Ngành quản lý quỹ xây mục tiêu phát triển đến năm 2030
Phấn đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản đạt khoảng 6-10% GDP, đồng thời phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư, trong đó có quỹ hưu trí và các loại hình quỹ mới.
Học quốc tế phát triển ngành quản lý quỹ
Theo Vụ Quản lý quỹ, hoạt động quản lý quỹ hay quản lý tài sản là một lĩnh vực khá phổ biến trong ngành tài chính ở các nước phát triển trên thế giới. Các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên đã ra đời và hình thành ở Châu Âu từ những năm đầu của thế kỷ 19 và ở Mỹ vào những năm 1924-1925. Sự hình thành và phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua đã khẳng định vai trò quan trọng của quản lý quỹ đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hiệu quả thay thế cho kênh huy động tiết kiệm của ngân hàng, đồng thời cũng đã khẳng định vị trí quan trọng trong việc giữ vững sự phát triển ổn định của TTCK Việt Nam.
Hội thảo về quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ (năm 2002) |
Sự ra đời của Công ty quản lý quỹ đầu tiên (Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam -VFM) tại Việt Nam là vào năm 2003 với các hoạt động chính là quản lý quỹ, quản lý danh mục ủy thác đầu tư cho khách hàng. Vào thời điểm ban đầu, hoạt động quản lý quỹ chỉ được thực hiện với các mô hình quỹ đóng, quỹ thành viên, đây là các mô hình có phương thức hoạt động tương đối đơn giản để các công ty quản lý quỹ mới thành lập dễ tiếp cận và vận hành. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của 06 quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng (VFMVF1, VFMVF2, VFMVF4, PruBF1, MAFPF1, ACBGF) đầu tiên niêm yết trên thị trường tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2010 đã được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm và tham gia tích cực.
Đến giai đoạn 2011-2021, khung pháp lý cho hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư được tiếp tục được bổ sung với các mô hình quỹ mới (quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản) đã đánh dấu sự phát triển mạnh của nghiệp vụ quản lý quỹ Việt Nam. Đặc biệt sự xuất hiện của các quỹ mở, quỹ ETF có thể coi là một bước ngoặt trong sự phát triển của quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Thực tế trên thế giới và quá trình phát triển tại Việt Nam cho thấy quỹ mở là loại hình quỹ chiếm phần lớn số lượng các quỹ đầu tư trên thị trường. Quỹ mở cũng chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết TTCK với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ. Ở giai đoạn này, hoạt động huy động thành lập quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được các công ty quản lý quỹ đẩy mạnh, số lượng quỹ tăng gần gấp 3 lần từ 23 quỹ vào năm 2011 lên 62 quỹ vào thời điểm tháng 9/2021.
Các tổ chức tài chính lớn nhập cuộc
Theo Vụ Quản lý quỹ, giai đoạn 2011-2021, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được chú trọng và chủ yếu là khối khách hàng doanh nghiệp bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ, đặc biệt là các hãng bảo hiểm có uy tín trên thế giới như Prudential, Manulife, Dai-ichiLife, ChubbLife.
Những năm gần đây, ngành quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Mặc dù ra đời rất muộn so với thế giới, nhưng ngành quản lý quỹ Việt Nam đã có một khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và được định hướng phát triển một cách ổn định, an toàn, thận trọng dựa trên nền tảng những quy định pháp luật chặt chẽ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; từ đó nhiều công ty quản lý quỹ đã xây dựng được hạ tầng phát triển hiện đại, có mô hình quản trị hiệu quả và tích cực đào tạo đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, chuyên môn.
Thứ hai, các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán đã từng bước khẳng định vai trò là những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp khi huy động, thành lập và phát triển được nhiều loại hình quỹ theo đúng mô hình hiện đại của thế giới. Các công ty quản lý quỹ đã không ngừng nỗ lực mở rộng kinh doanh tìm kiếm khách hàng, gia tăng tổng giá trị tài sản ủy thác của nhà đầu tư và thực hiện quản lý chuyên nghiệp để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán bền vững và đồng thời mang lại hiệu quả và niềm tin cho cộng đồng đầu tư.
Thứ ba, một số công ty quản lý quỹ đã chủ động, tích cực huy động vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, từng bước tạo ra một kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài an toàn vào các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn qua thị trường chứng khoán.
Thứ tư, các công ty quản lý quỹ đã phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các tổ chức tài chính lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động trên thị trường tài chính, ngân hàng. Đến nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đã và đang chuyển hoàn toàn các hoạt động đầu tư tài chính sang các công ty quản lý quỹ để thực hiện quản lý hoạt động đầu tư bài bản theo đúng mô hình của các tổ chức tài chính hiện đại trên thế giới.
Thứ năm, sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán đã góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư của công chúng đầu tư, đồng thời cũng thúc đẩy đầu tư chứng khoán xanh và đầu tư có trách nhiệm theo xu hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, thông qua sự phát triển của các quỹ trái phiếu hình thành kênh dẫn vốn hiệu quả từ nguồn vốn nhàn rỗi cá nhân đến với các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường trái phiếu.
Tiến tới mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập
Hội thảo giới thiệu về sản phẩm đầu tư mới - Quỹ hoán đổi danh mục ETF (năm 2014) |
Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 5,5% GDP của Việt Nam. Tỷ trọng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn so với một số nước trong khu vực. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: (i) Nhà đầu tư trong nước có thói quen tự đầu tư, gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính; (ii) Hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế; (iii) Chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ là không đồng đều. Một số công ty quản lý quỹ hoạt động ổn định và phát triển tốt chủ yếu là do có sự hỗ trợ của cổ đông là các định chế tài chính lớn như doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Một số công ty hoạt động chưa hiệu quả, chưa huy động thành lập được quỹ.
Vụ Quản lý quỹ cho biết, để thúc đẩy sự phát triển hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ, đảm bảo năng lực và an toàn tài chính, tiếp cận và thực hiện việc quản trị công ty, quản trị rủi ro cũng như tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cao nhất theo thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản đạt khoảng 6-10% GDP. Thứ hai, phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, trong đó cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới. Thứ ba, nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ (năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro). Cùng với đó, cần mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập đã cam kết, kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của quản lý quỹ tại Việt Nam, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ quản lý tài sản, năng lực quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị doanh nghiệp.
Tiềm năng phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam còn rất lớn nếu như chúng ta phát huy tốt những kết quả đã đạt được và quyết tâm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra một cách khoa học, có lộ trình phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam./.
"Trong thâm tâm, tôi luôn cảm ơn sâu sắc những thành viên ban đầu chung sức xây dựng TTCK với muôn vàn ngỡ ngàng, gian khó"
Trong thâm tâm, tôi luôn cảm ơn sâu sắc những thành viên ban đầu của thị trường, các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và cả 2.900 nhà đầu tư - những người đã cùng chúng tôi đặt nền móng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong buổi đầu trứng nước với muôn vàn ngỡ ngàng, gian khó. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có Luật Chứng khoán đầu tiên vào năm 2006. Số lượng tài khoản tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt con số 3 triệu, trong khi vào ngày 28/7/2000, ngày khai trương phiên giao dịch đầu tiên, toàn thị trường chỉ có 2.900 nhà đầu tư nội địa. Tổng giá trị giao dịch chứng khoán trong 5 tháng đầu tiên vẻn vẹn 90 tỷ đồng. Đến ngày 2/4/2001 (phiên giao dịch thứ 102), thị trường ghi nhận sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cá nhân lần đầu tiên khi một nhà đầu tư cá nhân mang quốc tịch Anh đã khớp lệnh mua 100 cổ phiếu TMS. Đến tháng 7/2003, Công ty Quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam VFM ra đời, đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong nước đầu tiên, cũng mở đầu cho một dạng đầu tư tập thể mới mẻ trên thị trường. Từ nền tảng ban đầu khiêm tốn đó, Việt Nam đã có thị trường chứng khoán lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. 20 năm qua, TTCK đã giúp huy động khoảng 1,6 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp và cho nhà nước để đầu tư và phát triển. Năm 2000, khi TTCK mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, thì đến năm 2020, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tới 84,3% GDP. Từ 2 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu đến nay TTCK Việt Nam đã có trên 750 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 SGDCK và gần 1.000 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường dành cho công ty đại chúng… (Trích từ cuốn sách Kỷ niệm 25 năm TTCK Việt Nam - Nhớ về những tháng năm ngày ấy của TSKH Lê Văn Châu). |
Bình luận