Sản xuất và tiêu dùng bền vững mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp
Phát triển bền vững là con đường tất yếu
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, trong xu thế phát triển của thế giới, sản xuất và tiêu dùng bền vững ngày càng được xã hội đặc biệt quan tâm, vì đây chính là hai khâu chốt yếu của tái sản xuất xã hội quyết định tính bền vững của tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được triển khai từ năm 2009. Sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại hội thảo.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hải Dũng, Chánh Văn phòng Sản xuất sạch hơn và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương cho biết thêm, thời gian qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo cơ sở pháp lý để triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững,như: Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg, ngày 17/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), trong đó đề ra mục tiêu phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam và thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; Quyết định số 76/QĐ-TTg, ngày 11/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các đạo luật, như: Luật Tiết kiệm năng lượng; Luật Bảo vệ môi trường…
Ông Đặng Hải Dũng khẳng định, những chính sách này đã góp phần thúc đẩy mô hình sản xuất tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực, phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về sản xuất tiêu dùng bền vững.
Nhấn mạnh sự quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng biên tâp Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những phương thức hiệu quả nhất để đạt được sự cân bằng các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là một cách tiếp cận nhằm đạt được kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, chi phí môi trường và xã hội trong tương lai cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Bà Thủy cho biết, trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, thì mục tiêu số 12 “sản xuất và tiêu dùng bền vững” có sự gắn kết với hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững khác, việc thực hiện mục tiêu 12 sẽ có tác động tới kết quả thực hiện các mục tiêu khác và ngược lại.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể áp dụng được ở mọi doanh nghiệp
Về thực tiễn triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn ở Việt Nam, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết, việc áp dụng sản xuất sạch hơn ở Việt Nam đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn đã diễn ra rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2017, đã có 41/63 địa phương có đầu mối về sản xuất sạch hơn; 22 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn 2016-2020. Đồng thời, gần 100 trung tâm (khuyến công, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn) triển khai tư vấn, hướng dẫn thực hiện sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn thu hút được sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo.
Ông Thịnh lấy ví dụ về sử dụng nước bền vững trong sản xuất và chế biến, đã áp dụng công nghệ mới để khống chế lưu lượng ở vòi rửa tay vừa đủ; dùng ống nước tiết diện phù hợp để rửa vệ sinh nhà xưởng, tưới cây hay sử dụng vòi rửa có đầu tăng áp…
Còn với tiêu dùng bền vững, thực hiện tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng đèn thắp sáng bằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng; tắt đèn ở những khu vực không sử dụng; tận dụng ánh sáng tự nhiên ở những khu vực có ánh sáng tự nhiên và hường xuyên làm vệ sinh bóng đèn và khung phản quang.
Ông Thịnh cho rằng, sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể áp dụng được ở mọi doanh nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp.
Với những lợi ích như vậy, song PGS, TS. Lê Xuân Đình cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cao, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp này chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào...
Chính vì vậy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, rất cần phải nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích của sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Bài học kinh nghiệm từ những doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng bền vững
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, bà Đào Thúy Hà, Giám đốc Marketing, Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, Traphaco luôn hướng tới chuỗi giá trị xanh bền vững, với tâm niệm nhìn vào mong muốn của người Việt Nam để thuốc Việt thực sự cho người Việt.
Theo khảo sát của Traphaco, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam với 44% số người được hỏi cho rằng, đây là mối quan tâm lớn nhất của họ. Họ mong muốn có được những sản phẩm an toàn cho người dùng và sẵn sàng chi trả thêm tiền để có sự an toàn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng mong muốn sự minh bạch trong các tiêu chuẩn sản xuất và sử dụng sản phẩm có cam kết bền vững.
Theo bà Đào Thúy Hà, sản xuất và tiêu dùng bền vững là con đường tất yếu để phát triển doanh nghiệp bền vững.
Bà Hà chia sẻ, những năm qua, Traphaco đã không ngừng gia tăng chuỗi giá trị xanh từ nguồn nguyên liệu đầu vào, chú trọng các dược liệu sạch, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường cũng như kiểm soát tác động môi trường bằng hệ thống xử lý nghiêm ngặt, như: tuân thủ quy định pháp luật về tài nguyên môi trường, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải thông minh, tự động kiêm soát online 24/7…
Bên cạnh việc phát triển bền vững dựa trên chuỗi giá trị xanh, Traphaco còn mang đến sinh kế bền vững tạo việc làm cho bà con dân tộc thiểu, hỗ trợ các nhóm yếu thế đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
“Với Traphaco sản xuất và tiêu dùng bền vững là con đường tất yếu để phát triển doanh nghiệp bền vững”, bà Hà khẳng định.
Ở một lĩnh vực sản xuất khác, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam chia sẻ, là một doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu sản phẩm ngao sạch, Công ty đã ứng dụng các dây chuyền sản xuất hiện đại, như: công nghệ làm sạch ngao, bể làm sạch nước thải, dây chuyền đóng gói ngao tươi sống… và hướng tới ngành công nghiệp nuôi ngao bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam.
Cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, ông Tạ Viết Hùng, Hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và Phát triển Bò Ba Vì cho biết, Hợp tác xã định hướng tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn, tự nhiên. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đưa công nghệ mới, công nghệ cao, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm đòn bẩy cho sự hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đế tiêu thụ sản phẩm./.
Bình luận