Năm 2014: Thu gần 400 tỷ đồng ngân sách từ chống buôn lậu
Nỗ lực lớn…
Tại Hội nghị triển khai công tác QLTT năm 2015 và Quán triệt Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tổ chức vào ngày 14/01/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm soát thị trường, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù tình hình thị trường diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh, chống đối hoạt động kiểm tra, kiểm soát, nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại luôn được lực lượng QLTT triển khai quyết liệt.
Vì vậy, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu đã có chuyển biến, giảm về quy mô so với nhiều năm trước. Năm 2014, lực lượng QLTT kiểm tra 168.837 vụ, xử lý 93.278 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách 396,7 tỷ đồng; giá trị hàng tịch thu chưa bán 89,3 tỷ đồng…
Đặc biệt, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 59.056 vụ vi phạm gian lận thương mại, an toàn thực phẩm với giá trị 121 tỷ đồng. So với năm 2013 tăng 1.282 vụ, giá trị vi phạm tăng 15 tỷ đồng.
Trong đó, có một số vụ việc gây xôn xao dư luận như vụ Chi Cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ 6 tấn thịt gà phế phẩm quá hạn sử dụng, 230.000 ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật có nguồn gốc Trung Quốc, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai bắt giữ 700 kg thịt lợn sữa hôi thối…
Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu là một trong những mặt hàng trọng điểm được lực lượng QLTT chú trọng kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là ở các địa phương “nóng” như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… Ông Tín cho biết, năm 2014 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 13.367 lượt, xử lý 8.905 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 25 tỷ đồng, tịch thu khoảng 2 triệu bao thuốc lá các loại.
“ Với những nỗ lực kiểm soát thị trường, bước đầu ngăn chặn được một số điểm "nóng" chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá nhập lậu, hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai thuốc lá nhập lậu tại các cửa hàng”, ông Tín cho hay.
Song, kết quả chưa như mong đợi
Tuy nhiên, thực tế có nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chưa cao, như: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền xử phạt của QLTT trong lĩnh vực, loại hàng hóa có dấu hiệu nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại.
Hiện nay hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai tại nhiều nơi công cộng, nhưng khi lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện và thu giữ phải khẳng định được là hàng giả trước khi xử lý nên rất bất cập và mất nhiều thời gian cũng như kinh phí giám định. Bên cạnh đó, muốn giám định hàng giả, hàng nhái phải có yêu cầu từ chủ thể quyền bị làm giả thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngại xác nhận có hàng giả bởi tâm lý sợ làm ảnh hưởng tới thương hiệu.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng phản ánh, thuốc lá lậu được các đối tượng vận chuyển rầm rầm với số lượng hàng ngàn bao.
Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm về vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu chủ yếu là xử phạt hành chính vì số lượng thuốc lá nhập lậu bị thu giữ thường chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, chưa tạo ra sự răn đe đối với các đối tượng buôn lậu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới trong khi đội ngũ quản lý thị trường, trang thiết bị... chậm đổi mới cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy vẫn chưa đáp ứng được kì vọng của nhân dân.
"Một bộ phận cán bộ công chức quản lý thị trường tinh thần trách nhiệm chưa cao, thậm chí có những tiêu cực làm cho hiệu quả của quản lý nhà nước về thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu như Chính phủ đề ra và nhân dân kỳ vọng", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Cần sự tham gia của toàn xã hội
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, trong năm tới việc cần làm là rà soát lại hệ thống khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống gian lận thương mại nói chung trong đó hoạt động quản lý thị trường nói riêng.
Nếu không có khuôn khổ thì căn cứ pháp lý triển khai tác nghiệp quản lý thị trường, xử phạt, khắc phục hiệu quả sẽ bị hạn chế.
Đồng thời, các cơ quan ban ngành như bộ đội biên phòng, cơ quan thuế, cảnh sát biển, cơ quan hải quan, quản lý thị trường... phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tạo thành sức mạnh trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu ngày càng cam go và phức tạp.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho biết, trước vấn nạn và sự gia tăng của nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên diện rộng, công tác QLTT không phải nhiệm vụ riêng của ngành Công Thương hay của lực lượng QLTT, mà đòi hỏi và rất cần thiết có sự tham gia của toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, trong năm 2015, lực lượng QLTT sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Lực lượng QLTT tiếp tục chủ động nắm diễn biến thị trường, dự báo tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát; triển khai quyết liệt, đồng bộ, trên diện rộng hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với một số mặt hàng trọng điểm như: thực phẩm, thuốc lá, xăng dầu, gas, phân bón vô cơ...
Đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị 30/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng mở nhiều đợi cao điểm kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển tàng trữ thuốc lá nhập lậu ở tuyến biên giới Tây Nam và một số thị trường nội địa trọng điểm./.
Bình luận