Tìm giải pháp thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay
Bộ Công an vừa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, đối với nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đã xác định rõ việc triển khai rộng rãi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân (CCCD) để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử...) và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an mong muốn tại Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về pháp lý, an ninh, an toàn, tài chính chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai, ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay, sử dụng dữ liệu tín dụng trong các hoạt động tài chính, ngân hàng tại Việt Nam, từ đó có cơ sở để đề xuất các cấp có thẩm quyền lựa chọn những phương án tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Ảnh: mps |
Ông Thắng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình hoạt động tội phạm “tín dụng đen” là vấn đề nhức nhối của xã hội. Chỉ trong 4 năm (từ năm 2015 – 2018), toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ việc liên quan tới “tín dụng đen”, gây ra các hệ lụy cho xã hội như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Hiện nay, đa số người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, các doanh nghiệp phải vay vốn “tín dụng đen”, lãi suất lên đến 46,5%/năm. Mặc dù Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp rất khó có thể tiếp cận.
Với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã giao Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay. |
Trình bày báo cáo tổng thể giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, Cục đã phối hợp với Trường Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội ứng dụng dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo theo tiêu chuẩn tham khảo tín dụng FICO tại Mỹ được sử dụng trong rất nhiều nghiệp vụ và hoạt động hàng ngày như: Ra quyết định cho vay, xác định lãi suất của các khoản vay, xin việc làm, mua và thuê nhà, mua và thuê ôtô, mua sản phẩm bảo hiểm...
Đến nay, đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về CCCD, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao. Cụ thể: Công ty tài chính ngân hàng MB thử nghiệm 10.000 dữ liệu công dân; Pvcombank thử nghiệm 20.000 dữ liệu công dân; Công ty Datanest thử nghiệm 60.000 dữ liệu công dân. Kết quả giảm tỷ lệ rủi ro khi cho vay vốn và cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng từ 7- 20%. Sau khi thử nghiệm, các ngân hàng đều có mong muốn được triển khai chính thức trên quy trình cho vay.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, sẽ cùng với các thành viên của Tổ công tác đồng hành, hỗ trợ tối đa các đơn vị chức năng, trong đó có ngành Ngân hàng triển khai hiệu quả chuyển đổi số, phục vụ người dân, xã hội... Ảnh: mps |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã cho phép ứng dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực bảo hiểm, y tế, thanh toán không dùng tiền mặt và đang triển khai nhiều dịch vụ công liên thông trực tuyến… Những dịch vụ công này ngày càng tạo nên sự tin cậy của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về những nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ, đảm bảo an ninh, an toàn, ông Ngọc cho biết, đây là những nhóm vấn đề, nội dung rất then chốt, phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án 06, chuyển đổi số.
Gần đây, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã ký Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 đối với ngành Ngân hàng, đảm bảo 5 nhóm tiện ích phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng…/.
Bình luận