Sàn niêm yết Việt Nam vắng bóng cổ phiếu mới
Cổ phiếu niêm yết: HNX 350 mã, HOSE 400 mã...
5 tháng đầu năm 2022 chỉ có 5 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE |
Không riêng tháng 5/2022, sàn niêm yết Việt Nam thiếu vắng cổ phiếu mới trong nhiều tháng trở lại đây. Hàng tháng, cả hai Sở đều thực hiện công bố thông tin thống kê thị trường, nhưng tại HOSE, thống kê niêm yết chủ yếu là các chứng quyền, còn tại sàn HNX, hồ sơ đăng ký niêm yết hầu như là trái phiếu doanh nghiệp. Từ 1 năm nay, số mã cổ phiếu trên HOSE vẫn quanh 400 mã; còn tại HNX, số mã cổ phiếu niêm yết dừng ở dưới 350 mã. Vì sao lại có thực trạng này? Đây là câu hỏi rất đáng đặt ra khi tìm ra các giải pháp để TTCK Việt Nam phát triển từ nội lực, nuôi dưỡng sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, trước khi kỳ vọng đạt đến cái đích được nâng hạng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế.
Nhìn theo diễn tiến pháp lý, việc các doanh nghiệp không mặn mà nộp hồ sơ niêm yết trên sàn HNX là có thể hiểu được, khi Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) chỉ quy định 1 tiêu chuẩn niêm yết chung cho sàn HOSE, HNX, đồng thời quy định việc tái cấu trúc TTCK Việt Nam theo hướng, sàn HOSE là nơi tập trung giao dịch cổ phiếu; sàn HNX sẽ là nơi tập trung giao dịch phái sinh và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại sàn HOSE, tổng cộng 5 tháng đầu năm 2022 chỉ có 5 doanh nghiệp niêm yết (CTCP Điện lực; CTCP Minh Hưng Quảng Trị; CTCP Hạ tầng giao thông Đèo Cả; CTCP Phát điện 3; CTCP Công trình Viettel) là một thực tế cần lý giải, để có những giải pháp phù hợp thu hút doanh nghiệp lên sàn.
Theo ghi nhận từ thị trường, nửa đầu năm 2021, sàn HOSE gặp khó khăn trong việc xử lý lượng lệnh quá lớn từ nhà đầu tư, nên giai đoạn này, có những ý kiến cho rằng, sàn HOSE nên ngừng nhận hồ sơ niêm yết mới, có thể là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp “ngại” đưa cổ phiếu vào niêm yết. Từ nửa cuối năm 2021 đến nay, HOSE “thông sàn” giao dịch, nhưng các doanh nghiệp vẫn không nhiệt tâm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE. Ngoài lý do chủ quan là doanh nghiệp gặp thách thức trong kinh doanh vì Covid-19, còn có nhiều lý do khác, trong đó có việc Cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của một số lãnh đạo ngành chứng khoán, hay việc nhiều doanh nghiệp không cảm thấy lợi ích rõ ràng nếu đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết tại Việt Nam…
Một mảng hoạt động khác có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hoặc thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn. Tuy nhiên, đây lại là mảng có kết quả rất hạn chế không chỉ trong năm 2021 mà trong nhiều năm trước đó. Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phẩn hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng. Việc thoái vốn DNNN từ năm 2016 đến nay cũng chỉ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Với thực tế trên, sàn chứng khoán Việt Nam có quá ít cổ phiếu mới trong thời gian dài vừa qua. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Thành tích của thị trường hàng tháng, hàng năm được các bên liên quan ghi nhận bằng các tiêu chí như số nhà đầu tư mới (F0); thanh khoản; biến động của VN-Index…, trong khi các chỉ tiêu cốt lõi như số doanh nghiệp niêm yết mới; số vốn doanh nghiệp huy động được qua TTCK… thì rất ít được đề cập trong các báo cáo, đánh giá về TTCK Việt Nam.
Cần thêm giải pháp tạo hàng mới cho TTCK Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán từ nay đến cuối năm 2022 |
Ngày 30/5/2022, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022, trong đó có việc UBCK tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để TTCK Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. 5 nhiệm vụ khác gồm:
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK, nhất là qua 2 năm Covid vừa qua.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên TTCK;
Thứ ba, đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK…
Thứ tư, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho TTCK trong thời gian tới. Sở GDCK Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên TTCK; khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm có yếu tố hình sự cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên thị trường.
Như Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chỉ đạo, những giải pháp trên nhằm đảm bảo công tác quản lý điều hành thị trường đạt hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho TTCK phát triển ổn định, thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, với các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư, các giải pháp trên là chưa đủ. Điều chờ đợi nhất là TTCK có hàng hóa mới, chất lượng, để nuôi dưỡng sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán, đồng thời tăng cơ hội chọn lựa hàng tốt cho các nhà đầu tư, nhưng chưa được đề cập trong những giải pháp tới đây của ngành.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đến cuối năm 2021, cả 3 sàn (niêm yết HOSE, HNX và UPCoM) mới thu hút được 1.575 doanh nghiệp đưa cổ phiếu vào giao dịch. Ngoài con số này, UBCK cho biết, có 241 doanh nghiệp đã đăng ký công ty đại chúng, nhưng chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK. Như vậy, cộng dồn số doanh nghiệp trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM với doanh nghiệp đại chúng chưa lên sàn nhưng đã đăng ký đại chúng (tính đến cuối năm 2021), cả nước mới có chưa đầy 1.820 doanh nghiệp phải minh bạch thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán. Đặt con số 1.820 bên cạnh con số 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp niêm yết, đại chúng trong danh sách của UBCK còn quá nhỏ, chỉ chiếm 0,22% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Con số này có thể chưa bao quát, chưa cập nhất hết số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đại chúng trong nền kinh tế Việt Nam...
Trong khi số nhà đầu tư tăng rất nhanh trên TTCK Việt Nam thì số hàng hóa mới trên sàn không tăng, là một điểm lệch lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để TTCK hoạt động thông suốt, an toàn, Bộ Tài chính cần có thêm các giải pháp, các chỉ đạo tạo hàng mới cho TTCK và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gọi vốn qua TTCK, để cán cân cung - cầu trên thị trường cân bằng hơn, thu hút dòng vốn đầu tư thực chất và bền vững hơn. Việc tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết cũng là giải pháp để TTCK hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch, vốn được coi là một giá trị, một văn hóa riêng có mà TTCK tạo dựng trong nền kinh tế Việt Nam.
Tháng 5/2022, nhiều chỉ tiêu thị trường giảm mạnh
Sàn HOSE cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 05/2022, chỉ số VN Index đạt 1.292,68 điểm, giảm 5,42% so với tháng 04, tương ứng giảm 13,72% so với cuối năm 2021. Cùng với đà giảm của chỉ số chính, đa số chỉ số ngành cũng ghi nhận điều chỉnh giảm, trong đó các nhóm ngành giảm nhiều nhất bao gồm: ngành nguyên vật liệu (VNMAT) giảm 16,53%, ngành tài chính (VNFIN) giảm 9,68% và ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) giảm 6,42% so với tháng trước. Trong tháng, các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng, bao gồm: ngành năng lượng (VNENE) tăng 1,06%, ngành công nghệ thông tin (VNIT) tăng 3,22% và ngành dịch vụ tiện ích (VNUTI) tăng 4,41% so với tháng trước. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 05 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.951 tỷ đồng và 540,22 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 32,40% về giá trị và 20,98% về khối lượng so với tháng 04. Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt khoảng 299,02 tỷ đồng và 10,8 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 32,40% về giá trị và 20,98% về khối lượng so với tháng trước. Tính đến hết ngày 31/05/2022, sàn HOSE có 522 mã chứng khoán niêm yết trong đó gồm: 404 mã cổ phiếu, 02 mã chứng chỉ quỹ đóng, 09 mã chứng chỉ quỹ ETF, 102 mã chứng quyền có bảo đảm và 05 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 129,28 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,12 triệu tỷ đồng, giảm 5,46% so với tháng trước, đạt khoảng 61% GDP năm 2021 (GDP theo giá hiện hành). |
Bình luận