Ngành Ngân hàng phải quan tâm hơn việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả thanh tra, phát hiện kịp thời các sai phạm
Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa tổ chức Hội nghị công bố kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 4 chủ trì Hội nghị (nguồn: sbv) |
Theo báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra công bố tại Hội nghị cho thấy, trong 10 năm qua (từ năm 2011-2021), cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Ban cán sự đảng NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị trực thuộc nghiêm túc quán triệt, triển khai, cũng như tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong kỳ kiểm tra, đã phát hiện, chuyển giao 73 nguồn tin về tội phạm đến các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định. Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng đã tiếp nhận 14.739 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển giao cho cơ quan Công an 701 vụ việc. NHNN đã tiếp nhận 296 quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, đã giải quyết 273 quyết định, từ chối 23 quyết định (do không thuộc phạm vi giám định hoặc không đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết để giám định hoặc có nội dung trưng cầu giám định giống với kết luận giám định đã ban hành). |
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát, kiểm toán nội bộ được tăng cường. Kịp thời chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sang cơ quan cảnh sát điều tra; chỉ đạo các tổ chức tín dụng ở các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bản cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tài khoản ngân hàng của các đối tượng phạm tội để phục vụ công tác điều tra.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, trong đó, nhận thức về trách nhiệm, quyền hạn trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của một vài cơ quan, đơn vị; của cán bộ, đảng viên trong Ngành có lúc, có nơi chưa đầy đủ, còn xem đây là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Kết quả phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị còn hạn chế; số vụ việc phát hiện có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra xử lý còn ít; công tác giám định đối với một số vụ án, vụ việc chưa kịp thời…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Trưởng Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban cán sự đảng NHNN tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Bảo đảm nguyên tắc mọi tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm nói chung; tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng đều phải được tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật với quan điểm “không ngừng, không nghỉ”; “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Ban cán sự đảng NHNN tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn để phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 4, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết quả thực hiện theo quy định.
Đại tướng Tô Lâm đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, phát hiện kịp thời các sai phạm, kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm. Chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ; kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm mà báo cáo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã chỉ ra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để có các biện pháp thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, nhất là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.../.
Bình luận