Ngành ngân hàng, chứng khoán cần gấp giải pháp “Giấy đi đường”
Ngành chứng khoán không rõ thuộc nhóm nào
Đêm ngày 5/9/2021, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn đã ký Công văn số 5059/UBCK-VP gửi Công an Thành phố Hà Nội về việc các công ty trong ngành chứng khoán vẫn chưa được cấp giấy đi đường (tính đến 19h ngày 5/9/2021) theo hướng dẫn mới của Công an Thành phố Hà Nội. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề nghị “Công an Thành phố Hà Nội chấp thuận cho các công ty trong ngành được sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đây cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo quy định mới” để đảm bảo cho các công ty thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thị trường chứng khoán được hoạt động liên tục.
Để duy trì hoạt động thông suốt, ngành chứng khoán, ngân hàng nhất thiết cần một lượng nhân sự làm việc trực tiếp tại công ty |
“Nhóm 2” và “Nhóm 6” nằm trong 6 nhóm đối tượng được Công an TP. Hà Nội quy định trong hướng dẫn xem xét, cấp phép đi đường, ban hành ngày 5/9/2021 do đều có từ “thiết yếu”, khiến nhiều công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hiểu rằng mình thuộc một trong hai nhóm đó. Thủ tục xin loại giấy tờ này đều qua 4 bước xét duyệt, nhưng Cơ quan cấp giấy đi đường cho 2 nhóm này là khác nhau. Đây là điểm các doanh nghiệp ngành chứng khoán gặp khó khăn, do không biết phải theo thủ tục của nhóm nào, nếu muốn được cấp "Giấy đi đường".
Ngày 6/9/2021, Công an TP. Hà Nội ban hành Công văn 6482 gửi đến các đơn vị hành chính địa phương, hướng dẫn về việc xét duyệt cấp Giấy đi đường trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19. Tại văn bản mới, Công an TP. Hà Nội cho biết, qua theo dõi, tiếp nhận phản ánh của người dân, nhận thấy các đơn vị còn gặp nhiều lúng túng trong việc nhận diện các nhóm đối tượng được cấp Giấy đi đường để tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân. Vì thế, Công an TP. Hà Nội có hướng dẫn rõ hơn về việc phân loại các đối tượng thuộc nhóm được cấp Giấy đi đường.
Tại Công văn 6482, Công an TP. Hà Nội định danh rõ 2 mục. Thứ nhất, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng nhà nước và các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV thuộc “Nhóm 1”. Thứ hai, định danh 5 loại chủ thể thuộc “Nhóm 6”, nhưng không có dòng nào, chữ nào đề cập đến các doanh nghiệp trong ngành chứng khoán ở đây.
Theo hướng dẫn ngày 6/9/2021, ngành chứng khoán không có tên trong “Nhóm 6”, vậy có thể hiểu ngành chứng khoán trong “Nhóm 2” được không? Thực tế, nếu hiểu ngành chứng khoán vào “Nhóm 2” cũng không phù hợp, bởi đa số chủ thể hoạt động trong ngành này (các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, quốc tế của loại doanh nghiệp này…) đều thuộc thành phần kinh tế tư nhân, trong khi “Nhóm 2” được định danh trong hướng dẫn chính thức của Công an TP. Hà Nội ngày 5/9/2021 là “Các cơ quan tổ chức doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu”.
Đối tượng được cấp Giấy đi đường của “Nhóm 2” là “Cán bộ công chức công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các dịch vụ công ích thiết yếu”. Rõ ràng, các doanh nghiệp cổ phần, các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong ngành chứng khoán không thể thuộc đối tượng của Nhóm 2.
Thách thức vận hành an toàn hệ thống
Lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán được ví như "huyết mạch" trong cơ thể nền kinh tế, trong mọi trường hợp, kể cả chiến tranh, đều cần phải được vận hành thông suốt để lưu chuyển dòng tiền đến mọi tổ chức, người dân. |
Dù đã vận hành trên nền tảng Online từ lâu, nhưng các công ty chứng khoán đều cần phải có một lượng nhân sự nhất định làm việc trực tiếp tại công ty để đảm bảo sự vận hành an toàn, thông suốt của toàn bộ hệ thống. Tại BVSC, tối thiểu nhất cũng cần 20 người làm việc trực tiếp tại Công ty.
Tại Công ty Chứng khoán SSI, số người làm việc tại nhà đến 90% nhân sự và vẫn phải có tối thiểu 10% nhân sự làm việc trực tiếp để duy trì vận hành của cả hệ thống. Nhu cầu về một cơ số nhân sự nhất định đến làm việc tại các doanh nghiệp ngành chứng khoán là không thể khác, để vận hành hệ thống giao dịch thông suốt trên TTCK Việt Nam, nơi kết nối hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước, với thanh khoản 1-2 tỷ USD/ngày. Phía sau giao dịch là rất nhiều hoạt động nghiệp vụ khác, kết nối các công ty chứng khoán, các ngân hàng, các nhà đầu tư… cần được xác thực và đảm bảo sự vận hành an toàn, trôi chảy. Thử hình dung nếu một mắt xích trong hệ sinh thái TTCK Việt Nam phải dừng hoạt động vì những thủ tục hành chính cấp “Giấy đi đường” thì điều gì sẽ xảy ra? Cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng và quyền lợi của hàng triệu nhà đầu tư sẽ bị méo mó như thế nào.
Trở lại với thủ tục xin cấp “Giấy đi đường” hiện nay của các doanh nghiệp trong ngành. Soi chiếu quy định của Công an TP. Hà Nội cho thấy, khối doanh nghiệp trong ngành chứng khoán không thể thuộc “Nhóm 2” cũng không có tên trong văn bản ngày 6/9/2021 chi tiết hóa các chủ thể trong “Nhóm 6”. Vậy cách nào để các doanh nghiệp xin được Giấy đi đường cho những nhân sự nhất thiết phải đến làm việc tại công ty?
Không riêng khối doanh nghiệp ngành chứng khoán, khối các ngân hàng cổ phần cũng bối rối không kém khi Công văn 4682 ngày 6/9/2021 chỉ quy định 4 ngân hàng Nhà nước sở hữu lớn (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) là thuộc "Nhóm 1" và không có tên của ngành ngân hàng trong định danh "Nhóm 6" tại Công văn mới này. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cổ phần cũng gặp khó khăn giống như ngành chứng khoán, khi là ngành kinh doanh thiết yếu nhưng họ không thấy mình ở thuộc "Nhóm 2" và cũng không thấy mình ở "Nhóm 6" trong hướng dẫn mới nhất của Công an TP. Hà Nội.
Lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán được ví như "huyết mạch" trong cơ thể nền kinh tế, trong mọi trường hợp, kể cả chiến tranh, đều cần phải được vận hành thông suốt để lưu chuyển dòng tiền đến mọi tổ chức, người dân. Đặc thù của các ngành này là tính liên thông, thanh toán, bù trừ lẫn nhau, nên chỉ vận hành được nếu tất cả các thành viên thị trường đều kết nối an toàn, cùng hoạt động. Theo đó, nhiều người đặt câu hỏi, việc tách riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nói trên vào "Nhóm 1" (nhóm người đứng đầu được tự quyết định về Giấy đi đường) để đảm bảo vận hành thông suốt có ý nghĩa gì không, nếu các ngân hàng cổ phần trong cùng hệ thống gặp ách tắc trong việc duy trì hoạt động liên tục vì không thể xin được "Giấy đi đường" cho các nhân sự vận hành hệ thống?
Việc không thể xin được "Giấy đi đường" là tình cảnh hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi cấp có thẩm quyền tại công an cấp xã, phường, thị trấn làm việc tròn trách nhiệm, vì cái gốc của vấn đề là ở chỗ, ngành ngân hàng (trừ 4 ngân hàng nói trên) cũng như ngành chứng khoán, không thấy mình ở đâu trong 6 nhóm chủ thể được "Cấp giấy đi đường".
Trước thực tế này, các chủ thể hoạt động trong ngành chứng khoán, ngân hàng rất mong nhận được những hướng dẫn cụ thể hơn từ Công an Thành phố để tạo thuận lợi cho việc duy trì hoạt động liên tục của ngành.
+ Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 quy định: “Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” (Khoản 2, Điểm C, Chỉ thị số 15). + Ngày 3/4/2000, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 2601 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch Covid-19, trong đó Mục 2 quy định rõ: “Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động”. |
Bình luận