Tóm tắt

Tín dụng chính sách xã hội cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên cả nước cũng như tại tỉnh An Giang. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm phát huy vai trò của tín dụng chính sách trong góp phần mạnh mẽ hơn nữa đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn An Giang.

Từ khóa: tín dụng chính sách, ngân hàng chính sách xã hội, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, An Giang

Summary

Social policy credit together with local social economic development programmes have actively contributed to poverty reduction, job creation, social security assurance, and new rural construction across the country as well as in An Giang province. However, the practical implementation of social policy credit has failed to meet requirements. Therefore, it is necessary to implement the synchronous solutions to promote the stronger role of policy credit in combating black credit, and better meet the borrowing needs of people in An Giang province.

Keywords: policy credit, Vietnam Bank for Social Policies, black credit, usury, An Giang

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VÀ CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN

Tín dụng chính sách xã hội góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính. Nhờ chính sách này, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn…, từ đó bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.

Tín dụng đen là các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Tín dụng đen thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ luỵ của nó thì có thể khiến gia đình tan nát, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, gây bất an trong xã hội.

Nghiên cứu của Phan Thị Nữ (2012) đã chỉ ra rằng: tín dụng có tác động tích cực đến mức sống của người nghèo thông qua việc tăng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, tín dụng không có ảnh hưởng đến việc cải thiện thu nhập của người nghèo, do đó không phải là một giải pháp ổn định giúp họ thoát nghèo. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy khả năng tiếp cận vốn tín dụng từ hệ thống tín dụng chính thức của người nghèo ở nông thôn nước ta là rất thấp.

Nghiên cứu của Nguyễn Đức Hải (2012) về “Giải pháp về nguồn vốn cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội”, đã nêu ra những vấn đề cơ bản về nguồn vốn trong hoạt động của ngân hàng, từ đó đánh giá thực trạng nguồn vốn cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và đưa ra các giải pháp về nguồn vốn cho hoạt động của Ngân hàng này. Nghiên cứu còn đưa ra các ý kiến đóng góp đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế quản lý đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời nêu ra những giải pháp về nguồn vốn cho hoạt động của Ngân hàng này...

Trong khi đó, nghiên cứu của Lê Minh Trang (2019) về “Tác động của tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tới hộ nghèo tại vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam”, đã chỉ ra thực trạng khó tiếp cận vốn của các hộ nghèo vùng Bắc Trung Bộ, từ đó đưa ra các giải pháp dẫn vốn chính sách đến các hộ nghèo.

Qua tham khảo các nghiên cứu trên, cũng như từ thực tiễn đặt ra yêu cầu bức thiết, tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Phát huy vai trò của tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh An Giang”, nhằm chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong triển khai chương trình tín dụng chính sách. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp để vừa gia tăng cơ hội cho hộ nghèo, người khó khăn tiếp cận kênh tín dụng chính thống nhằm vươn thoát nghèo, vừa giảm thiểu những hệ lụy của tình trạng tín dụng đen tác động tiêu cực đến các đối tượng này trên địa bàn tỉnh An Giang.

THỰC TRẠNG VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Những kết quả tích cực

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ- CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay doanh số cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh An Giang đạt gần 9.700 tỷ đồng, với gần 675 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ trong hai thập kỷ qua đạt hơn 5.602 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh An Giang, doanh số cho vay năm 2022 ước đạt 1.257 tỷ đồng, tăng 326,1 tỷ đồng (tương đương tăng 35,3%) so với năm 2021, với 35.984 lượt hộ được vay vốn; doanh số thu nợ năm 2022 ước đạt 800,6 tỷ đồng, tăng 30,1%% so với năm 2021. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn vay trong năm 2022 đã góp phần giúp hơn 5.287 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp 5.161 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 2.775 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng, cải tạo và mua 65 căn nhà ở xã hội; giúp 135 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài... (Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh An Giang, 2023).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và triển khai các giải pháp, để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn này. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực thực hiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ cận nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm; duy trì và mở rộng việc làm nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tiễn triển khai tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, còn bộc lộc một số tồn tại, hạn chế cụ thể:

(i) Thủ tục tiếp cận tín dụng chính sách có phần còn rườm rà, thiếu hợp lý với người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương, nên thời gian tiếp cận vốn còn kéo dài. Điều này tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy tiến độ triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo, cũng như đẩy lùi tín dụng đen.

(ii) Do nguồn vốn tín dụng chính sách chưa đa dạng, nên hạn mức cho vay còn thấp so với nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

(iii) Phương thức cấp tín dụng chính sách hiện chưa thực sự đa dạng và chưa sát với thực tế hoàn cảnh của người nghèo và các đối tượng chính sách. Trên thực tế, có trường hợp người nghèo không có đất canh tác hoặc sản phẩm của họ không bán được trên thị trường, nên gặp khó khăn trong đáp ứng các tiêu chí để được tiếp cận tín dụng chính sách, trong khi lại thiếu cơ chế cho vay gián tiếp thông qua cho vay các chủ dự án, chủ công ty.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay; tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 8%-10%; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 3%, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn từ trở lên; tỷ lệ thu lãi đạt 100% lãi phát sinh hàng tháng. Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh An Giang góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Tỉnh khoảng 0,5%/năm; giải quyết việc làm bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 30.000 người/năm, góp phần đẩy lùi tín dụng đen tại địa phương (Thanh Sang, 2022).

Để thực hiện được các chỉ tiêu nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả của chính sách tín dụng, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung, theo tác giả, cần triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, cụ thể là cán bộ tại Ngân hàng Chính sách xã hội- chi nhánh An Giang. Hoàn thiện công tác thẩm định tín dụng để tạo thuận lợi cho công tác cấp tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, giảm bớt các thủ tục rườm rà, thiếu hợp lý nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương được tiếp cận vốn chính sách một cách nhanh chóng.

Thứ hai, hoàn thiện bộ máy quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tại một số địa phương nói riêng và toàn hệ thống nói chung là việc làm cần thiết, nhằm hướng tới tăng cường công tác quản trị ngân hàng.

Thứ ba, Ngân hàng Chính sách xã hội cần đa dạng và tăng cường các nguồn vốn tín dụng chính sách. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội cần đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế, như: huy động nguồn vốn trên thị trường hay tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài; các sản phẩm và dịch vụ huy động tiền gửi cần đa dạng về kỳ hạn và lãi suất.

Thứ tư, Ngân hàng Chính sách xã hội cần đa dạng phương thức cấp tín dụng. Trong một số trường hợp, người nghèo không có đất canh tác hoặc sản phẩm của họ không bán được trên thị trường, Ngân hàng Chính sách xã hội cần xây dựng cơ chế cho vay gián tiếp thông qua cho vay các chủ dự án, chủ công ty. Theo phương thức này, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ không cho vay trực tiếp đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, do họ không có khả năng sử dụng vốn vay một cách hiệu quả vì thiếu các nguồn lực cần thiết, mà cấp vốn cho các chủ dự án, chủ công ty có cam kết sử dụng lao động là người nghèo và các đối tượng chính sách hoặc sử dụng đầu vào là sản phẩm do người nghèo và các đối tượng chính sách làm ra.

Thứ năm, Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh An Giang cần không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” để triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh An Giang./.

ThS. ĐẶNG THỊ HỒNG NHUNG

Bộ môn Tài chính - Kế toán, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh,

Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 - Tháng 3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2002), Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh An Giang (2023), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022, kế hoạch hoạt động năm 2023.

3. Nguyễn Đức Hải (2012), Giải pháp về nguồn vốn cho hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội, Luận văn thạc sỹ, Học viện Ngân hàng.

4. Phan Thị Nữ (2012), Đánh giá tác động của tín dụng đối với giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, 3(72B).

5. Thanh Huyền (2022), Mong tín dụng chính sách xã hội góp phần đẩy lùi tín dụng đen, truy cập từ https://plo.vn/mong-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-gop-phan-day-lui-tin-dung-den-post706423.html.

6. Hoài Nam, Xuân Huy (2022), Nâng cao nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ ngân hàng và các tổ chức đoàn thể, truy cập từ https://bnews.vn/nang-cao-nghiep-vu-tin-dung-chinh-sach-cho-can-bo-ngan-hang-va-cac-to-chuc-doan-the/256321.html.

7. Thanh Sang (2022), Vốn tín dụng chính sách góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, truy cập từ https://bnews.vn/von-tin-dung-chinh-sach-gop-phan-ngan-chan-nan-cho-vay-nang-lai/257755.html.

8. Lê Minh Trang (2019), Tác động của tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tới hộ nghèo tại vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 3, 222-225.

9. Trần Tùng (2022), An Giang tăng cường phòng, chống các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, truy cập từ https://angiang.gov.vn/wps/wcm/connect/an+giang+portal-vi/sa-tintuc/an-giang-tang-cuong-phong-chong-cac-hoat-dong-lien-quan-den-tin-dung-den.