trò không thể thiếu của công tác hợp tác quốc tế từ giai đoạn đầu xây dựng thị trường.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, TTCK Việt Nam đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, cũng như từng bước tạo dựng hình ảnh, nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nâng cao mức độ tín nhiệm quốc gia, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Quá trình này không thể thiếu sự đóng góp của những nỗ lực không ngừng về hợp tác quốc tế trên tất cả phương diện song phương, đa phương và hội nhập quốc tế.
Về hợp tác song phương:
Ngay từ những ngày đầu thành lập (giai đoạn 1997-2000), UBCKNN đã tranh thủ, tận dụng sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế từ các nước có trình độ thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ để nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý và cơ sở hạ tầng cho thị trường hoạt động. Nhiều đoàn cán bộ của UBCKNN đã được cử sang các nước bạn tìm hiểu và nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán nước ngoài. Bước sang giai đoạn 2000-2010, UBCKNN tập trung nguồn lực để xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, đảm bảo TTCK được vận hành trên cơ sở an toàn, hiệu quả và minh bạch. Các văn bản pháp quy lần lượt ra đời mà điển hình là Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2003 về chứng khoán và TTCK, Luật Chứng khoán 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 hay Luật Chứng khoán sửa đổi số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010 tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của TTCK, trong đó có sự đóng góp công sức, tư vấn không nhỏ của các chuyên gia quốc tế. Cũng trong giai đoạn này, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán được đẩy mạnh với các hoạt động hợp tác cụ thể và thực chất, tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm mang tính kỹ thuật, hỗ trợ cho sự phát triển thị trường, tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý. Từ giai đoạn 2010 đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, sự đa dạng của các sản phẩm dịch vụ được cung cấp trên thị trường, hoạt động hợp tác quốc tế của UBCKNN cũng không ngừng được triển khai và mở rộng với các cơ quan quản lý các nước như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS), Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA), Cơ quan hợp tác phát triển Luxembourg, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ), tận dụng ưu thế về chuyên môn kinh nghiệm phát triển thị trường của đối tác nhằm thu hút nguồn tài trợ, hỗ trợ và tư vấn của quốc tế cho TTCK Việt Nam.
Thông qua các hoạt động hợp tác song phương, UBCKNN đã hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát của mình trên TTCK theo hướng hiện đại hóa, trong đó có hệ thống công bố thông tin (IDS) giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, và hệ thống giám sát thị trường (MSS) sử dụng bộ tiêu chí cảnh báo cho việc tự động hóa các cảnh báo giám sát thị trường đối với các giao dịch chứng khoán. Cùng với đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng tập trung vào đào tạo cho nhân lực ngành chứng khoán. Các chương trình đào tạo đa dạng về hình thức và đối tượng đào tạo do các chuyên gia quốc tế giảng dạy, bên cạnh đào tạo chuyên sâu về các hoạt động trên TTCK còn được cập nhật những nội dung kiến thức về các xu hướng hiện hành như fintech, tài chính xanh… hướng tới xây dựng một TTCK phát triển hiện đại, công khai, minh bạch và bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư.
Về hợp tác đa phương:
Hợp tác quốc tế đa phương được UBCKNN tích cực đẩy mạnh, thông qua việc chủ động tham gia và hội nhập vào các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Sự kiện ghi dấu mốc quan trọng thể hiện vị thế và trách nhiệm của Việt Nam là việc UBCKNN trở thành thành viên đầy đủ của Phụ lục A Biên bản Ghi nhớ Hợp tác đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (MMoU IOSCO) năm 2013. Việc là thành viên chính thức từ năm 2001 và trở thành thành viên đầy đủ ở cấp độ cao nhất của IOSCO – tổ chức lớn nhất của các cơ quan quản lý chứng khoán thế giới – là một thành công lớn của UBCKNN, góp phần vào việc hội nhập sâu thị trường vốn quốc tế. Sự kiện này một mặt cho thấy các nỗ lực của UBCKNN trong công tác xây dựng và quản lý TTCK tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, mặt khác nâng cao vị thế và hình ảnh của UBCKNN nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
UBCKNN tham dự hội nghị thường niên IOSCO lần thứ 38 (năm 2013
|
Bên cạnh đó, UBCKNN đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) với 26/31 cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU (Liên minh châu Âu) và EEA (Khu vực Kinh tế châu Âu), gọi tắt là MOU ESMA. Đây là Biên bản ghi nhớ quan trọng về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin trong việc giám sát các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA. Việc ký kết MOU này giúp các bên tăng cường khả năng phối hợp quản lý, giám sát dòng vốn và nâng cao tính minh bạch cho hoạt động của ngành quỹ, góp phần gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư có tổ chức từ các nước châu Âu vào Việt Nam.
Ở cấp độ khu vực, UBCKNN đã tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, đặc biệt là Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) và các sáng kiến hợp tác trong ASEAN là hai trong số nhiều khung khổ hợp tác khu vực và toàn cầu mà cơ quan quản lý TTCK Việt Nam đã và đang tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả, bên cạnh việc tham gia các sáng kiến mang tính thiết thực cho TTCK như tài chính xanh và phát triển bền vững, sáng kiến về Quản trị công ty… với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ), Ngân hàng châu Á (ADB)...
Có thể nói, hoạt động hợp tác đa phương trong những năm qua đã hỗ trợ không nhỏ cho UBCKNN trong công tác xây dựng khung pháp lý, sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, đào tạo và nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý và thành viên thị trường. Nhiều văn bản mới đã ra đời đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế như văn bản hướng dẫn hoạt động các loại hình quỹ trên TTCK, thị trường chứng khoán phái sinh, điều chỉnh các dịch vụ do các tổ chức trung gian cung cấp, ban hành Bộ Quy tắc về quản trị công ty… góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và mang lại động lực cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng chủ trì Hội nghị Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 33 (năm 2021) |
Về hội nhập kinh tế quốc tế:
Hòa cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngành chứng khoán đã tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình đàm phán và thực thi các các thỏa thuận hội nhập quốc tế, từ hiệp định nền tảng như các cam kết tự do hóa thương mại của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đến bước tiến xa hơn là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018, FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) năm 2020, hay Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Việc tham gia vào các điều ước, thỏa thuận quốc tế đặt ra yêu cầu Việt Nam phải tuân theo những quy tắc chung, cam kết mở cửa thị trường các lĩnh vực có cam kết, trong đó có lĩnh vực dịch vụ tài chính, chứng khoán. Điều này một mặt giúp Việt Nam nội luật hóa các cam kết quốc tế, xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, hướng tới tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ tốt của quốc tế. Mặt khác, việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán đã giúp khơi thông các dòng vốn đầu tư gián tiếp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Việc đàm phán các Hiệp định này cũng cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nói chung và sự hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng vào sân chơi chung của thế giới.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã được chú trọng triển khai tích cực, đặc biệt là việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam, qua đó nâng cao nhận thức và hiểu biết của thành viên thị trường về các thuận lợi và thách thức trong quá trình hội nhập, tạo sự đồng thuận trong xã hội, qua đó góp phần triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư gián tiếp thu hút luồng vốn ngoại:
Các hoạt động quảng bá và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có việc tổ chức những hoạt động xúc tiến đầu tư gián tiếp hiệu quả tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được UBCKNN tích cực đẩy mạnh trong suốt thời gian qua. Các chương trình này đã giúp tạo ra kênh thông tin chính thức quảng bá về thị trường vốn Việt Nam với các doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư quốc tế, đưa TTCK Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các thị trường mới nổi nhằm thu hút, giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, UBCKNN đã chủ động nghiên cứu, đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược trong quá trình triển khai các chương trình XTĐT. Một chiến lược dài hạn và kế hoạch tổng thể về XTĐT đã được xây dựng, với từng chủ đề phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu của thị trường, đồng thời chuyển từ hình thức đối thoại trong nước sang đối thoại kết hợp gặp gỡ trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm được lựa chọn, tạo sự liên kết giữa chính sách và thực tiễn thông qua sự tương tác và trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng đầu tư nước ngoài.
Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Nhật Bản (năm 2014)
|
Những thay đổi này đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với nỗ lực tiếp cận và thu hút luồng vốn ngoại của chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid-19, các chỉ số trên TTCK Việt Nam thời gian qua vẫn cho thấy sức hấp dẫn của thị trường đối với NĐTNN. Mức vốn hóa thị trường tại thời điểm 30/9/2021 đạt 6.861 nghìn tỷ đồng, tương đương 109% GDP, duy trì mức tăng so với con số 5.294 nghìn tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2020. Số lượng tài khoản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài trên TTCK Việt Nam đến tháng 9/2021 đạt hơn 38 nghìn tài khoản, ghi nhận mức tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 10/2021, chỉ số VNIndex thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1.444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 30,84% so với đầu năm. Thị trường đang được kỳ vọng sẽ lập các đỉnh cao mới khi dòng tiền vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó có sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng của TTCK Việt Nam.
Mở cửa và hội nhập, hướng tới xây dựng TTCK xanh và bền vững
Hiệu quả của các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán đã được thể hiện một cách thiết thực qua các chính sách, theo đó, UBCKNN đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường, đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, như quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2, gắn cổ phần hóa và đại chúng hóa với niêm yết/đăng ký giao dịch trên SGDCK... Các giải pháp nêu trên thể hiện rõ mục tiêu mà TTCK Việt Nam đang hướng tới, đó là hội nhập quốc tế, thực hiện nâng hạng cho TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới.
Tăng cường hợp tác và mở cửa hội nhập quốc tế là yêu cầu bắt buộc để một TTCK có thể phát triển và khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thị trường vốn quốc tế. Tại Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016, hội nhập kinh tế quốc tế được coi là một trụ cột quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Để công tác hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam trong thời gian tới, UBCKNN tập trung vào các giải pháp nhằm:
- Tiếp tục thực hiện mở cửa và hội nhập TTCK, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới phù hợp với các cam kết, nguyên tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; xây dựng chính sách hội nhập hiệu quả, nhất quán; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, kịp thời điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình này.
- Mở cửa và hội nhập TTCK hướng tới xây dựng TTCK xanh và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của nền kinh tế. Chủ động ứng dụng thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực chứng khoán, hướng tới xây dựng nền tài chính số trong lĩnh vực chứng khoán.
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhằm tăng cường thu hút và khai thác nguồn vốn nước ngoài hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp vừa để tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của thị trường cũng như để giúp hiện thực hóa tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam, nâng cao chất lượng và độ tín nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
- Hợp tác quốc tế, bao gồm cả hợp tác song phương và đa phương cần hướng tới tăng cường hợp tác song phương trong quan hệ với các đối tác quan trọng, nâng cao vị thế quốc gia trong các diễn đàn hợp tác đa phương, là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong khu vực và trên thế giới như ACMF và IOSCO. Rà soát các đối tác song phương để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác truyền thống, đối tác trọng tâm trong từng giai đoạn theo đúng chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước; Gắn với từng chủ đề, lĩnh vực hợp tác cụ thể, xây dựng kế hoạch phát triển quan hệ với từng đối tác, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam.
- Thực hiện có trách nhiệm các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ chứng khoán mà Việt Nam đã đưa ra. Rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với thị trường chứng khoán, các cam kết quốc tế, hiệp định, các thỏa thuận song và đa phương có liên quan đến lĩnh vực chứng khoán để chủ động thực thi một cách hiệu quả các cam kết.
- Khai thác có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực trong lĩnh vực TTCK, góp phần tích cực vào công tác xây dựng và thực thi chính sách phát triển TTCK. Tăng cường sự phối hợp gắn kết, nâng cao sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, các thể chế tài chính có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để góp phần củng cố bền vững tài chính, theo đó đóng góp vào sự phát triển bao trùm và bền bỉ của nền kinh tế./.
Bình luận