Tạo khuôn khổ pháp lý để thực thi đầy đủ cam kết về đấu thầu theo CPTPP, EVFTA, UKVFTA
Nhiều quy định về đấu thầu mua sắm sẽ có sự điều chỉnh theo các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA |
Ngày 12/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung Nghị định này quy định về mua sắm công đối với việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA nêu tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 như sau: cơ quan mua sắm là cơ quan, tổ chức được liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định được giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu của dự án, dự toán mua sắm. Nước thành viên là quốc gia, vùng lãnh thổ thỏa mãn một trong các điều kiện sau: Ký kết Hiệp định CPTPP ngày 08/3/2018 và tại thời điểm phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu của gói thầu, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với nước đó (Nước thành viên Hiệp định CPTPP); Áp dụng Hiệp ước Liên minh Châu Âu và Hiệp ước về Chức năng của Liên minh châu Âu (Nước thành viên EU); Vương quốc Anh, Bắc Ai-len…
Nghị định sửa đổi bổ sung Điều 4 về đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế như sau: khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu.
Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, cơ quan mua sắm thực hiện như sau: Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu; Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu; Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu; Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ thuộc mã CPC 75231 (các dịch vụ mạng dữ liệu), CPC 75232 (các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử), CPC 84 (dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan) quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu trong nước tham dự thầu.
Nghị định sửa đổi có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo khuôn khổ pháp lý để thực thi đầy đủ, có trách nhiệm cam kết về đấu thầu của Việt Nam tại các hiệp định: CPTTP, EVFTA và UKVFTA, tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước, cũng như từ các nước thuộc Liên minh châu Âu, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tìm hiểu quy định một cách dễ dàng, bảo đảm môi trường đấu thầu cạnh tranh, minh bạch. |
Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa, cơ quan mua sắm thực hiện như sau: Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu; Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu; Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu.
Sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 29 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu như sau khi tính toán giá gói thầu nhằm xác định gói thầu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này hay không, phải tính toán tổng giá trị ước tính tối đa của gói thầu trong toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng, bao gồm tất cả các loại thù lao, phí, lệ phí, hoa hồng, lợi tức hoặc các nguồn thu khác có thể được chi trả theo hợp đồng; trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm quy định tại khoản 3 Điều này thì phải cộng giá trị của tùy chọn mua thêm vào giá gói thầu để so sánh với ngưỡng giá gói thầu nêu tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này.
Bổ sung Điểm e vào Khoản 2 về giá gói thầu, đối với gói thầu mua sắm tập trung, gói thầu chia phần để mua hàng hóa, dịch vụ lặp đi lặp lại hàng năm, việc xác định giá gói thầu căn cứ vào các nội dung sau: Nhu cầu sử dụng trong một năm để tránh chia nhỏ gói thầu; Kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng của hàng hóa, dịch vụ tương tự trong vòng 12 tháng trước thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường. Trường hợp không có kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng, căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu không qua mạng hoặc căn cứ tối thiểu 03 báo giá trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường hoặc giá được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp công bố được khai thác qua mạng Internet.
Về nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu bổ sung Khoản 5 vào Điều 39 như sau trừ gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu nêu trong hồ sơ mời thầu sẽ không bị loại ngay trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm. Bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu đề xuất nhân sự, thiết bị thay thế trong một khoảng thời gian phù hợp để bên mời thầu xem xét, đánh giá. Nhà thầu không đề xuất nhân sự, thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại…
Sửa đổi bổ sung Điều 102 về quy định chuyển tiếp, đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp với quy định của Nghị định này thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu cho phù hợp.
Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng có thời điểm đóng thầu sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và chưa đến thời điểm đóng thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp hoặc trái với quy định của Nghị định này thì phải sửa đổi cho phù hợp. Trong trường hợp này, chủ đầu tư, bên mời thầu phải dành cho nhà thầu một khoảng thời gian hợp lý để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu.
Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã mở thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu nhưng phải bảo đảm không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA.
Nghị định cũng bổ sung cụm từ “, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA” vào sau cụm từ “Hiệp định CPTPP” tại khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 27, khoản 5 Điều 81, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 100 và Điều 101. Đồng thời, thay thế các Phụ lục I, II và III và bãi bỏ các Phụ lục IV, V, VI và VII.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã hoàn thiện nội dung Dự thảo Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, EVFTA, UKVFTA và Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Dự kiến, sau khi Nghị định sửa đổi và Thông tư hướng dẫn được ban hành sẽ bổ sung những nội dung phải tuân thủ khi lựa chọn đấu thầu trong EVFTA và UKVFTA. nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 95/2020/NĐ-CP, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với nội dung cam kết theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. Điều này bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật.
Theo các chuyên gia, Nghị định sửa đổi có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo khuôn khổ pháp lý để thực thi đầy đủ, có trách nhiệm cam kết về đấu thầu của Việt Nam tại các hiệp định: EVFTA và UKVFTA, tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước cũng như từ các nước thuộc Liên minh châu Âu, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tìm hiểu quy định một cách dễ dàng, bảo đảm môi trường đấu thầu cạnh tranh, minh bạch. Đồng thời góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia CPTPP, EVFTA, UKVFTA./.
Bình luận