Ngành ngân hàng sẽ thường xuyên dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh để điều hành CSTT, tín dụng phù hợp
Đó là một trong những nội dung tại Chỉ thị số 02/CT -NHNN ngày 31/3/2020 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Cho vay tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, thời gian qua toàn ngành Ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Nhiều giải pháp chính sách được triển khai quyết liệt, kịp thời như: điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Toàn ngành đã đóng góp trên 160 tỷ đồng cho phòng, chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của toàn hệ thống trong công tác an sinh xã hội.
Các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thống kê sơ bộ được báo cáo có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng (TCTD), chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục… |
Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.
Theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ. Sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Các TCTD cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh) nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống. Xây dựng giải pháp cung cấp các dịch vụ ngân hàng theo từng kịch bản diễn biến dịch, phù hợp với các biện pháp chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn./.
Bình luận