Sắp thêm nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Khai thác mạnh Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
“Việc thực hiện Đề án ‘Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030’ (Đề án 06) đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu...”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, khi chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án 06 vừa diễn ra, theo Bộ Công an.
Ý kiến phát biểu tại cuộc họp của đại diện các bộ, ngành khẳng định việc sớm triển khai kết nối dữ liệu và phát triển đồng bộ tại các bộ, ngành, các nhóm tiện ích sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cải cách hành chính, tăng hiệu quả công tác quản lý trong nhiều lĩnh vực.
Lãnh đạo nhiều bộ, ngành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPS |
Đến nay, Bộ Công an đã ban hành Thông tư về danh mục, sản phẩm được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành việc rà soát các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân với Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế.
Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành hướng dẫn các bộ, ngành địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; đã kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, một số nội dung đã vượt tiến độ đề ra, như: Đã kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Về nhiệm vụ thời gian tới, nhất là trong tháng 2 và tháng 3/2022, Tổ công tác xác định 7 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.
Việc đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu phải luôn được đặt lên hàng đầu, không tạo lỗ hổng để các đối tượng tấn công vào những tài nguyên quý giá này. Vì vậy, trước khi thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thì phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt đảm bảo về độ an toàn thông tin, đường truyền. Việc sử dụng kinh phí triển khai Đề án phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tránh thất thoát và chống lãng phí. Các văn bản pháp lý cần tập trung hoàn thiện sớm: ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa dữ liệu dân cư và các dữ liệu chuyên ngành. |
Theo Bộ Công an, đối với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong tháng 3/2022, Bộ sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai, phát triển hệ thống định danh và xác thực điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương.
Với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh như: ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, ví điện tử…), tài chính, viễn thông, điện, nước.
Về nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, bắt đầu cung cấp tài khoản định danh điện tử, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia đăng ký định đanh điện tử, phổ cập danh tính điện tử và được xác thực trên ứng dụng VNEID khi công dân có nhu cầu. Hạ tầng công nghệ thông tin của các hệ thống dữ liệu dân cư và căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được nâng cấp, mở rộng đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Đề án.
Thời gian tới, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, các đơn vị sẽ tiến hành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: dữ liệu thuế, dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, hộ tịch điện tử, giáo dục và đào tạo…
“Việc sử dụng Căn cước công dân thay cho thẻ Bảo hiểm y tế là điều rất đáng mong đợi trong việc thanh toán với lĩnh vực y tế. Việc đăng ký khám chữa bệnh online sẽ giúp người dân không phải chờ đợi, gây quá tải cục bộ khi đến khám vào cùng một thời điểm…”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị từng bộ, ngành là thành viên của Tổ công tác phải thể hiện tinh thần gương mẫu thực hiện trước, từ đó đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo. Ảnh: MPS |
“Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng nhiệm vụ của Đề án phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong tháng 2, tháng 3/2022...”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để khẩn trương thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo theo tiến độ chung của Đề án.
“Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, hàng tuần, tháng, quý và năm; xây dựng báo cáo tiến độ thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và theo lộ trình, gửi về Thư ký tổ giúp việc (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Giao Cơ quan Thường trực khẩn trương đề xuất thời gian làm việc của Tổ công tác đối với các bộ, ngành, địa phương cụ thể để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện các nhiệm vụ Đề án theo đúng tiến độ...”, ông Lâm lưu ý./.
Bình luận