Phạt nặng các chủ thể cho mượn tài khoản, thao túng, rửa tiền trên TTCK
Đây là một trong những quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 31/12/2020.
Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có hiệu lực từ 01/01/2021. Nghị định có nhiều điểm mới, đặc biệt là bổ sung hình phạt tăng nặng với nhiều vi phạm và bổ sung việc xử phạt với một số chủ thể tham gia TTCK, như công ty kiểm toán, Sở GDCK Việt Nam và công ty con, tổ chức xã hội nghề nghiệp về chứng khoán…
Các giao dịch nhằm che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự sẽ bị phạt từ 400 - 500 triệu đồng
Theo Nghị định 156, nhà quản lý sẽ đình chỉ giao dịch chứng khoán trên các tài khoản nhà đầu tư cho người khác mượn để giao dịch chứng khoán hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng. Cùng với đó, sẽ phạt tiền (từ 70 đến 100 triệu đồng) nếu nhà đầu tư vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; vi phạm quy định về hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán, giao dịch ký quỹ chứng khoán, tài khoản giao dịch ủy quyền; vi phạm quy định về giao dịch trong ngày giao dịch hoặc trong đợt khớp lệnh định kỳ.
Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu thực hiện hành vi chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ vi phạm quy định tại Điều 31 Luật Chứng khoán sẽ bị xử phạt từ 100 đến 150 triệu đồng. Mức phạt tăng lên từ 400 đến 500 triệu đồng đối với hành vi thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh hoặc để hỗ trợ người khác trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Ngoài phạt tiền, với các giao dịch che dấu thông tin, người hành nghề chứng khoán sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng.
Nghị định trao quyền xử phạt đến 3 tỷ đồng cho Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với tổ chức vi phạm và phạt tiền tối đa đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cùng với đó, Chủ tịch UBCK có quyền đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 156.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền tối đa đến 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và phạt tiền tối đa đến 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 156 và phạt tiền tối đa đến 3 tỷ đồng đối với tổ chức; tối đa đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán;
Nghị định cũng quy định, việc sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, chủ thể vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Người hành nghề sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng nếu vi phạm điều này và bị buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả sẽ bị phạt từ 100-150 triệu đồng
Với vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, Nghị định cũng quy định phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm quy định.
Điểm mới trong Nghị định 156 là quy định cụ thể các vi phạm trong phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, nếu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền có thể bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với những công ty thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền. Nếu tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền, sẽ bị phạt từ 200 - 250 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
TTCK Việt Nam tăng trưởng về quy mô và số lượng thành viên tham gia trong những năm gần đây, nhưng hành vi vi phạm trên TTCK cũng gia tăng theo từng năm. Nhức nhối nhất là hiện tượng nhà đầu tư sử dụng hàng chục, vài chục tài khoản mang tên mình và mang tên người khác, liên tục tạo cung cầu giả để làm giá cổ phiếu. Với Nghị định mới bổ sung nhiều hình thức xử phạt, hy vọng sự minh bạch và liêm chính của TTCK sẽ được củng cố, tạo môi trường đầu tư bình đẳng cho mọi người tham gia./.
Bình luận