Hiện nay, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore

Bức tranh lao động năm 2014

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính đến thời điểm 01/01/2015 là 54,48 triệu người, tăng 782 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động nam chiếm 51,3%; lao động nữ chiếm 48,7%.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính đến thời điểm trên là 47,75 triệu người, tăng 333,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó nam chiếm 53,7%; nữ chiếm 46,3%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2014 ước tính 53,0 triệu người, tăng 1,56% so với năm 2013.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2014 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,6% tổng số (Năm 2012 là 47,4%; năm 2013 là 46,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,4% (Năm 2012 và 2013 cùng ở mức 21,2%); khu vực dịch vụ chiếm 32,0% (Năm 2012 là 31,4%; năm 2013 là 32%).

Số người có việc làm trong quý I năm nay ước tính là 52526,2 nghìn người, tăng 616,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; quý II là 52838,4 nghìn người, tăng 436,1 nghìn người; quý III là 53258,4 nghìn người, tăng 520,7 nghìn người; quý IV là 53471,1 nghìn người, tăng 678 nghìn người.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2014 là 2,45%, thấp hơn mức 2,74% của năm 2012 và 2,75% của năm 2013, trong đó khu vực thành thị là 1,18% (Năm 2012 là 1,56%; năm 2013 là 1,48%); khu vực nông thôn là 3,01% (Năm 2012 là 3,27%; năm 2013 là 3,31%).

Tỷ lệ thiếu việc làm có xu hướng tăng vào cuối năm (Quý I là 2,78%; quý II là 2,25%; quý III là 2,3%; quý IV là 2,46%) và tăng chủ yếu ở khu vực nông thôn (Quý I là 3,37%; quý II là 2,77%; qúy III là 2,83%; quý IV là 3,08%).

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2014 là 2,08% (Quý I là 2,21%; quý II là 1,84%; quý III là 2,17%; quý IV là 2,1%), trong đó khu vực thành thị là 3,43%, thấp hơn mức 3,59% của năm trước; khu vực nông thôn là 1,47%, thấp hơn mức 1,54% của năm 2013.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15 - 24 tuổi) năm 2014 là 6,3%, cao hơn mức 6,17% của năm 2013, trong đó khu vực thành thị là 11,49%, cao hơn mức 11,12% của năm trước; khu vực nông thôn là 4,63%, xấp xỉ tỷ lệ năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của người lớn từ 25 tuổi trở lên năm 2014 là 1,12%, thấp hơn mức 1,21% của năm 2013, trong đó khu vực thành thị là 2,07%, thấp hơn mức 2,29% của năm trước; khu vực nông thôn là 0,7%, thấp hơn mức 0,72% của năm 2013.

Ước tính tỷ lệ lao động phi chính thức của khu vực phi hộ nông nghiệp năm 2014 là 56,1%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2013. Nhìn chung tỷ lệ lao động phi chính thức của khu vực phi hộ nông nghiệp giảm so với năm 2013 ở các quý trong năm do tỷ trọng lao động trong khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu tăng lên.

Năng suất lao động vẫn thấp so với các nước trong khu vực

Tính toán của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 74,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3515 USD/lao động).

Trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,9 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 133,4 triệu đồng/lao động, gấp 1,8 lần; khu vực dịch vụ đạt 100,7 triệu đồng/lao động, gấp 1,36 lần.

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2014 ước tính tăng 4,3% so với năm 2013, trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; khu vực dịch vụ tăng 4,4%.

Ông Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Nguyễn Bích Lâm chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp là do:

(1) Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao;

(2) Chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao;

(3) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012;

(4) Trình độ tổ chức quản lý còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp: Tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2001 - 2005 chỉ đạt 11,9%; giai đoạn 2006 - 2010 là -4,5%; giai đoạn 2011- 2013 là 23,6%.

"Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ (hai khu vực quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn) vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm rõ thêm.

Thực tế, câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam đã nhiều lần được đề cập đến trong năm qua sau khi một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 6. Kết quả cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu).

Theo đó, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan.

Tại hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ILO tổ chức mới đây, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, phàn nàn lao động Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc, hầu hết các doanh nghiệp châu Âu phải đào tạo lại trước khi sử dụng. /.