Năm 2022-2025: Loại bỏ rào cản do chồng chéo, mâu thuẫn của các quy định pháp luật
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 và 02 trước đây, đồng thời mở rộng, phát triển các nội dung thực hiện trong cả ngắn hạn (theo năm) và dài hạn (đến năm 2025).
Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025, bao gồm: Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành;...; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 |
Dự thảo gồm 4 phần chính: Đánh giá tình hình; Mục tiêu; Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu và tổ chức thực hiện. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là trọng tâm cải cách của Chính phủ.
Từ năm 2014, Chính phủ ban hành hằng năm Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP từ năm 2019).
Qua 8 năm, nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới – WEF) xếp thứ 67/141 năm 2019, tăng 10 bậc so với năm 2018 (năm 2020, 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế không công bố báo cáo xếp hạng thường niên, trong đó có WEF); Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) giữ thứ hạng tốt, năm 2021 ở vị trí 44/132. Bên cạnh đó, trong xếp hạng Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc – UN), Việt Nam xếp thứ 86 năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018 (2 năm công bố 1 lần); Phát triển bền vững (UN) giữ vị trí 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, từ năm 2020, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta có xu hướng chững lại; trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc…
|
Nghị quyết tập trung vào cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính. Theo đó, Nghị quyết được xây dựng với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, dựa trên 7 bộ chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.
Việc lựa chọn cải cách theo chuẩn mực quốc tế được lý giải bởi phương pháp đánh giá của quốc tế đảm bảo tính khách quan, dựa trên nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn. Nhờ đó, các quốc gia có thể nhận diện được mức độ cải cách theo thời gian và tương quan với các nền kinh tế khác.
Đồng thời, cải cách theo chuẩn mực quốc tế góp phần tạo lập và nâng cao hình ảnh, vị thế của quốc gia. Các nhà đầu tư thường nhìn vào kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín để lựa chọn thị trường, quyết định đầu tư.
Việc tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế cũng để tạo áp lực thúc đẩy cải cách, thúc đẩy quá trình làm chính sách tốt hơn. Cộng đồng doanh nghiệp, giới tri thức đã luôn đồng tình, ủng hộ cách tiếp cận này. Việc ban hành nghị quyết sẽ tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp.
Một số nguyên tắc trong lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết như bám sát định hướng cơ bản về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Chiến lược đã thể hiện khá đậm nét định hướng và yêu cầu về cải cách này.
Lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và nhiệm vụ dựa trên 3 nguyên tắc tư duy cải cách theo chuẩn mực quốc tế; Xác định các tiêu chí cụ thể dựa trên các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới; Giao nhiệm vụ có tính bắt buộc với thời hạn cụ thể và thiết lập kỷ cương trong triển khai.
Tổ chức thực hiện theo hướng phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; từng chỉ tiêu cụ thể; Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong thu thập thông tin báo cáo phục vụ điều hành; Phổ biến, tuyên truyền về Nghị quyết, nhất là cập nhật thông tin về các tiêu chí lựa chọn theo thông lệ quốc tế. Các nhiệm vụ, giải pháp thiết kế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, gắn với kiểm tra, giám sát.
Dự thảo Nghị quyết tiếp tục xác định mục tiêu dựa trên các bảng xếp hạng toàn cầu đã được lựa chọn trước đây tại Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02, bao gồm: Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN); hai bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành (đó là Hiệu quả dịch vụ logistics của Ngân hàng thế giới (WB), và Năng lực cạnh tranh ngành du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)).
Đồng thời, mở rộng xác định mục tiêu dựa trên một số bảng xếp hạng toàn cầu có uy tín khác như: Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản quốc tế), Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc); Xác định mục tiêu cải thiện thứ hạng các chỉ số xếp hạng chung và lựa chọn một số chỉ tiêu thành phần làm trọng tâm; Mục tiêu cải thiện các chỉ số được xác định gắn với trách nhiệm (chủ trì và phối hợp) của Bộ, ngành, cơ quan.
Dự thảo Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025, bao gồm: Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; Cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; Phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19./.
Bình luận