VN-Index 1.500 điểm: Cơ hội đầu tư ở TTCK Việt Nam rất lớn
Ông Chen Chia Ken (Mr. Jacky), Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng

Ngành chứng khoán Việt Nam vừa tròn 25 năm được Chính phủ khai mở (25/11/1996-25/11/2021). Với góc nhìn khách quan của một chuyên gia từng làm việc tại nhiều thị trường quốc tế, xin ông chia sẻ đâu là những điểm ông ấn tượng nhất trong sự trưởng thành của TTCK Việt Nam?

Tốc độ phát triển vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 25 năm đầu tiên được xem là thần tốc khi so sánh với một số nước trong khu vực như Indonesia (14% GDP), Thái Lan (29,8% GDP) hay Malaysia (56% GDP)...

Mr. Jacky: Điểm khiến chúng tôi ấn tượng nhất là thị trường cổ phiếu Việt Nam đã có bước tiến rất lớn cả về quy mô lẫn chất lượng sau 25 năm Việt Nam phát triển ngành chứng khoán. Từ mốc sơ khai, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP, tính đến ngày 31/10/2021, Việt Nam đã có 744 doanh nghiệp niêm yết và 896 doanh nghiệp đăng ký giao dịch đại chúng (trên UPCoM), với tổng quy mô vốn hóa hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 100% GDP. Thanh khoản trong 10 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự bùng nổ với giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 1 tỷ USD/phiên, gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Đã có những phiên thanh khoản lên đến 2 tỷ USD. Tốc độ phát triển vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 25 năm đầu tiên được xem là thần tốc khi so sánh với một số nước trong khu vực như Indonesia (14% GDP), Thái Lan (29,8% GDP) hay Malaysia (56% GDP). Với những kết quả đạt được, Việt Nam vươn lên với vị thế là thị trường chứng khoán có qui mô và thanh khoản hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, thị trường cũng đã có những bước tiến mới khi phát triển các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai và chứng quyền, qua đó thu hút được sự quan tâm cũng như đánh giá cao từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chúng tôi tin rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể duy trì những thành tích ấn tượng như vậy khi cơ quan quản lý tiếp tục kiên trì với các mục tiêu lớn đã đề ra, bao gồm (1) việc tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán và hoàn thiện khung pháp lý; (2) xây dựng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, sớm đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành, là cơ sở để phát triển các các sản phẩm giao dịch mới; (3) đặt ra những yêu cầu cao hơn về tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, qua đó giúp gia tăng niềm tin từ công chúng đầu tư, thu hút được dòng vốn từ đông đảo nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng như các nhà đầu tư ngoại, giúp thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế.

VN-Index vượt qua mốc 1.500 điểm vào đúng ngày ngành chứng khoán tròn 25 năm hoạt động. Ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam so với một số thị trường khu vực, chẳng hạn như tại Đài Loan (Trung Quốc), thưa ông?

Cơ hội đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lớn hơn khi nền kinh tế được dự báo duy trì đà tăng trưởng quanh mức 6-7% trong nhiều năm tới, các hoạt động đầu tư từ khu vực công, cũng như khu vực tư nhân và FDI sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Mr. Jacky: Thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có bước tiến rất lớn về mặt điểm số và đã chính thức chinh phục mốc 1.500 điểm. Mức P/E hiện tại của VN-Index chỉ quanh 17x, cao hơn 10-15% so với mức 15x của P/E bình quân giai đoạn 5 năm trước đại dịch COVID-19 (2015-2019) và vẫn thấp hơn 20% so với mức P/E 22x khi VN-Index lập đỉnh vào năm 2018. Mức định giá này khá tương đương với thị trường chứng khoán Đài Loan ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, chúng tôi đánh giá cơ hội đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lớn hơn khi nền kinh tế được dự báo duy trì đà tăng trưởng cao trong nhiều năm tới quanh mức 6-7%, các hoạt động đầu tư từ khu vực công, cũng như khu vực tư nhân và FDI sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Các doanh nghiệp niêm yết qua đó có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm khoảng 10-15%, thậm chí cao hơn với tỷ lệ đóng góp cao của ngành tài chính và bất động sản, là những nhóm ngành đang trên đà phát triển nhanh. Nhờ đó, P/E forward của thị trường lại khá hấp dẫn khi về lại mức 14x - 15x.

Việt Nam có cơ cấu dân số vàng với hơn 56% đang trong độ tuổi lao động và thu nhập bình quân đầu người đang trên đà tăng trưởng, do đó, nhu cầu đầu tư, tích lũy tài sản của tầng lớp dân số trẻ đang ngày càng gia tăng. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh thời gian gần đây và hiện tương đương khoảng 3,7% dân số, đưa mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025 và 10% vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới từ chính nội lực của mình, mang lại cơ hội lớn cho tất cả nhà đầu tư, cho cả chúng tôi và khách hàng của mình.

VN-Index 1.500 điểm: Cơ hội đầu tư ở TTCK Việt Nam rất lớn

Quan sát thực tế thị trường cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng và bán ròng trên 2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay. Là Công ty có kết nối với nhà đầu tư theo cả 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa), xin ông chia sẻ một số lý giải về hiện tượng khối ngoại bán ròng?

Khối ngoại tập trung bán ròng trong giai đoạn tháng 3-5 (23 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD) và tháng 8-9 (16 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,7 tỷ USD), trùng khớp với thời điểm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bật tăng mạnh.

Mr. Jacky: Việc khối ngoại bán ròng mạnh hơn 2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay có thể được giải thích từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó, chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và đồng USD mạnh hơn đã thúc đẩy dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và cả Việt Nam. Số liệu thống kê tại thị trường Việt Nam cho thấy, khối ngoại tập trung bán ròng trong giai đoạn tháng 3-5 (23 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD) và tháng 8-9 (16 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,7 tỷ USD), trùng khớp với thời điểm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bật tăng mạnh.

Thứ hai, hoạt động tái cơ cấu, đóng quỹ của một số quỹ đầu tư nước ngoài dẫn đến việc thoái vốn tại một vài cổ phiếu cụ thể. TOP 5 cổ phiếu bị bán ròng trong 10 tháng đầu năm chiếm hơn 80% tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường, riêng HPG chiếm đến 32% do bị ảnh hưởng bởi hoạt động thoái vốn của Quỹ PENM III khi quỹ này đã hoạt động được 10 năm và đến thời hạn kết thúc quỹ vào năm 2021.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các quỹ ETF vẫn đang hút ròng hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó, các quỹ ETF ngoại hút hơn 4.300 tỷ đồng tính từ đầu năm cho tới nay. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư mới từ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn rất tích cực khi các đối tác của chúng tôi nhìn nhận cơ hội đầu tư tiềm năng từ thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó, dòng tiền nội vẫn đang hết sức dồi dào và hoàn toàn có thể khỏa lấp được khoảng trống mà dòng tiền ngoại để lại. Với triển vọng kinh tế vĩ mô duy trì tích cực cùng khả năng được nâng hạng thị trường mới nổi, chúng tôi tin rằng dòng tiền ngoại sẽ sớm quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index 1.500 điểm: Cơ hội đầu tư ở TTCK Việt Nam rất lớn

Tại Chứng khoán Phú Hưng, với việc tăng vốn điều lệ thành công lên 1.400 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ, xin ông chia sẻ kế hoạch kinh doanh tới đây của Chứng khoán Phú Hưng có gì mới? Việc có thêm cổ đông mới có giúp Công ty đa dạng hóa sở hữu và tiến tới sàn niêm yết không, thưa ông?

VN-Index 1.500 điểm: Cơ hội đầu tư ở TTCK Việt Nam rất lớn
Tổng giám đốc CTCK Phú Hưng Chen Chia Ken

PHS đã và đang từng bước thực hiện các thủ tục để đăng kí niêm yết trên sàn HOSE. Hy vọng, PHS sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Mr. Jacky: Tháng 9 vừa qua PHS cũng đã hoàn thành việc tăng vốn lên 1.400 tỷ đồng. Trong ngắn hạn, PHS sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong dài hạn, PHS có kế hoạch nâng cấp hệ thống giao dịch của mình nhằm đáp ứng với sự thay đổi hệ thống giao dịch của các Sở GDCK, đồng thời liên tục xây dựng nhiều tính năng mới giúp các nhà đầu tư có thể giao dịch một cách nhanh chóng, thuận tiện đặc biệt là an tâm và tự tin khi thực hiện giao dịch tại PHS do tính ổn định của hệ thống. Ngoài ra, PHS cũng sẽ không ngừng cải tiến và ra mắt nhiều sản phẩm mới để đáp ứng các “khẩu vị” khác nhau của nhà đầu tư.

Nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cổ đông, PHS cũng đã và đang từng bước thực hiện các thủ tục để đăng kí niêm yết trên sàn HOSE. Hy vọng, PHS sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Nhiều công ty chứng khoán đang phát triển rất mạnh các sản phẩm tài chính mới để giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn trong mục tiêu đạt hiệu quả sinh lời đồng vốn. Phú Hưng đang và sẽ xây dựng thế mạnh cạnh tranh riêng biệt như thế nào để giữ vững và phát triển hệ sinh thái khách hàng, thưa ông?

Mr. Jacky: Lấy khách hàng làm trung tâm, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình. Với tôn chỉ đó, chúng tôi cũng đã ra mắt nhiều gói sản phẩm tài chính mới trong hai năm gần đây như sản phẩm tài chính ưu đãi PHS.9 (2020), Phí giao dịch phái sinh trả trước (2021)... giúp khách hàng tối ưu hiệu quả sinh lời.

Với hệ sinh thái ngày càng phát triển và hoàn thiện của Tập đoàn Tài chính Phú Hưng, PHS hướng đến việc cung cấp các giải pháp đầu tư toàn diện phù hợp với nhu cầu, mục tiêu tài chính đa dạng của nhà đầu tư trong tương lai thông qua các sản phẩm mới như chứng quyền, chứng chỉ quỹ, và các sản phầm liên kết, hỗn hợp trên nền tảng công nghệ hiện đại và khả năng tư vấn đầu tư vượt trội.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đi đầu trong việc phát triển phân khúc khách hàng tổ chức ở Đài Loan thông qua hệ sinh thái của Tập đoàn. Việc nâng cao năng lực phân tích chuyên sâu, phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp niêm yết đang được chú trọng nhằm giúp khách hàng của chúng tôi nắm bắt được các cơ hội từ thị trường Việt Nam./.