“Nóng” chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về những chiêu trò thao túng chứng khoán
Trong phiên chất vấn sáng nay (ngày 8/6), một trong những chủ điểm nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là tình trạng thao túng, làm giá, không minh bạch trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Thị trường chứng khoán đang phát triển đáng kể, nhưng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường này. Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán, có giải pháp gì để thị trường này phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?”, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) chất vấn tư lệnh ngành Tài chính, theo Văn phòng Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán (ảnh: Quốc hội) |
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Tài chính cho biết, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết. Nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi (ảnh: Quốc hội) |
Để khắc phục tình trạng trên, ông Phớc cho hay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu, để tránh bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng. Cùng với đó là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trái phiếu; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý, giám sát các tổ chức trung gian.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật; cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. |
“Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán…”, ông Phớc cho hay.
Cũng theo tư lệnh ngành Tài chính, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ...
“Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ…”, ông Phớc khẳng định.
Liên quan đến luân chuyển cán bộ, Bộ trưởng cho biết, công tác này được thực hiện minh bạch, công khai và công bằng. Cách luân chuyển cụ thể được tiến hành: đầu năm Bộ sẽ đưa ra danh sách luân chuyển cán bộ của năm sau. Khi thực hiện luân chuyển thì không có đơn thư kiện cáo. Công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Tài chính cơ bản thực hiện đúng chính sách, tiến độ theo quy định của pháp luật…/.
Bình luận