ThS. Nguyễn Thị Hồng

Ban Khoa học và hợp tác quốc tế - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Tóm tắt

Tiếp cận vốn là một trong các mục tiêu quan trọng giúp doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính tài trợ cho các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất tại doanh nghiệp. Nghiên cứu này tổng hợp tổng quan các nghiên cứu quốc tế về thực hiện các giải pháp gia tăng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, nghiên cứu đề xuất các chính sách gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: tiếp cận vốn, tài chính, doanh nghiệp, quốc tế

Summary

Access to capital is one of the crucial goals to help enterprises obtain financial resources to finance investment activities and expand production at the enterprise. This study synthesizes an overview of international studies on implementing solutions to increase access to capital for enterprises. From that practical experience, the study proposes policies to increase access to capital for Vietnamese enterprises in the coming time.

Keywords: access to capital, finance, enterprise, international

GIỚI THIỆU

Doanh nghiệp là thực thể quan trọng trong nền kinh tế tại mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp có khả năng tạo việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội địa phương và quốc gia. Để thực hiện được sự phát triển đỏi hỏi doanh nghiệp cần có đủ nguồn lực tài chính nhằm thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại các nước đang phát triển, nơi mà nguồn lực tài chính thường hạn chế, các doanh nghiệp tương đối khó khăn tiếp cận nguồn lực tài chính nhằm mở rộng đầu tư, phát triển kinh doanh, điều này ảnh hưởng tới phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm quốc tế từ các nghiên cứu thực nghiệm sẽ là bài học quý báu cho Việt Nam trong việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Nguồn vốn là nguồn tài chính đầu vào quan trọng giúp doanh nghiệp có thể thực hiện giải pháp kinh doanh, đầu tư và mở rộng sản xuất. Kinh nghiệm tại các quốc gia đều cho thấy, nâng cao khả năng tiếp cận vốn giúp cho doanh nghiệp có khả năng sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn. Tại Trung Quốc, Boulton (2023) cho rằng, lý thuyết bất cân xứng thông tin làm trên thị trường tín dụng làm hố ngăn cách giữa người gửi tiền và người vay tiền, dẫn tới không phải lúc nào người vay tiền cũng có khả năng tiếp cận nguồn tài chính để vay vốn trên thị trường, hoặc có thể phải trả chi phí vốn cao hơn. Do đó, Nhà nước và hệ thống tài chính cần có giải pháp giảm thiểu bất cân xứng thông tin nhằm giúp cho các bên có khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ hơn và làm cho thị trường vận hành trở nên hoàn hảo hơn.

Một khía cạnh khác, sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh doanh thường diễn ra tại các thị trường mới nổi, trong đó các chính sách thuế, quy định và chính sách có khả năng tác động tới nhiều khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp, từ đầu vào, đầu ra, cơ sở hạ tầng và tài chính (Bao và cộng sự, 2016). Do đó, các công ty ở thị trường mới nổi thường gặp khó khăn trong tiếp cận vốn bên ngoài như các khoản vay ngân hàng thường dường như ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp được bảo trợ bởi chính phủ, và hạn chế hơn với doanh nghiệp có nguồn vốn tư nhân. Chính vì vậy, cạnh tranh giành nhằm tiếp cận nguồn tài chính cho doanh nghiệp thường liên quan đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng, viên chức chính phủ, hoặc chính trị gia. Tại Trung Quốc, kinh nghiệm nước này cho thấy, Chính phủ dường như tham gia nhiều vào quá trình này và sự tham gia của chính phủ giúp cho khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trở nên tốt hơn, đặc biệt với doanh nghiệp niêm yết và huy động vốn lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh ngành tài chính tại Trung Quốc đã chi phối quá trình chuyển đổi đất nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một hệ thống dựa trên thị trường. Doanh nghiệp nhà nước vẫn nhận được nhiều đặc quyền hơn trong tiếp cận nguồn vốn kinh doanh và tiếp cận dịch vụ tài chính (Linton, 2006). Doanh nghiệp nhà nước nhận được các nguồn tài trợ tiêu biểu như các khoản vay ngân hàng, thị trường chứng khoán, vốn đầu tư mạo hiểm và thị trường trái phiếu. Tuy vậy, các công ty tư nhân, trong nước và nước ngoài, mặc dù đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của Trung Quốc nhưng luôn phải đối mặt với các rào cản tiếp cận vốn đáng kể. Do đó, chính phủ nước này thực hiện cải cách sâu rộng trên thị trường nhằm giúp các công ty này tiếp cận nhiều hơn với thị trường vốn và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về cho vay và quản lý thị trường sẽ thúc đẩy các công ty và doanh nghiệp phát triển nhanh nhất của Trung Quốc và thúc đẩy cạnh tranh trong nước lớn hơn. Điều này làm gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân giúp cho khối doanh nghiệp này lớn mạnh và phát triển nhanh. Tới hiện tại, thị trường vốn và tài chính của Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc huy động và phân bổ và quản lý vốn hiệu quả mà còn trong việc thu hút vốn nước ngoài và chuyên môn và kiến ​​thức đầu tư của tổ chức. Các thị trường bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và ngoại hối đang phát triển và quy định cũng được cải thiện, cải thiện môi trường đầu tư tại Trung Quốc (Austen, 2022).

Kinh nghiệm xây dựng thị trường vốn nhằm tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn cũng đạt được một số thành tựu tại các nước châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha (Castaño và cộng sự, 2023). Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là làm thế nào để tài trợ có hiệu quả để công ty có thể phát triển. Thực vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào việc tự tài trợ và tài trợ ngân hàng, do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần một môi trường thuận lợi để có thể đáp ứng nhu cầu tài trợ của mình, bao gồm cả việc tiếp cận thị trường vốn. Tại Tây Ban Nha, các công ty vốn hóa nhỏ đang tìm cách mở rộng thông qua tiếp cận nguồn tài chính, nhằm tạo ra những lợi thế để trở thành công ty đại chúng, quá trình này giúp các công ty làm quen với hoạt động của thị trường tài chính và tiếp cận hệ sinh thái gồm các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nhân, cố vấn và chuyên gia thị trường tài chính. Đối với thị trường Mỹ, Robb (2007) cho rằng khả năng tiếp cận vốn tài chính với doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có khả năng gia tăng khả năng thành công, và phát triển. Các dòng vốn được sử dụng có hiệu quả hơn và mang đến cơ hội kinh doanh cao hơn cho doanh nghiệp.

Một quốc gia có mức phát triển kinh tế nhanh trong thời gian gần đây và điều kiện kinh tế tương tự Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Mozambique, đồng thời, tiếp cận nguồn tài chính rất quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các yếu tố được đề cập bao gồm cơ cấu của khu vực tài chính, nhận thức về các cơ hội tài trợ, yêu cầu về tài sản thế chấp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, kinh nghiệm của Mozambique còn cho thấy, có mối quan hệ giữa nhận thức về nguồn tài trợ và việc tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy khi nhận thức được hiệu quả sử dụng nguồn tài trợ giúp cho doanh nghiệp có khả năng đạt hiệu quả cao hơn. Hơn nữa, tiếp cận vốn còn đến từ yêu cầu về tài sản thế chấp và việc tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là khi chất lượng tài sản thế chấp cao hơn làm gia tăng hiệu quả tiếp cận nguồn vốn tại doanh nghiệp với chi phí vốn rẻ hơn. Mozambique cũng thường xuyên thực hiện các quy định, chương trình tài trợ và kế hoạch phù hợp hướng tới cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nên được cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và cần có nhiều chương trình tài trợ và kế hoạch tài chính hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Osano và Languitone, 2016). Amadasun và Mutezo (2022) cũng nhấn mạnh kinh nghiệm tại Lesotho và cho rằng tiếp cận thông tin tài chính có mối quan hệ với dịch vụ hỗ trợ ngân hàng và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể, các doanh nhân và nhà quản lý nhà nước coi các yếu tố có liên đến thế chấp, tiếp cận thông tin tài chính và dịch vụ hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp là các yếu tố quan trọng của việc tiếp cận tài chính, và có ảnh hưởng đến năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đạt được tăng trưởng cạnh tranh tại Lesotho. Do đó, Chính phủ nước này thực hiện giải pháp minh bạch hóa tài sản thế chấp thông qua các tiêu chuẩn tài sản thế chấp, quy trình rõ ràng, đồng thời gia tăng tiếp cận thông tin tài chính giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giảm bất cân xứng về thông tin nhằm kết nối giữa nguồn tài chính từ ngân hàng và khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Hiện cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm, nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50%-60%. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3-4 năm (Phan Thạch, 2024).

Từ thực trạng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, cụ thể là thị trường tín dụng thông qua mở rộng hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại trong và ngoài nước. Các ngân hàng thương mại chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại trên nền tảng số có khả năng gia tăng khả năng cung cấp dịch vụ sản phẩm tài chính cho mọi đối tượng doanh nghiệp trong nền kinh tế bằng chi phí rẻ nhất. Các ngân hàng cần được tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng với nhau và cùng phát triển, các ngân hàng yếu kém cần thực hiện các giải pháp tái cấu trúc, làm lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng và thị trường tài chính. Hơn nữa, phát triển thị trường vốn còn gắn liền với hoạt động hiệu quả của thị trường chứng khoán. Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển và quy mô còn nhỏ, chưa thật sự tương xứng với sự kỳ vọng phát triển của đất nước. Quy mô thị trường chỉ dừng ở khoảng gần 1000 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn còn nhỏ, điều này cho thấy chỉ có số ít doanh nghiệp có khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, ngược lại, phần nhiều doanh nghiệp không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán và họ hoạt động chủ yếu trên nguồn tài trợ từ ngân hàng thương mại. Do đó, chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách thị trường chứng khoán, khuyến khích các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao chất lượng tiêu chuẩn niêm yết, minh bạch hóa sự hoạt động của thị trường, tạo hành lang pháp lý giúp thị trường hoạt động ổn định và phát triển.

Hai là, Chính phủ cần có giải pháp giảm bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính, đặc biệt là giảm bất cân xứng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, thị trường chứng khoán. Để thực hiện được mục tiêu giảm bất cân xứng thông tin, Việt Nam cần ban hành các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động kinh tế và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng bộ hệ số tín nhiệm trên thị trường tín dụng, giúp cho các ngân hàng, nhà đầu tư có khả năng đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp để từ đó làm cơ sở cho ngân hàng, nhà đầu tư quyết định tài trợ vốn cho doanh nghiệp.

Ba là, Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua các giải pháp thường xuyên rà soát các điều kiện kinh doanh, các chính sách và chi phí phi chính thức cho hoạt động của doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh thuận lợi giúp doanh nghiệp có khả năng tự tin hơn trong quyết định đầu tư của mình, do đó doanh nghiệp dễ dàng hơn thực hiện các giải pháp tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng hoặc trên thị trường chứng khoán để thực hiện đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các chi phí phi chính thức nên được kiểm soát và cắt giảm xuống mức thấp nhất, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và hiệu quả thực hiện đầu tư.

Bốn là, Việt Nam cần tạo môi trường minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế dồi dào. Quá trình phát triển, nguồn lực yêu cầu trong nước nhằm đáp ứng cho doanh nghiệp rất lớn, do đó nguồn tài chính quốc tế là nguồn bổ sung quan trọng cho doanh nghiệp trong nước. Nguồn tài chính quốc tế có thể thực hiện đầu tư tại doanh nghiệp trong nước thông qua cơ chế mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, cho vay đối với doanh nghiệp trong nước, do đó khi chính sách đầu tư rõ ràng, minh bạch có thể gia tăng thu hút nguồn tài trợ nước ngoài vào trong nước./.

Tài liệu tham khảo

1. Amadasun, D. O. E., Mutezo, A. T. (2022), Influence of access to finance on the competitive growth of SMEs in Lesotho, Journal of Innovation and Entrepreneurship, 11(1), https://doi.org/10.1186/s13731-022-00244-1.

2. Austen, M. (2022), Continued Acceleration of the Reform of China’s Capital Markets Still Needed BT - Transition and Opportunity: Strategies from Business Leaders on Making the Most of China’s Future (H. Wang, L. Miao (eds.); pp. 125–138). Springer Nature Singapore. https://doi.org/10.1007/978-981-16-8603-0_12

3. Bao, X., Johan, S., Kutsuna, K. (2016). Do political connections matter in accessing capital markets? Evidence from China. Emerging Markets Review, 29, 24–41. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.ememar.2016.08.009

4. Boulton, T. J. (2023). Property rights and access to equity capital in China. Global Finance Journal, 55, 100797. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.gfj.2022.100797

5. Castaño, L., Farinós, J. E., Ibáñez, A. M. (2023). Capital Markets for Entrepreneurs BT - New Frontiers in Entrepreneurial Fundraising: Going Beyond the Equity or Debt Dilemma (P. Sendra-Pons, D. Garzon, & M.-Á. Revilla-Camacho (eds.); pp. 91–118). Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-031-33994-3_7

6. Linton, K. (2006), Capital in China: Competitive Conditions for Foreign and Domestic Firms, retrieved from https://www.usitc.gov/staff_publications/jice/access_capital_china_competitive_conditions.

7. Osano, H. M., Languitone, H. (2016), Factors influencing access to finance by SMEs in Mozambique: case of SMEs in Maputo central business district. Journal of Innovation and Entrepreneurship, 5(1), 13. https://doi.org/10.1186/s13731-016-0041-0

8. Phan Thạch (2024), Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập từ https://nhandan.vn/tang-cuong-kha-nang-tiep-can-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-post802196.html.

9. Robb, A. M., Fairlie, R. W. (2007). Financial Capital among U.S. Businesses: The Case of African American Firms. The ANNALS of the American Academy of Political and Social Science, 613(1), 47-72, https://doi.org/10.1177/0002716207303578.

Ngày nhận bài: 12/12/2024; Ngày phản biện: 25/12/2024; Ngày duyệt đăng: 10/01/2025