Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV tại Việt Nam
TS. Phạm Mỹ Hằng Phương
Khoa Tài chính – Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển
Tóm tắt
Nhận thức rõ vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tình hình phát triển DNNVV tại Việt Nam, thực trạng tiếp cận tín dụng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp này, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV.
Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận tín dụng, sản xuất, kinh doanh
Summary
Recognizing the role of small and medium-sized enterprises, the State has issued many policies to promote the development of these enterprises, especially policies to support access to credit to support enterprises to expand production and business activities. However, there are still many difficulties and obstacles, causing limited access to capital in the implementation process. The study was conducted to assess the development situation of small and medium-sized enterprises in Vietnam, the current situation of credit access, and difficulties and obstacles in the process of accessing credit for this group of enterprises, thereby proposing several solutions to improve the ability of small and medium-sized enterprises to access credit.
Keywords: small and medium-sized enterprises, access to credit, production, business
ĐẶT VẤN ĐỀ
DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 cùng suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các DNNVV. Suy thoái kinh tế sau đại dịch khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tiếp tục đối diện với những khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu, chi phí hoạt động… Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các DNNVV tiếp cận tín dụng để phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đến cả từ phía ngân hàng cũng như chính bản thân doanh nghiệp. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả sẽ tập trung đánh giá tình hình phát triển DNNVV tại Việt Nam, thực trạng tiếp cận tín dụng của DNNVV cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận tín dụng, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn này.
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DNNVV TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, trong những năm qua, DNNVV ngày càng phát triển và có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2022, Việt Nam có 715.179 DNNVV, chiếm 97,2% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh của cả nước. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 68,97% trong tổng số DNNVV và chiếm 67,07% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước (Hình).
Hình: Cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam theo quy mô năm 2022
Đơn vị: %
Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024)
Xét theo nguồn vốn, năm 2022, tổng nguồn vốn của các DNNVV là 16.636,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,1% trong tổng số vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh trên cả nước. Quy mô nguồn vốn bình quân của một doanh nghiệp siêu nhỏ là 10,6 tỷ đồng; doanh nghiệp nhỏ là 35,1 tỷ đồng; doanh nghiệp vừa là 165,3 tỷ đồng. Tương tự, lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp này cũng chỉ chiếm 36,1% trong tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 5.500 lao động. Quy mô lao động bình quân của một doanh nghiệp siêu nhỏ là 2,9 lao động; doanh nghiệp nhỏ là 13,6 lao động và doanh nghiệp vừa là 53,1 lao động.
Bảng 1: Nguồn vốn và lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động năm 2022
Nguồn vốn |
Lao động đang làm việc |
|||
Nguồn vốn (nghìn tỷ đồng) |
Tỷ trọng (%) |
Lao động (nghìn người) |
Tỷ trọng (%) |
|
Cả nước |
59.140 |
100 |
15.342 |
100 |
Doanh nghiệp siêu nhỏ |
5.246 |
8,87 |
1.426 |
9,29 |
Doanh nghiệp nhỏ |
6.809 |
11,51 |
2.643 |
17,23 |
Doanh nghiệp vừa |
4.582 |
7,75 |
1.471 |
9,59 |
Doanh nghiệp lớn |
42.503 |
71,87 |
9.802 |
63,89 |
Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024)
Mặc dù chiếm hơn 97% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng doanh thu mà các DNNVV tạo ra chỉ chiếm hơn 25% trong tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp năm 2022. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, với hơn 67% trong tổng số doanh nghiệp, nhưng doanh thu tạo ra chưa đến 3%. Doanh thu thuần bình quân của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ cũng rất thấp, bình quân 1,7 tỷ đồng/doanh nghiệp, của doanh nghiệp nhỏ là 25,2 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa là 123,3 tỷ đồng/doanh nghiệp (Bảng 2).
Bảng 2: Doanh thu thuần của doanh nghiệp đang hoạt động năm 2022
Doanh thu thuần (nghìn tỷ đồng) |
Tỷ trọng (%) |
Doanh thu thuần bình quân/doanh nghiệp (tỷ đồng) |
|
Cả nước |
35.962 |
100 |
48,9 |
Doanh nghiệp siêu nhỏ |
838 |
2,3 |
1,7 |
Doanh nghiệp nhỏ |
4.887 |
13,6 |
25,2 |
Doanh nghiệp vừa |
3.418 |
9,5 |
123,3 |
Doanh nghiệp lớn |
26.819 |
74,6 |
1.322,7 |
Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024)
Năm 2022, doanh nghiệp lớn và vừa là hai khu vực tạo ra lợi nhuận trước thuế cho khu vực doanh nghiệp, trong khi khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động thua lỗ. Lợi nhuận trước thuế bình quân của doanh nghiệp vừa là 1,5 tỷ đồng/doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp có lãi là 71,5%. Doanh nghiệp nhỏ thua lỗ 5,7 nghìn tỷ đồng, với mức lỗ bình quân là 29,2 triệu đồng/doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi là 63,2%. Doanh nghiệp siêu nhỏ thua lỗ 42,1 nghìn tỷ đồng, với mức lỗ bình quân một doanh nghiệp siêu nhỏ là 85,3 triệu đồng/doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi thấp nhất (34,5%) và là nhóm duy nhất có tỷ lệ này dưới 35%.
Xét về hiệu quả sử dụng lao động và vốn, trong các nhóm DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng lao động và vốn kém hiệu quả hơn so với các nhóm doanh nghiệp khác. Hiệu suất sử dụng lao động của nhóm doanh nghiệp này là 6,94 (tức là 1 đồng thu nhập của người lao động chỉ tạo ra 6,94 đồng doanh thu), trong khi con số này ở doanh nghiệp nhỏ là 17,21 và ở doanh nghiệp vừa là 18,33 (cao hơn so với cả doanh nghiệp lớn). Chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ năm 2022 là 0,17 (tức là 1 đồng vốn chỉ tạo ra 0,17 đồng doanh thu), trong khi doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có chỉ số quay vòng vốn cao nhất, lần lượt là 0,76 và 0,79 lần (Bảng 3).
Bảng 3: Hiệu suất sử dụng lao động và chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp năm 2022
Hiệu suất sử dụng lao động (lần) |
Chỉ số quay vòng vốn (lần) |
|
Cả nước |
17,39 |
0,64 |
Doanh nghiệp siêu nhỏ |
6,94 |
0,17 |
Doanh nghiệp nhỏ |
17,21 |
0,76 |
Doanh nghiệp vừa |
18,33 |
0,79 |
Doanh nghiệp lớn |
18,16 |
0,66 |
Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024)
THỰC TRẠNG TIẾP CẬN VỐN CỦA DNNVV
Để thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2017 với nhiều nội dung quy định cụ thể về việc hỗ trợ DNNVV, trong đó có các quy định cụ thể về việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Theo đó, DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Đồng thời, DNNVV được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của DNNVV. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các DNNVV trong việc tiếp cận tín dụng, phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, trong đó quy định chi tiết về điều kiện cho vay, lãi suất, mức cho vay, thời hạn cho vay, cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục cho vay đối với DNNVV.
Cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng như quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1%-2%/ năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường (theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN, ngày 07/7/2017 và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước). Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các cơ chế như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Kết quả là, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các DNNVV đã có sự cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung của toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế (Hoàng Lan, 2023). Năm 2023, dư nợ tín dụng đối với các DNNVV tăng trưởng 19,13% so với năm trước đó. Tổng dư nợ tín dụng các DNNVV của nhóm công ty tài chính phi ngân hàng đạt 74,03 nghìn tỷ đồng với mức tăng trưởng đạt 268% vào năm 2023, trong khi nhóm ngân hàng ghi nhận ở mức 2.739,11 nghìn tỷ đồng (Thanh Hoa, 2024). Các ngân hàng thương mại nhà nước đi đầu trong việc cho vay DNNVV, chiếm 48,05% tổng dư nợ. Khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%. Khối ngân hàng nước ngoài, liên quan, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.
Tuy nhiên đạt nhiều kết quả khả quan, song việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng của DNNVV có rất nhiều hạn chế. Hiện các DNNVV tiếp cận nguồn vốn chủ yếu qua các ngân hàng thương mại, chiếm tới 90%, trong khi đó việc tiếp cận vốn qua Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV vẫn còn rất nhiều vấn đề về cơ chế. Hơn nữa, các DNNVV tiếp cận nguồn vốn chính thống chỉ chiếm khoảng 25%, trong khi 75% còn lại vẫn phải huy động từ người thân, bạn bè, hoặc vay mượn phi chính thống. Theo VCCI (2023), 40,7% doanh nghiệp cảm thấy khó khăn và 11,2% doanh nghiệp cảm thấy rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm nguồn tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ yêu cầu về tài sản thế chấp. Đặc điểm của DNNVV là quy mô vốn nhỏ, không có tài sản đảm bảo, hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Dịch bệnh và suy giảm kinh tế toàn cầu làm trầm trọng thêm tình trạng của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp phải bán hoặc thế chấp tài sản để duy trì hoạt động hoặc phải đi vay vốn để tái sản xuất. Nhưng để vay vốn, doanh nghiệp phải chứng minh với ngân hàng về tài sản bảo đảm, khiến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp như rơi vào một vòng luẩn quẩn. Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế bảo lãnh tín đụng cho DNNVV tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và bảo lãnh tín dụng tại các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, song việc triển khai các cơ chế này còn kém hiệu quả và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp tiếp cận được cũng rất hạn chế. Khắc phục vấn đề về tài sản bảo đảm, các ngân hàng triển khai hình thức vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, tuy nhiên những yêu cầu về khả năng trả nợ hay phương án sản xuất, kinh doanh khả thi vẫn là những điểm yếu của DNNVV.
Ngoài tài sản thế chấp, doanh nghiệp cũng cần có phương án kinh doanh khả thi hoặc chứng minh thu nhập; trong khi dự án của DNNVV có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy, doanh nghiệp chưa có kế hoạch và dự báo tài chính 3-4 năm. Phần lớn các DNNVV xuất phát từ các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn nhiều hạn chế, không có báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định. Nhóm các doanh nghiệp này cũng hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nên các phương án sản xuất, kinh doanh của DNNVV thương thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch kinh doanh. Hơn nữa, các DNNVV, doanh nghiệp mới có thể sẽ gặp khó khăn khi đáp ứng một số chỉ tiêu như điều kiện về số năm kinh doanh có lãi, lịch sử tín dụng với ngân hàng, quy mô và chất lượng hàng tồn kho, hệ thống phân phối và khách hàng… Trong khi đó, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu, đứt gãy các chuỗi cung ứng đã khiến doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV bị ảnh hưởng nặng nề và chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được, bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao…
Một khó khăn khác cho DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng đến từ các thủ tục vay vốn, bao gồm việc chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ kế toán, quy trình xin vay. Ngoài ra, thị trường tài chính Việt Nam đang thiếu các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Từ phía ngân hàng, nhiều hạn chế cũng được chỉ ra như các ngân hàng không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng do đang đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do các ngân hàng chủ yếu khai thác thông tin qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan… Hơn nữa, đa số DNNVV khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập ngành/lĩnh vực mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN CỦA DNNVV
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DNNVV, cần có sự phối hợp triển khai của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng như bản thân DNNVV. Một số giải pháp cụ thể được đề ra như sau:
Đối với Nhà nước và các cơ quan liên quan, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho DNNVV, giảm bớt các quy định, giấy phép, các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho DNNVV hoạt động; phối hợp các bộ, ngành trong triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương. Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, các khu vực nông thôn, hoặc triển khai thông qua các tổ chức tài chính nhỏ, các đối tác địa phương.
Đồng thời, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho khối DNNVV. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng và DNNVV thông qua các sự kiện kết nối, hội thảo hoặc diễn đàn để DNNVV có thể trao đổi trực tiếp với các ngân hàng, giúp ngân hàng hiểu rõ hơn về nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình đào tạo về cách thức vay vốn, quản lý dòng tiền và sử dụng tín dụng hiệu quả, tổ chức trực tuyến hoặc qua các hội thảo tại các địa phương, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình vay vốn cũng như các lựa chọn tài chính.
Đối với ngân hàng, nâng cao năng lực của các ngân hàng bao gồm cả nhân lực và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý cũng như hạ tầng cơ sở cung cấp dịch vụ, gia tăng chuyển đổi số, giúp DNNVV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tín dụng trực tuyến, giảm chi phí và thời gian. Nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Tăng cường vai trò tư vấn cho khách hàng về các cách tiếp cận dịch vụ, tiện ích của ngân hàng nhanh và hiệu quả. Đơn giản hóa thủ tục, nới rộng phạm vi lĩnh vực đối với các DNNVV tiếp cận vốn. Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn. Đồng thời, giám sát tình hình sử dụng vốn vay của DNNVV sau khi giải ngân.
Đối với DNNVV, để có thể tăng cơ hội tiếp cận với gói chính sách hỗ trợ của nhà nước, yếu tố quyết định vẫn đến từ chính bản thân doanh nghiệp. DNNVV cần phải chú trọng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, theo dõi sát các biến động thị trường để có thể điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh kịp thời. Doanh nghiệp cũng cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về công tác tài chính, kế toán, duy trì các báo cáo tài chính rõ ràng, chính xác và đầy đủ, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cung cấp thông tin báo cáo chính xác và kịp thời cho các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu. Mặc dù vay tín chấp đang dần phổ biến, song doanh nghiệp vẫn cần có tài sản bảo đảm để nâng cao khả năng được vay vốn; doanh nghiệp cũng cần duy trì lịch sử tín dụng tốt, thanh toán nợ vay đúng hạn và có kế hoạch tài chính rõ ràng, điều này giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và tăng cường khả năng vay vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên nâng cao trình độ quản trị điều hành doanh nghiệp, quản lý tài chính, cập nhật thông thị trường và đổi mới công nghệ./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, Nxb Thống kê.
2. Hoàng Lan (2023), Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng?, truy cập từ https://vneconomy.vn/vi-sao-doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-tiep-can-von-ngan-hang-832937.htm.
3. Thanh Hoa (2024), Ngân hàng có nhiều công cụ đánh giá rủi ro, doanh nghiệp SME càng khó tiếp cận vốn?, truy cập từ https://vnbusiness.vn/ngan-hang/ngan-hang-co-nhieu-cong-cu-danh-gia-rui-ro-doanh-nghiep-sme-cang-kho-tiep-can-von-1101246.html.
4. VCCI (2020), Tác động của dịch bệnh Covid -19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ Điều tra doanh nghiệp năm 2020.
5. VCCI (2023), Báo cáo khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam.
6. WB (2020), Tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp tại Việt Nam: Khảo sát nhanh về doanh nghiệp và Covid-19.
Ngày nhận bài: 20/01/2025; Ngày phản biện: 23/02/2025; Ngày duyệt đăng: 12/3/2025 |
Bình luận