Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển
Tạo thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả
Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9/2022, sáng nay (ngày 20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự án Luật bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới (ảnh: Quốc hội) |
Việc sửa đổi Luật còn nhằm hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác…
“Dự án luật bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới; đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; kế thừa tối đa quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác do Liên minh Hợp tác xã quốc tế đưa ra trong thế kỷ XXI…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi (ảnh: Quốc hội) |
Hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn. Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án Luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật theo quy định…
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đặc thù đối với hợp tác xã quy định ngay tại dự thảo Luật này hay dẫn chiếu hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
“Đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã như: các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác; việc đăng ký của tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý nhà nước đối với tổ hợp tác…”, ông Thanh lưu ý./.
Bình luận