Theo báo cáo vừa mới công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2020, bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng

Nhờ vậy, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Bảy và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 12%; năm 2017 tăng 6,4%; năm 2018 tăng 9,7%; năm 2019 tăng 4,7%; năm 2020 tăng 27,2%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 43,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%).

Tính riêng vốn trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, các bộ có tốc độ giải ngân tăng so với cùng kỳ là: Bộ Giao thông Vận tải đạt 8.340 tỷ đồng, bằng 41,6% và tăng 91,7%; Bộ Y tế 2.313 tỷ đồng, bằng 34,7% và tăng 36,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.761 tỷ đồng, bằng 39,6% và tăng 34,1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 959 tỷ đồng, bằng 31,3% và tăng 84,4%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 432 tỷ đồng, bằng 27,3% và tăng 4,6%.

Các bộ có tốc độ giải ngân giảm so với cùng kỳ là: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 229 tỷ đồng, bằng 31,7% và giảm 21,1%; Bộ Công Thương 163 tỷ đồng, bằng 37,7% và tăng 58,9%; Bộ Xây dựng 112 tỷ đồng, bằng 31,5% và tăng 25,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 91 tỷ đồng, bằng 32% và giảm 31,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 43 tỷ đồng, bằng 30,8% và giảm 24,5%.

Trong 7 tháng đầu năm, vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 113,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% và tăng 21,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% và tăng 24,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng 24,4%.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lớn cũng có khởi sắc. Cụ thể như: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%; Bình Dương 5.468 tỷ đồng, bằng 41% và tăng 9,8%; Thanh Hóa 5.467 tỷ đồng, bằng 53,3% và tăng 29,2%; Hải Phòng 4.279 tỷ đồng, bằng 53% và tăng 3,7%; Nghệ An 4.215 tỷ đồng, bằng 54,3% và tăng 39,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 4.115 tỷ đồng, bằng 42,4% và tăng 11,7%; Bắc Ninh 3.571 tỷ đồng, bằng 60,6% và tăng 35%.

Trước đó, Sáng 16-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công là "cứu cánh" trong bối cảnh với đại dịch Covid-19, do đó, phải nhận thức ý nghĩa này để có quyết tâm chính trị cao hơn nữa của mọi cấp ủy, chính quyền các địa phương; từ đó thấy rõ trách nhiệm của các Tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố để có hành động quyết liệt.

Thủ tướng nêu rõ, năm nay, chúng ta phải giải ngân 28 tỷ USD, tương đương hơn 633 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các địa phương chiếm gần 80%, Trung ương và các bộ, ngành hơn 20%. Qua đây cho thấy, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập, nhất là giải ngân vốn ODA là tệ nhất. Giải ngân thời gian qua là kém, nhưng năm nay, giải ngân tốt hơn năm trước. Bên cạnh đó, nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể nhưng nhiều địa phương còn trì trệ, không năng động, không chỉ đạo, không bám vào để chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu "không nói chung chung", phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, người trực tiếp làm. Chúng ta phải nhận thức rõ được những bất cập tồn tại để quyết liệt hơn.

Thủ tướng đề nghị cả nước, từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước trong giải ngân vốn đầu tư công đầu tư tư nhân, FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục tồn tại để làm tốt hơn giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư xã hội. Các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể trong việc GNVĐTC và đầu tư xã hội; chương trình này phải được viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm người đứng đầu phải được xem xét, đánh giá cán bộ. Chỉ còn 25 đến 26 tuần nữa là kết thúc năm 2020; do đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương báo cáo hai tuần một lần về tình hình giải ngân.

Với luật pháp hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không giải ngân được sang có khả năng giải ngân, nhất là nguồn vốn T.Ư, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA bắt đầu từ đầu tháng 8 tới; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; xử lý ách tắc từng địa phương, từng ngành, đưa ra những biện pháp cần thiết. Tỉnh kiểm tra đến huyện, xã; Trung ương sẽ kiểm tra các bộ, ngành trọng điểm, nhất là các tỉnh giải ngân chậm. Phân công trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc cụ thể; phải lo làm việc, nếu trì trệ sẽ bị kiểm điểm. Việc giải ngân gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật; đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ; đi liền kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan không hoàn thành nhiệm vụ. Phải có chế tài nghiêm, không thể để tình trạng "ngâm" mãi, không chịu giải ngân, có khối lượng mà không thanh toán. Các địa phương phải đôn đốc, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng cũng yêu cầu, công khai, minh bạch, biểu dương những ngành, đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình, lên án công khai trên báo chí, truyền hình những ngành, địa phương không làm tốt. Lãnh đạo huyện phải biết vướng giải tỏa mặt bằng do đâu, do ai? Việc này cần phải được làm nghiêm, thể hiện phẩm chất, năng lực cán bộ trong thực thi công vụ. Kiên quyết xử lý các bộ phận, cá nhân vô trách nhiệm./.