Các KCN tỉnh Hải Dương tạo sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư
Nhà máy trong KCN Đại An, tỉnh Hải Dương |
Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN
Thời gian gần đây, Hải Dương đã đón tiếp nhiều nhà đầu tư ở trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Hải Dương, trong đó các KCN có vị trí địa lý thuận lợi, được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp luôn là địa chỉ được các nhà đầu tư FDI quan tâm đặc biệt.
Công tác xúc tiến đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương được lãnh đạo tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm chú trọng và chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, Tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN theo quy chế đã được UBND Tỉnh ban hành; chủ động trong công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo điều kiện thuận lợi thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh. Đặc biệt, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan đầu mối về xúc tiến đầu tư của Tỉnh) trong xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh và đạt được kết quả rất đáng khích lệ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, từ ngày 01/01/2023 đến ngày 30/11/2023, Ban Quản lý các KCN thực hiện cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,05 tỷ USD cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, cấp mới 50 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 0,92 tỷ USD; điều chỉnh cho 27 lượt dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 0,13 tỷ USD.
Thực hiện cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6 nghìn tỷ đồng cho các dự án đầu tư trong nước (DDI). Trong đó, cấp mới 9 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,95 tỷ đồng; điều chỉnh cho 6 lượt dự án DDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,12 nghìn tỷ đồng). Ban hành thông báo/quyết định chấm dứt hoạt động của 9 dự án đầu tư; trong đó, có 7 dự án FDI chấm dứt hoạt động (4 dự án do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động và 3 dự án bị chấm dứt hoạt động do nhà đầu tư không được sử dụng địa điểm thực hiện dự án) với tổng vốn đầu tư 15,1 triệu USD; 2 dự án DDI chấm dứt hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 238 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Ban Quản lý các KCN đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn, dự án có công nghệ cao như: Dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm của Công ty hữu hạn tập đoàn Deli (Nhà đầu tư Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.500 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD tại KCN Đại An mở rộng; mỗi năm nhà máy cung cấp ra thị trường khoảng 187 triệu sản phẩm. Dự án của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET (Nhà đầu tư Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.820 tỷ đồng, tương đương 120 triệu USD tại KCN Cộng Hòa; dự án sản xuất tấm tế bào quang điện và tấm modul chuyển hóa năng lượng mặt trời khoảng 3GW/năm. Dự án của Biel Crystal (Singapore) Private Limited (Nhà đầu tư Singapore), với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.094 tỷ đồng, tương đương 260 triệu USD thực hiện tại KCN An Phát 1; dự kiến mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 518,7 triệu sản phẩm các loại thuộc lĩnh vực điện tử công nghệ cao. Dự án của Ce Link Limited (Nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.396 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD tại KCN An Phát 1; mỗi năm nhà máy cung cấp ra thị trường khoảng 183 triệu sản phẩm các loại thuộc lĩnh vực điện tử công nghệ cao.
Luỹ kế đến ngày 30/11/2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được 357 dự án đầu tư thứ cấp (gồm 283 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,9 tỷ USD và 74 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 12 nghìn tỷ đồng).
Đến nay có khoảng 288/357 dự án thứ cấp trong KCN Tỉnh đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt tỷ lệ gần 80,7% tổng số dự án thứ cấp trong KCN); sử dụng trên 10 vạn lao động trong và ngoài Tỉnh, với mức thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/tháng/người.
Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tăng thu cho ngân sách tỉnh; đặc biệt, các dự án FDI trong KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại, góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực về chất lượng; là một trong các nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong KCN tăng trưởng và phát triển. Doanh thu thuần lũy kế thực hiện hết Quý III năm 2023 đạt 3.975 triệu USD, ước thực hiện năm 2023 đạt 4.300 USD; Vốn đầu tư thực hiện lũy kế thực hiện hết Quý III năm 2023 đạt 393 triệu USD, ước thực hiện năm 2023 đạt 430 USD; giá trị hàng xuất khẩu lũy kế thực hiện hết Quý III/2023 đạt 5.030 triệu USD, ước thực hiện năm 2023 đạt 5500 USD; giá trị hàng nhập khẩu lũy kế thực hiện hết quý III/2023 đạt 1928 triệu USD, ước thực hiện năm 2023 đạt 2500 triệu USD; thuế và các khoản nộp NSNN lũy kế thực hiện hết quý III/2023 đạt 75 triệu USD, ước thực hiện năm 2023 đạt 85 triệu USD.
Phát triển KCN là hướng đi chiến lược để thúc đẩy kinh tế, xã hội Hải Dương
Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các KCN vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam (gồm 21 KCN và 3 KCN mở rộng (sau đây gọi chung là 24 KCN) với tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã thành lập 17 KCN với tổng diện tích quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha; trong đó, 12/17 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh, 4/17 KCN đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, 1/17 KCN đang triển khai các thủ tục có liên quan để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của 17 KCN đã thành lập đạt khoảng 53% (trong đó, tỷ lệ lấp đầy trung bình 12 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác kinh doanh khoảng 73%).
Nhận thức được vai trò của phát triển công nghiệp, Hải Dương luôn coi hợp tác đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; phát triển KCN là hướng đi chiến lược để phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hải Dương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu phấn đấu “Đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, trong giai đoạn tới, để các KCN của Tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả và đạt được những thành công theo đúng mục tiêu, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Hải Dương sẽ tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng 5 KCN đã thành lập; cùng với đó là yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng các KCN, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại với phương thức quản lý chuyên nghiệp, có giá thuê hạ tầng cạnh tranh với các địa phương khác.
Hai là, tiếp tục kế thừa những thành quả đã đạt được để phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh với mục tiêu mỗi KCN trở thành hạt nhân quan trọng trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, song song với việc phát triển các KCN, chính quyền địa phương cam kết dành sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho quy hoạch và phát triển các khu đô thị, dân cư, nhà ở, dịch vụ và các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ cho người lao động làm việc trong KCN nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững.
Ba là, Hải Dương có lợi thế hơn một số địa phương khác là thu hút được các dự án đầu tư của các tập đoàn có thế mạnh về phát triển công nghiệp phụ trợ như Sumitomo, Brother, Hyundai Kefico... đầu tư trên địa bàn. Vì vậy, Tỉnh sẽ tận dụng lợi lợi thế này để tiếp tục thu hút doanh nghiệp vệ tinh cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử, góp phần tạo động lực thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ tại địa phương.
Bốn là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước, công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm là, quản lý và chỉ đạo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN, đảm bảo 100% các KCN được xây dựng đồng bộ nhằm tạo dựng môi trường sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, đồng thời duy trì môi trường sống, sinh thái xung quanh KCN xanh, sạch đẹp, đảm bảo phát triển bền vững; quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các tiện nghi, tiện ích công cộng cần thiết cho người lao động trong KCN.
Một góc khu công nghiệp Tân Trường, tỉnh Hải Dương |
Với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về KCN của tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý các KCN Tỉnh cho biết năm 2024 Ban Quản lý tiếp tục bám sát các chỉ đạo lãnh đạo Tỉnh giao. Để thực hiện toàn diện nhiệm vụ được giao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, Ban Quản lý các KCN sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, phát huy hiệu quả mô hình Ban Quản lý KCN, KCX theo quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh. Tiếp tục tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện quy hoạch các KCN và quản lý hoạt động của các KCN theo nhiệm vụ được giao. Phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có KCN giải quyết kịp thời các yêu cầu, khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư; tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Tiếp tục phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở ngành, các huyện, thành phố và chủ đầu tư hạ tầng KCN trong công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ đầu tư KCN thi công hạ tầng theo tiến độ đăng ký, đảm bảo đúng quy định để nhanh chóng tạo ra bất động sản công nghiệp để thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn vào các KCN.
Tiếp tục tham mưu cho UBND Tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trường đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bình Giang (150 ha) khi đủ điều kiện theo quy định.
Tạo sức lan toả trong toàn Đảng bộ, toàn cơ quan; phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến trong nội lực để các KCN ngày càng phát triển bền vững theo hướng hiện đại đồng bộ, thân thiện với môi trường. Nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giải quyết công việc và giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan; thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát trình công bố, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính theo quy định.
Thống nhất, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng tinh thần “5 rõ”; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật; đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, thực sự đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh.
Tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, đặc biệt là các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, các dự án công nghiệp hỗ trợ, nhanh chóng lấp đầy diện tích KCN được bàn giao; đồng thời, đôn đốc các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát, xem xét cụ thể các dự án không còn khả năng tiếp tục thực hiện để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đảm bảo đúng quy định.Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, phối hợp quản lý tài nguyên môi trường và phòng cháy chữa cháy tại các KCN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án trong KCN nhất là đối với các dự án chuẩn bị triển khai xây dựng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, thực hiện ISO điện tử gắn với nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 của UBND tỉnh Hải Dương
Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các Khối thi đua đối với các doanh nghiệp trong các KCN nhằm kịp thời động viên các doanh nghiệp tiêu biểu và thúc đẩy phong trào thi đua, sản xuất trong các KCN./.
Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương Nguyễn Trung Kiên trao Giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại Gặp mặt kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương |
Bình luận