Dấu chân bền bỉ của VSD trên hành trình 25 năm xây dựng TTCK Việt Nam
Thủ tướng Phan Văn Khải phủ phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 25/8/1997 |
Tháng 11/1996, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam, TSKH. Lê Văn Châu ký kết nhận khoản kinh phí 2 triệu USD hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ Hàn Quốc |
Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) là mục tiêu đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam định hướng từ những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ 20) nhằm xác lập một kênh huy động vốn mới cho đầu tư phát triển. Để thực hiện được chủ trương đó, Chính phủ đã sớm chỉ đạo một số cơ quan triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập TTCK và sau đó quyết định thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK (vào năm 1994), đại diện chủ yếu từ Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp. Ngày 29/6/1995, Thủ tướng đã thành lập Ban chuẩn bị tổ chức TTCK. Để đẩy nhanh tiến độ ra đời TTCK, đồng thời thực hiện nhiệm vụ phát triển TTCK, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/CP ngày 28/11/1996 về việc thành lập UBCKNN để tổ chức và vận hành TTCK.
Ngày 11/07/1998, với Nghị định số 48/CP về Chứng khoán và TTCK, TTCK Việt Nam chính thức được khai sinh. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Hai năm sau, vào ngày 28/07/2000, phiên giao dịch đầu tiên đã chính thức được tổ chức tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với hai mã cổ phiếu được giao dịch là REE (thuộc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (thuộc Công ty cổ phần SAM Holdings) từ đây, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của TTCK Việt Nam.
Đến năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 189/2005/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán (nay là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam) nhằm thống nhất các khâu trong quá trình thực hiện đăng ký lưu ký, bù trừ thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc giao dịch mua, bán chứng khoán của toàn thị trường.
Những năm đầu đi vào hoạt động TTCK Việt Nam cũng chịu nhiều tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều nước trong khu vực và Châu Âu cùng với sự bất ổn của TTCK toàn cầu do sự bất ổn của một số nền kinh tế lớn với sự sụt giảm về tốc tăng trưởng. Trong những năm gầy đây, kinh tế toàn cầu mặc dù từng bước hồi phục, thị trường tài chính đã ổn định trở lại song tăng trưởng kinh tế chưa bắt kịp mức tăng trưởng của giai đoạn 10 năm trước và không đồng đều giữa các khu vực. Thêm vào đó, xung đột địa - chính trị, xung đột kinh tế - thương mại và khoa học công nghệ gia tăng giữa các nước lớn trên thế giới, chủ nghĩa dân túy và xu hướng bảo hộ thương mại trỗi dậy, vấn đề của khối Cộng đồng chung Châu Âu, căng thẳng an ninh khu vực biển Đông và sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đã và đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau 25 năm hình thành và phát triển, ngành chứng khoán từng bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn |
Sau 25 năm hình thành và phát triển, ngành chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và từng bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Tính đến ngày 15/10/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.392,7 điểm, tăng 573,4% so với cuối năm 2000. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 384,84 điểm, tăng 58,4% so với cuối năm 2006. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.166 nghìn tỷ đồng, tăng 626,8% so với cuối năm 2000, tương đương 113,9% GDP; quy mô niêm yết thị trường trái phiếu đến cuối tháng 9/2021, có 432 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.464 nghìn tỷ đồng, tương đương 23,3% GDP). TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc thông qua việc hình thành các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu (cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch), thị trường trái phiếu (trong đó có TPDN, TPCP) và TTCK phái sinh.
Dù mới thành lập được 4 năm nhưng TTCK phái sinh đã phát triển nhanh chóng, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu. Cơ cấu sản phẩm/dịch vụ cho TTCK ngày càng được hoàn thiện và phát triển đa dạng các loại sản phẩm không chỉ bao gồm các sản phẩm đầu tư truyền thống như trước đây là cổ phiếu, trái phiếu, thị trường còn có nhiều sản phẩm mới, sản phẩm cơ cấu như các chứng chỉ quỹ, sản phẩm đầu tư và phòng ngừa rủi ro như chứng quyền và phái sinh như hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng tương lai TPCP 5 năm, 10 năm. Bên cạnh đó, các nghiệp vụ kinh doanh trên TTCK cũng khá đa dạng như giao dịch ký quỹ, nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán chứng khoán (SBL), giao dịch Repo…
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển ngành Chứng khoán; hệ thống tổ chức thị trường, mô hình và cấu trúc thị trường ngày càng được nâng cấp phát triển; các định chế trung gian thị trường đã có sự phát triển mạnh về số lượng, quy mô, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh ngày càng cao; hệ thống nhà đầu tư phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến ngày 15/10/2021 đã đạt 3,7 triệu tài khoản; TTCK bảo đảm, tính công khai, minh bạch, các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường.
Có thể nói, trải qua 25 năm thành lập và hoạt động, ngành chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới và từng bước đưa nền kinh tế hội nhập với khu vực và quốc tế.
Cùng với thành công lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 25 năm qua thì không thể không nhắc tới những dấu chân bền bỉ và sự đóng góp tích cực của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán được thành lập theo Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg ngày 27/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị sự nghiệp có thu; Ngày 18/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động sang mô hình Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước. Với vị thế mới này, VSD đã nâng cao tính tự chủ về tài chính, tách biệt quản lý nhà nước với công tác điều hành, nâng cao vai trò trong quan hệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường và nhu cầu đổi mới công nghệ.
Hội nghị thành viên VSD |
Những năm qua, VSD đã và đang hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh đặc biệt của mình, đảm bảo cho các dòng tiền và tài sản trên thị trường chứng khoán luôn chu chuyển nhịp nhàng, thông suốt, an toàn hiệu quả và bảo mật, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của toàn ngành chứng khoán nói chung và TTCK nói riêng, thể hiện ở các hoạt động chính sau:
Cùng với phạm vi cung cấp dịch vụ mở rộng, khối lượng công việc do VSD thực hiện ngày càng gia tăng theo quy mô của thị trường song VSD luôn vận hành tốt hệ thống hỗ trợ giao dịch chứng khoán, đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, hiệu quả suốt 15 năm hoạt động và chưa để xảy ra gián đoạn trong các hoạt động nghiệp vụ làm ảnh hưởng đến thị trường, cụ thể: (số liệu tính đến ngày 15/10/2021):
- Đối với cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán cơ sở: Tính đến ngày 15/10/2021, số dư mã chứng khoán đăng ký tại VSD là 2.348 mã, với tổng số dư chứng khoán đăng ký tại VSD đạt gần 197 tỷ chứng khoán, tăng gấp 7 lần về số mã chứng khoán và tăng gấp 61 lần về số chứng khoán so với năm 2006; cùng với hoạt động đăng ký, hoạt động lưu ký cũng có kết quả khả quan với tổng số dư chứng khoán lưu ký tại VSD đạt 114 tỷ chứng khoán, tăng 55 lần so với năm 2006 và (chiếm 58% tổng số chứng khoán đăng ký). Số lượng thành viên lưu ký và tổ chức mở tài khoản trực tiếp của VSD là 121 thành viên và tổ chức (bao gồm 82 công ty chứng khoán, 6 ngân hàng lưu ký trong nước, 8 ngân hàng lưu ký nước ngoài và 25 tổ chức mở tài khoản trực tiếp). Tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD từ năm 2006 đến ngày 15/10/2021 đạt hơn 29 triệu tỷ đồng, tăng 463 lần so với năm 2006, riêng năm 2021 tính đến 15/10/2021, tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD đạt 3,9 triệu tỷ đồng. Tính đến 15/10/2021, số lượng tài khoản nhà đầu tư do VSD quản lý là 3,7 triệu tài khoản, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Tổng mã số giao dịch chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 39.355 mã số, trong đó, có 34.283 mã số cá nhân và 5.072 mã số tổ chức, lần lượt tăng 15 lần và 28 lần so với năm 2006.
- Đối với cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh: tính đến ngày 15/10/2021 đã có 505.898 tài khoản của NĐT được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của VSD, tăng 29 lần so với cuối năm 2017 (năm đầu khai trương thị trường). Tổng giá trị thanh toán qua VSD từ năm 2017 đến ngày 15/10/2021 đạt 16.787 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần so với cuối năm 2017, riêng năm 2021 tính đến 15/10/2021, tổng giá trị thanh toán qua VSD đạt 7.352 tỷ đồng và không có trường hợp nào phải sử dụng đến Quỹ bù trừ để đảm bảo khả năng thanh toán. Số lượng thành viên bù trừ của VSD đến thời điểm 15/10/2021 là 23 thành viên, tăng 18 thành viên so với năm 2017 (năm đầu khai trương thị trường), gồm 04 thành viên bù trừ chung và 19 thành viên bù trừ trực tiếp.
- Đối với cung cấp dịch vụ cho các Quỹ đầu tư: VSD là một trong những tổ chức được cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng và dịch vụ quản trị quỹ cho các quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo quy định của pháp luật. Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển của ngành quỹ tại Việt Nam, VSD đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc đáp ứng các nhu cầu về sử dụng dịch vụ của công chúng đầu tư, thành viên thị trường, nhờ đó, hoạt động dịch vụ quỹ tại VSD đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, cụ thể:
+ Đối với quỹ mở: VSD triển khai cung cấp dịch vụ cho quỹ mở từ tháng 9/2013. Tính đến hết 15/10/2021, VSD hiện đang cung cấp dịch vụ cho 32 quỹ mở đang giao dịch. Trong giai đoạn 2014-15/10/2021, thực hiện 13.739 phiên giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 183.933 tỷ đồng, so với năm đầu khai trương, tăng 80,34 lần về số phiên và tăng 185,9 lần về giá trị giao dịch.
+ Đối với quỹ ETF: VSD triển khai cung cấp dịch vụ cho quỹ ETF từ tháng 9/2014. Tính đến hết 15/10/2021, VSD đã cung cấp dịch vụ cho 08 quỹ ETF, Trong giai đoạn 2014-15/10/2021, thực hiện tổ chức 4.233 phiên giao dịch, với tổng giá trị giao dịch theo mệnh giá đạt 27.819 tỷ đồng, so với năm đầu khai trương, tăng gấp 62 lần về số phiên và tăng 339 lần về giá trị giao dịch.
Trong 15 năm hoạt động, VSD luôn tích cực cải tiến, đổi mới hoạt động nghiệp vụ nhằm tăng tính hiệu quả cho ngành chứng khoán nói chung và TTCK nói riêng như: (i) cải tiến quy trình đăng ký, lưu ký để thực hiện đăng ký đồng thời với lưu ký chứng khoán nhằm rút ngắn thời gian đăng ký, lưu ký cho nhà đầu tư, tổ chức phát hành; (ii) cải tiến hệ thống nhằm rút ngắn quy trình đăng ký, lưu ký TPCP từ 4 ngày làm việc xuống thực hiện ngay trong ngày, nhờ đó đã rút ngắn thời gian từ ngày đấu thầu, phát hành TPCP đến ngày niêm yết giao dịch trên SGDCK từ 6 ngày làm việc năm 2012 xuống chỉ còn chưa đầy 2 ngày làm việc; rút ngắn quy trình thanh toán tiền lãi, gốc trái phiếu từ ngày đăng ký cuối cùng đến ngày thanh toán trái phiếu từ 6 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; (iii) thực hiện kết nối hệ thống điện tử giữa VSD và Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để chuyển khoản giấy tờ có giá nhằm liên kết giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; (iv) rút ngắn quy trình thanh toán giao dịch chứng khoán cho cổ phiếu, chứng chỉ quỹ từ chiều T+3 xuống sáng T+3 và từ 01/1/2016 đã rút xuống T+2 nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường; (v) triển khai thành công hoạt động chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ ngân hàng thương mại sang NHNN từ 01/8/2017 cho phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; (vii) thiết lập cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm - CCP cho TTCK phái sinh theo đúng chuẩn mực quốc tế, góp phần làm hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam; (vii) thực hiện đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho nhà ĐTNN nhằm tạo điều kiện để các nhà ĐTNN tiếp cận TTCK Việt Nam nhanh hơn và thuận tiện hơn…
Cùng với đó, hàng năm, VSD thường xuyên rà soát, ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung quy chế, quy trình nghiệp vụ trong các hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các tổ chức phát hành, nhà đầu tư, phù hợp với văn bản pháp lý của ngành và các quy định của pháp luật có liên quan; kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn cho thành viên, các tổ chức phát hành và công chúng đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như giải quyết các các khó khăn vướng mắc cho thành viên, các tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Trong 15 năm qua, ngoài các mặt hoạt động nghiệp vụ chính, VSD đã tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm/dịch vụ sau giao dịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ đáp ứng quy mô ngày càng lớn cho TTCK và nâng cao chất lượng dịch vụ của VSD: Với những năm đầu, VSD chỉ cung cấp dịch vụ cho các cổ phiếu niêm yết trên 02 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), đến nay, VSD đã mở rộng và thực hiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giao dịch cho nhiều thị trường mới, bao gồm: thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt; tín phiếu kho bạc; thị trường UPCoM; TTCK phái sinh. Không dừng lại ở phạm vi các dịch vụ truyền thống, VSD đã và đang phát triển các dịch vụ gia tăng và các dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư, tổ chức phát hành và thành viên như dịch vụ chuyển quyền sở hữu cho chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết; dịch vụ vay và cho vay chứng khoán, cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng cho các quỹ đầu tư (bao gồm quỹ mở, ETF, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện); hỗ trợ thành viên bù trừ vay trái phiếu chính phủ (TPCP) để thanh toán chuyển giao tài sản cơ sở khi thực hiện HĐTL TPCP và thành viên đấu thầu TPCP vay TPCP để bán; dịch vụ quản lý tài sản thế chấp; bỏ phiếu điện tử tử (e-voting); cung cấp dịch vụ cho giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW); cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký đối với cổ phiếu trúng đấu giá của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, VSD cũng đang nghiên cứu triển khai một số sản phẩm/dịch vụ mới như: nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD; đăng ký tài khoản tổng và chứng chỉ lưu ký (DR), dịch vụ Sổ cổ đông điện tử (E-passbook); các ứng dụng công nghệ thông tin (big data, blockchain, fintech) vào hoạt động nghiệp vụ của VSD.
VSD luôn xác định công nghệ thông tin là “xương sống” trong quá trình phát triển và cung cấp các dịch vụ sau giao dịch. Trung tâm đã chủ động đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới và đưa vào sử dụng năm 2010. Hệ thống mới cho phép theo dõi thông tin sở hữu chứng khoán đến từng nhà đầu tư thay vì quản lý ở cấp tài khoản tổng của các khách hàng như trước đây, đồng thời cho phép kết nối với thành viên qua cổng giao tiếp điện tử và cổng giao tiếp trực tuyến.
Bên cạnh đó, VSD cũng đã áp dụng chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống; thực hiện nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ cho quỹ đầu tư, bổ sung các chức năng hệ thống liên quan đến hoạt động vay cho vay chứng khoán; phát triển hệ thống bù trừ thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP; đưa vào ứng dụng thành công bộ điện chuẩn ISO15022 trên cổng giao tiếp trực tuyến nhằm giảm bớt các khâu xử lý thủ công, giảm thiểu rủi ro, đẩy nhanh quá trình điện tử hóa các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm; phát triển hệ thống cổng giao tiếp điện tử với các tổ chức phát hành…
Hiện nay, với tư cách là đơn vị thụ hưởng, VSD đang phối hợp với chủ đầu tư là Sở GDCK TP. HCM (HOSE), nhà thầu KRX tích cực triển khai hệ thống công nghệ thông tin cho hoạt động sau giao dịch trong gói thầu công nghệ thông tin mới này nhằm thống nhất hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký giao dịch đến bù trừ thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường. Nhờ nỗ lực xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trên đây, VSD đã và đang góp phần không nhỏ vào tiến trình hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin của toàn ngành, đồng thời giúp TTCK Việt Nam từng bước tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động, VSD đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng II |
VSD đã thiết lập được quan hệ song phương và đa phương, với nhiều tổ chức, Hiệp hội và diễn đàn chuyên ngành trong khu vực và quốc tế. Sau 15 năm phát triển, bên cạnh việc ký kết hàng loạt các biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức bù trừ thanh toán và lưu ký, tổ chức tài chính của các nước trong khu vực và thế giới, VSD đã là thành viên chính thức nhiều Hiệp hội, diễn đàn chuyên ngành. VSD cũng đã đăng cai thành công một số cuộc họp và hội thảo quốc tế, tạo được dấu ấn với bạn bè quốc tế. Nhờ quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, không những VSD học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn mà còn giúp VSD nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Với những đóng góp cho ngành chứng khoán và TTCK trên đây, VSD đã khẳng định được vai trò và vị thế là tổ chức duy nhất của cả nước trong việc cung cấp các dịch vụ sau giao dịch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều đó càng cho thấy sự lớn mạnh không ngừng và vươn xa của VSD trong thời gian qua cũng như để khẳng định vai trò không thể thiếu của VSD với sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Nhờ đó, VSD đã 2 lần được nhận cờ thi đua của Chính phủ (2010, 2017) và đặc biệt năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động, VSD đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng II.
Năm 2020, TTCK Việt Nam tròn 20 năm hoạt động, được Đảng và Nhà nước ghi nhận những đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế |
Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu chung của ngành chứng khoán là cơ cấu lại toàn diện để TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; chú trọng phát triển TTCK theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo đảm tính công khai, minh bạch và ổn định, hướng tới phát triển tài chính xanh, chứng khoán xanh, phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán, chủ động nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi thành tựu cách mạng công nghiệp vào lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thông minh, hiệu quả đối với TTCK dựa trên ứng dụng công nghệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT và lòng tin của thị trường; tăng cường mở cửa và hội nhập, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới; tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các nước phát triển.
Với mục tiêu đề ra cho ngành chứng khoán trong thời gian tới phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu phát triển đạt mức 85% GDP (tính theo GDP đã điều chỉnh) vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2025 (trong đó quy mô thị trường TPDN khoảng 20%) và đạt 58% GDP vào năm 2030 (trong đó quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 25% GDP); quy mô giao dịch trên TTCK phái sinh với mức tăng trưởng trung bình 20%-30% mỗi năm; đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, tiến tới tổ chức giao dịch thống nhất các công cụ phái sinh niêm yết trên tài sản cơ sở là chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá và lãi suất. Để có thể đạt được mục tiêu này cần có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như TTCK cần nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều yếu tố mang tính nền tảng như kinh tế vĩ mô, thể chế chính sách.
Bám sát các mục tiêu chung của ngành chứng khoán, VSD tiếp tục cố gắng và đồng hành cùng TTCK, nỗ lực hết mình để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường nói chung và của VSD nói riêng, hơn nữa, với mong muốn “nâng tầm vị thế” và trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trên chặng đường vừa qua, VSD sẽ quyết tâm hơn nữa để trở thành một trong những trung tâm bù trừ và lưu ký hàng đầu khu vực. Trong giai đoạn phát triển tới, VSD đang và sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, cụ thể:
Thứ nhất, chuẩn bị các công tác cho việc chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty theo Luật Chứng khoán năm 2019 sau khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tổ chức lưu ký bù trừ hàng đầu khu vực.
Thứ hai, tham gia xây dựng/góp ý hoàn thiện cho các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019; phối hợp với chủ đầu tư là Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh triển khai kịp thời các công việc liên quan đến gói thầu công nghệ thông tin về “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin – Sở GDCK TP. HCM” nhằm xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường.
Thứ ba, VSD sẽ triển khai một số sản phẩm/dịch vụ mới để sẵn sàng triển khai khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý như: nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD theo yêu cầu của khách hàng; mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở; tiếp tục nghiên cứu và triển khai hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới; liên kết với các tổ chức lưu ký, bù trừ thanh toán khu vực để cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới để góp phần hình thành trung tâm lưu ký, bù trừ thanh toán mang tính khu vực (ICSD, ICCP), tiến tới cung cấp các dịch vụ lưu ký, đăng ký, bù trừ thanh toán thực hiện quyền cho các giao dịch xuyên biên giới.
Thứ tư, VSD cũng sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ như ứng dụng công nghệ Blockchain, Big data, e-passbook, v.v. tạo nền tảng để VSD nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các giao dịch xuyên biên giới, hướng tới các liên kết quốc tế để vòng tuần hoàn tiền và tài sản không chỉ luân chuyển nhịp nhàng, thông suốt an toàn trên thị trường chứng khoán trong nước mà còn lan tỏa ra các thị trường khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu hội nhập và phát triển của TTCK Việt Nam.
Với những thành tựu đạt được trong tiến trình phát triển của ngành chứng khoán nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, trong thời gian tới, TTCK sẽ từng bước trở thành kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả nhất trong nền kinh tế. Về phía VSD, VSD tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, sự ủng hộ của các thành viên thị trường, tổ chức phát hành, nhà đầu tư và nỗ lực của tập thể lãnh đạo nhân viên VSD cũng như sự hỗ trợ của toàn ngành chứng khoán, VSD sẽ hoàn thành tốt các nhóm giải pháp nêu trên, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của toàn ngành và của TTCK trong chặng đường phát triển mới./.
Người viết “Huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ” - Đó là TSKH. Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ở ... |
Vun gốc cho thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng Thị trường chứng khoán (TTCK) muốn vững bước phát triển cần liên tục cải thiện chất lượng cung-cầu, giữ gìn sự minh bạch, công bằng ... |
Bình luận