Từ khóa: tín dụng xanh, nền kinh tế, tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng

Summary

Facing great challenges from the consequences of climate change, many solutions have been implemented to reduce damage caused by natural disasters and ensure environmental protection. In particular, financial solutions, including green credit, is considered effective, contributing to sustainable economic development. The article uses qualitative research method and published secondary data sources from agencies and organizations for analyzing, comparing, evaluating and clarifying the above-mentioned contents, thereby proposing relevant policy implications.

Keywords: green credit, economy, credit institutions, banking industry

GIỚI THIỆU

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nói chung, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đối phó với tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, phải nói tới tín dụng xanh đối với nền kinh tế - đó là các khoản vốn của các định chế tài chính, cho vay đối với các lĩnh vực, các dự án đầu tư phát triển bền vững môi trường, chống biến đổi khí hậu của nền kinh tế.

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TÍN DỤNG DỤNG XANH

Hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh nói chung và mở rộng hoạt động tín dụng xanh nói riêng, đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm.

Quốc hội, Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản theo hướng không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý chung để bộ ngành, địa phương, ngành nghề triển khai nhằm tiến tới mục tiêu Net Zero năm 2050, như: Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020); Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, với những quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng Ozon, về danh mục phân loại xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tín dụng xanh, sau đó năm 2017, hoàn thiện văn bản hướng dẫn cấp tín dụng cụ thể đối với 12 ngành, lĩnh vực xanh. NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững.

Ngày 07/8/2018, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. NHNN cũng đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Cùng với đó, NHNN cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ), tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các TCTD...

Mới đây nhất, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 hướng dẫn TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN có quy định nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường: “Khi đánh giá dự án đầu tư có rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng bổ sung tại thỏa thuận cấp tín dụng các biện pháp khách hàng cam kết thực hiện nhằm hạn chế rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; Khách hàng có trách nhiệm cung cấp các thông tin phục vụ công tác vụ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo yêu cầu của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cung cấp”.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Ngay từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các ngân hàng thương mại (NHTM) nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các chi nhánh ngân hàng của Mỹ, Úc, Nhật Bản, các nước EU đã thực sự quan tâm đến tín dụng xanh. Yếu tố bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là ưu tiên hàng đầu, thậm chí là bắt buộc khi thẩm định dự án cho vay vốn tại Việt Nam của Citibank, ANZ, HSBC… Yêu cầu này càng được các NHTM nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục thực hiện rất chặt chẽ kể từ năm 2007 khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các NHTM của Việt Nam cũng đang chuyển động mạnh mẽ sang hoạt động cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết quốc tế về phát triển kinh tế xanh của Chính phủ. Do đó, tín dụng xanh của các TCTD Việt Nam không ngừng được mở rộng, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án kinh tế tuần hoàn của ngành dệt may, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dự án nông nghiệp sạch…

Theo NHNN, trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của các TCTD đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 45% và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.

Quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các TCTD đối với lĩnh vực kinh tế xanh tăng trưởng khá qua các năm. Cũng theo số liệu của NHNN, nếu như ở thời điểm năm 2018, quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các TCTD đối với lĩnh vực kinh tế xanh chỉ chiếm 3,33% trong tổng tín dụng của nền kinh tế, thì đến năm 2022 đã tăng lên 4,2%. Hiện nay, có rất nhiều TCTD đã ban hành quy định nội bộ về rủi ro môi trường và tác động xã hội. Theo thống kê của NHNN, có 80%-90% các NHTM đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG (chỉ số đánh giá môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động. Có tới gần 50% các NHTM và TCTD khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.

Agribank là NHTM cổ phần nhà nước có quy mô lớn nhất, mạng lưới rộng nhất của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Agribank luôn là NHTM có dư nợ tín dụng xanh cao trong hệ thống ngân hàng. Trong hoạt động cho vay vốn, đặc biệt, Agribank phát triển mạnh dư nợ tín dụng xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn[1].

BIDV cũng là một NHTM tiên phong trong lĩnh vực cho vay kinh tế xanh, đạt tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân lên tới 45%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao. Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV[2].

Các NHTM khác của Việt Nam, như: Vietcombank, Vietinbank, MB, Techcombamk, VPbank… cũng đạt tốc độ trưởng dư nợ tín dụng xanh đối với khách hàng đạt bình quân trên 45% hàng năm. Các dự án được các NHTM chú trọng đầu tư là: năng lượng điện tái tạo, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may, yếu tố bảo vệ môi trường của các sản phẩm chế biến gỗ, dự án chống biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… (VCCI, 2023).

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhằm thúc đẩy tín dụng xanh của các TCTD đang gặp một số khó khăn sau đây:

Một là, chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Khung pháp lý về tín dụng xanh của Việt Nam chưa hoàn thiện, gây ra khó khăn trong việc phát triển hoạt động này trên thực tiễn. Hệ thống chính sách hiện cũng vẫn còn thiếu một số cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh; hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể còn chưa thực sự đầy đủ. Thực trạng này dẫn đến việc thiếu cơ sở để các TCTD xây dựng cơ chế thực hiện các hoạt động xanh và cấp tín dụng xanh.

Hai là, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng của các TCTD trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc biệt là khách hàng trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, với dự án đi vào hoạt động trong thời gian chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu. Bên cạnh đó, các TCTD gặp khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng xanh do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Ba là, việc đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực kinh tế xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định. Thêm vào đó, các TCTD còn gặp phải khó khăn khác đó là hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ vốn tín dụng xanh cho các TCTD.

Bốn là, nhiều văn bản pháp lý về tín dụng xanh đang được ban hành về tín dụng xanh, ngân hàng xanh của NHNN còn chung chung. Nội dung cụ thể về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các TCTD thực hiện, mà chưa mang tính bắt buộc. Trong khi đó, hầu hết NHTM vẫn chưa hoàn thiện quy trình tín dụng nộ bộ về tín dụng xanh.

Nhiều NHTM chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị hay bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Mức độ nhận thức của đội ngũ cán bộ trong các TCTD về chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều bất cập, hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế.

Năm là, tổng dư nợ tín dụng xanh hiện nay của các TCTD tại Việt Nam mới đạt 528.000 tỷ đồng, chỉ chiếm gần 5% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay của các TCTD tại Việt Nam chưa cao, nên mục tiêu cuối năm 2025 tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh đạt 25% so với hiện nay; đạt 30%-35%/năm cho giai đoạn 2025-2030; tương ứng tỷ lệ trên là mục tiêu tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế từ 4,6% tăng lên 10% vào cuối 2025 và 20% vào cuối năm 2030 (VCCI, 2023). Đến năm 2050 đòi hỏi tiến tới Net Zero, vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng là nguồn lực chính. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh chưa đáp ứng được yêu cầu chính đặt ra. Các TCTD đang gặp khó vì vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, nhưng cho vay đầu tư các dự án xanh, dự án về môi trường thường có thời gian dài. Đây là những thách thức rất lớn, là những mục tiêu tương rất khó khăn đối với ngành Ngân hàng.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Tín dụng xanh là vấn đề rất thời sự đặt trong xu thế hội nhập kinh tế và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam. Những yêu cầu đặt ra trong vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường, đặc biệt Việt Nam thực hiện cam kết Hội nghị COP 26… Từ những nội dung phân tích, đánh giá nói trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị hàm ý chính sách như sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành, các địa phương và các TCTD ở tất cả các lĩnh vực đều phải coi đây là một trong những cơ hội và yêu cầu bức thiết phải triển khai kinh tế xanh. Do đó, khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền, doanh nghiệp khi xây dựng dự án đầu tư, dự án vay vốn tín dụng ngân hàng, bắt buộc và tự giác, chủ động có báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách minh bạch đầy đủ, đảm bảo các yếu tố pháp lý. Đây là cơ sở quan trọng hàng đầu cho mở rộng dư nợ tín dụng xanh của các TCTD đối với doanh nghiệp.

Thứ hai, NHNN cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý về tín dụng xanh, ban hành các văn bản cụ thể, chi tiết về lĩnh vực này. NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút các nguồn lực tài chính quốc tế phù hợp cho mục tiêu phát triển xanh.

NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, rộng, chi tiết hơn các danh mục xanh đã được công bố để NHTM triển khai mạnh mẽ tín dụng xanh. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về tín dụng xanh không chỉ ở góc độ cơ quan lý điều hành, mà cả ở các NHTM trong việc đánh giá các tiêu chuẩn quản lý rủi ro, môi trường xã hội.

NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động tín dụng của các TCTD, khuyến khích các hoạt động cho vay tín dụng xanh của các NHTM, đồng thời có những tổng kết, đánh giá chỉnh sửa bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan.

Thứ ba, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo NHNN và một số bộ chức năng có liên quan ban hành Danh mục tín dụng xanh nền kinh tế, làm căn cứ, cơ sở cho các NHTM tiến hành thẩm định chính xác, kịp thời các dự án xanh xin vay vốn tín dụng.

Thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam, trong đó nêu rõ trách nhiệm của NHNN, vai trò cùa các NHTM trong cho vay, huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu xanh.

Thứ năm, các TCTD cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về mở rộng tín dụng xanh đối với nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế xanh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Các TCTD cần xác định đây là lĩnh vực cấp bách cần phải triển khai có hiệu quả. Việc thực hiện có kết quả hay không, đòi hỏi các TCTD phải kết hợp với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế xanh cho đội ngũ cán bộ tín dụng tại các NHTM.

Bên cạnh đó, các TCTD nên thành lập những bộ phận đi trước đón đầu để thẩm định rủi ro ESG. Bên cạnh đó, các TCTD đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại đối với việc phát triển tín dụng xanh, thẩm định tài chính và thẩm định tác động môi trường của dự án xanh./.

ThS. Dương Văn Bôn

Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 31, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, (2017-2023), Thông tin hoạt động các NHTM hội viên, truy cập từ www.vnba.org.vn

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020-2023), Một số thông tin trong các báo cáo chuyên đề.

3. Ngân hàng Nhà nước (2018), Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

4. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.

5. VCCI (2023), Thông tin doanh nghiệp, hồ sơ thị trường, tintuc 24/7, truy cập từ https://vcci.com.vn/.


[1] https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agribank/tin-tuc/dtl/!ut/p/z0/fYxPC4JAEMU_jcdh1jKjY0RYH cKIQPcSk4pu5qzGKH781qKO3d6f33uoMUHNNJiSxFimh_OpDq8zfxvsgrOKo8V2pU7hMrocN_Fc7X08oP4PuAdz7zq9Rp1ZlmIUTKi8EdeeGgqg8mk-RgyD9JmncsslVMQVZL1TQg2wizz1ZUFMwdBWP-69GAw0VoBdNV3l03Z0Lba1Tl_v4xwe/

[2] https://bidv.com.vn/bidv/tin-tuc/thong-tin-bao-chi/bidv-ngan-hang-dau-tien-phuc-vu-chuong-trinh-chuyen-nhuong-ket-qua-giam-phat-thai-tai-viet-nam