Mục tiêu của Chương trình là bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu với tác động tiêu cực từ bên ngoài; nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Xác định tiêm chủng vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội…

Cùng với đó, Chương trình đề ra một số chỉ tiêu, gồm: Về vận tải, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu đạt khối lượng luân chuyển hành khách tăng trưởng khoảng 6,52% (khoảng 100,9 tỷ lượt khách.km), luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 7,52% (khoảng 358,5 tỷ tấn.km), hàng hóa thông qua cảng biển phấn đấu tăng khoảng 3% so với năm 2021 (khoảng 725 triệu tấn). Đặc biệt, Bộ phần đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, với số vốn dự kiến giải ngân là 50.327,6 tỷ đồng.

Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông giảm từ 5%-10% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương) so với năm 2021; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh.

Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu giải ngân 50.327 tỷ đồng vốn đầu tư công
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành giải ngân 50.327,6 tỷ đồng vốn đầu tư công

Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ Giao thông vận tải đề ra một số nhóm giải pháp trọng tâm, như:

Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án. Bộ Giao thông vận tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới kịp thời, bảo đảm chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản uy phạm pháp luật.

Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch Covid-19 và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới gắn với yêu cầu phục hồi thị trường vận tải trong nước, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ, sử dụng các chất kích thích trong điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông tại các đề án đã được phê duyệt: Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”, Đề án “Các giải pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới”, Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông”.

Nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông khoa học, xử lý dứt điểm, hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; thực hiện đồng bộ công tác thẩm định, thẩm tra tai nạn giao thông. Phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe. - Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông với hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với mọi đối tượng tham gia giao thông để mọi người hiểu, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tự giác chấp hành và tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng; khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (hoàn thành một số dự án thành phần: Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây – Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghị Sơn; Nghi Sơn – Bãi Vọt); dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; Tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tiếp tục phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; rà soát để loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành

Về công tác điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Bộ tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước được giao trong năm 2022. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công, tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao.

Về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phân công Vụ Quản lý doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, đầu tư, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải; tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, xử lý thực hiện các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong công tác quản lý, cổ phẩn hóa, thoát vốn doanh nghiệp.

Về công tác hợp tác quốc tế, bên cạnh việc tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác, tăng cường kết nối giao thông vận tải trên cơ sở phối hợp thực hiện các đề án, chương trình, dự án hợp tác, thúc đẩy hợp tác song phương với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, các nước EU... thì năm 2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung vào việc phối hợp trao đổi thống nhất với các đối tác nước ngoài về việc nối lại các tuyến vận tải quốc tế giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ để thực hiện khôi phục hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa quốc tế và tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ cũng đề ra các nhóm giải pháp để triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh khoa học công nghệ; công tác tổ chức cán bộ và cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../.