Bức tranh kinh tế miền Trung và Tây Nguyên

10/19 lãnh đạo tỉnh, thành phố thuộc khu vực kinh tế miền Trung và Tây Nguyên đã trực tiếp báo cáo về tình hình phát triển kinh tế 8 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, khó khăn, vướng mắc và khả năng về đích mục tiêu năm 2021, kế hoạch năm 2022 tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 15/9/2021. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì, nằm trong chuỗi sự kiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức để thúc đẩy các vùng, miền xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022.

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Xây giải pháp cần trúng, đúng và hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị sáng 15/9/2021 (ảnh Đức Trung)

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Gia Lai… chia sẻ những kết quả tích cực mà địa phương đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, 2 tháng vừa qua, do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tư công cũng như hoạt động của khối kinh tế tư nhân bị ngưng trệ, khiến tình trạng suy giảm tăng trưởng diễn ra phổ biến. Cá biệt, trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Tỉnh Khánh Hòa dự kiến tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2021.

Trong bức tranh chung của toàn vùng, tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho biết, GRDP của vùng miền Trung 6 tháng ước đạt 6,4% cao hơn bình quân cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm như Quảng Nam (11,72%); Thanh Hóa (8,66%); Nghệ An (7,58%); Bình Thuận (7,53%)… Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi khó khăn do dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghiệp một số địa phương gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, vận chuyển gặp khó khăn. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp là TP. Đà Nẵng (4,99%), Quảng Ngãi (4,03%) và Khánh Hòa (0,49%). Nguy cơ thiếu hụt lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao do các doanh nghiệp dừng hoạt động. Người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, kéo dài.

Ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, khu vực miền Trung và Tây Nguyên dự kiến có 4/11 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP); Quy mô GRDP; GRDP bình quân đầu người; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đầu tư công: Nhiều địa phương đặt mục tiêu về đích năm 2021

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương báo cáo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn tiến thực tế về giải ngân vốn đầu tư công cập nhật đến tháng 9/2021.

Cụ thể, tính Thanh Hóa đến nay đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 72% con số được giao năm 2021. Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa cho biết, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành 100% tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. “Bên cạnh việc thúc đẩy việc giải ngân các dự án hiện hành, Tỉnh cũng sẽ quyết liệt điều chuyển vốn từ các dự án có dấu hiệu ngưng trệ sang các dự án có tiến độ giải ngân vốn khả thi hơn”, ông Thi nói.

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Xây dựng giải pháp cần trúng, đúng và hiệu quả
8 tháng năm 2021, vùng miền Trung giải ngân đạt 33.144,581 tỷ đồng, chiếm 48,67% kế hoạch giao

Tại Tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó chủ tịch Tỉnh cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đến nay đã đạt 44% kế hoạch. Dù gặp nhiều khó khăn do Lâm Đồng là tỉnh giáp ranh với 7 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch, nhưng Lâm Đồng kiên quyết bảo vệ vùng xanh, tiếp tục hỗ trợ nông sản cho các địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, nhất là TP. HCM và kiên quyết thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ông Phạm S cho biết, Tỉnh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 60% kế hoạch được giao vào cuối tháng 9/2021. Tuy nhiên, ông Phạm S cũng phản ánh, Lâm Đồng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có việc chưa phân định rõ, lúc nào thì dự án thực hiện theo cơ chế đấu giá, lúc nào thì đấu thầu và lúc nào thì chấp nhận chủ trương đầu tư…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận thì cho biết, đến ngày 30/8/2021, Tỉnh đã giải ngân được 44,5% tổng vốn đầu tư công được giao năm 2021. Ninh Thuận đặt quyết tâm đạt 60% giải ngân vốn đầu tư công vào 30/9/2021 và bày tỏ kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế giá điện Mặt Trời, vì Tỉnh đang có 5 dự án chờ đợi quyết sách này. Ninh Thuận đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giao kế hoạch đầu tư công 2022; chốt kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025) để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai. Báo cáo sáng 15/9 của tỉnh này cho biết, Ninh Thuận là một trong các tỉnh có tăng trưởng kinh tế rất cao, 6 tháng đầu năm 2021, GRDP đạt 14,5%. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của đại dịch, nên Ninh Thuận dự báo tăng trưởng GRDP cả năm có thể chỉ đạt 8,81% và có tới 7/13 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đã định.

Ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai báo cáo, Gia Lai đã đạt 43% tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và cũng quyết tâm phấn đấu đến 30/9 đạt 60%. Trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, ông Phước Thành cho biết, dự toán vốn đầu tư công năm 2022 sẽ khoảng 3.600 tỷ đồng, trong đó vốn từ Trung ương khoảng 1.200 tỷ đồng. "Nguồn vốn từ đầu tư công sẽ giúp Gia Lai thực thi kế hoạch tăng trưởng GRDP 8% năm 2022", ông Thành nói.

Tại Hà Tĩnh, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 450 ca nhiễm Covid-19, nhưng 12 ngày qua thì không phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng. Với việc giữ được an toàn trong đại dịch, Hà Tĩnh quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 2021 (hiện nay đã đạt trên 60%) và hiện thực hóa các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Tỉnh. Tuy nhiên, Hà Tĩnh hiện có gần 100 dự án bị vướng trong hoạt động đầu tư và kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, gỡ vướng thông qua việc hướng dẫn hoặc đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách, hỗ trợ địa phương vượt khó.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng kiến nghị, Bộ sớm xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch, để các địa phương có căn cứ xây dựng phương án cho địa bàn mình, đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng tại Hà Tĩnh, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong bối cảnh đại dịch tăng trên 22% kể từ đầu năm 2021 đến nay, cho thấy, rất cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời để phục hồi hoạt động của khu vực kinh tế này.

Một số địa phương nêu khó khăn về giải ngân vốn ODA, kiến nghị cần sớm chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, vì đã sắp hết năm 2021…

Trong bức tranh chung 8 tháng năm 2021, vùng miền Trung giải ngân đạt 33.144,581 tỷ đồng, chiếm 48,67% kế hoạch giao, cao hơn số giải ngân bình quân chung của khối địa phương (42,92%), thấp hơn so với số giải ngân bình quân chung khối địa phương cùng kỳ năm 2020 (49,11%). Có 8/14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% như: Thanh Hóa (72,1%), Hà Tĩnh (66,25%); Các địa phương đạt giải ngân từ trên 40% gồm: Nghệ An (53,93%), Quảng Ngãi (51,24%), Thừa Thiên Huế (48,72%), Bình Định (45,13%), Đà Nẵng (44,88%), Phú Yên (42,22%).

Có 5/14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, cụ thể: Bình Thuận (38,98%), Khánh Hòa (38,06%), Quảng Nam (34,62%), Quảng Trị (33,6%), Ninh Thuận (38,98%).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp là các địa phương trong Vùng đang thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19; năm 2021 là năm đầu kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải thực hiện triển khai kế hoạch đầu tư công theo Luật Đầu tư công năm 2019 (các dự án khởi công mới kế hoạch năm 2021 phải được giao kế hoạch trung hạn 2021-2025), vùng Miền Trung hiện nay còn 28 dự án khởi công mới chưa triển khai giao kế hoạch 2021; (3) Biến động về giá nguyên vật liệu xây dựng, nhất là sắt, thép xây dựng, cát, sỏi… chi phí vận chuyển cũng tăng cao do khó khăn đi lại trong đại dịch…

Xây dựng giải pháp trúng, đúng và hiệu quả

Lắng nghe các địa phương báo cáo, chia sẻ khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội và giải ngân vốn đầu tư công sáng 15/9/2021, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, bên cạnh các giải đáp trực tiếp tại sự kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có trả lời bằng văn bản đến các địa phương. Những nội dung nào có thể hướng dẫn, làm rõ cách hiểu thì sẽ hướng dẫn cho địa phương hiểu rõ. Những nội dung khác, Bộ sẽ tổng hợp và kiến nghị đến Chính phủ thông qua 2 Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, bối cảnh kinh tế thế giới có thể sẽ khó khăn kéo dài do đại dịch diễn biến khó lường và phức tạp. Các biến chủng mới xuất hiện tạo nên những thách thức mới cho công tác chế tạo vaccine. Tuy nhiên, kịch bản chung cho thấy, các quốc gia đều dần mở cửa trở lại, thực hiện mạnh chính sách an sinh và phát triển kinh tế theo hướng “sẵn sàng sống chung, lâu dài với đại dịch”. Theo đó, nhiều dự báo cho rằng, kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi, nhưng chậm và có sự phân hóa lớn giữa các quốc gia.

Điều có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là việc một số tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng thiết lập lại trật tự thương mại, cơ cấu lại các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt tình hình và có giải pháp phù hợp. Một xu hướng đáng chú ý khác là việc các nền kinh tế sẽ thúc đẩy rất mạnh những hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh “sống chung với Covid-19”. Cụ thể là các ngành kinh tế số, thương mại điện tử…, mở ra những cơ hội mới trong bức tranh kinh tế tới đây.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng chia sẻ, Chính phủ rất thấu hiểu sự khó khăn của các địa phương khi vừa phải phòng, chống đại dịch, vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế. Dù khó khăn, nhưng kết quả thực hiện của các tỉnh, thành phố tại vùng miền Trung và Tây Nguyên có nhiều điểm tích cực, đáng ghi nhận. Các giải pháp tới đây của khu vực này, theo Thứ trưởng, cần tập trung vào 2 nhóm. Nhóm một là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nhóm hai là thúc đẩy đầu tư công để góp sức cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dựa trên nền tảng pháp lý, các chính sách hỗ trợ, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, điều ông Trần Duy Đông lưu ý là các địa phương cần xây dựng giải pháp trúng, đúng và hiệu quả. Đặc biệt, mục tiêu, kế hoạch đưa ra phải sát với thực tế năng lực thực hiện, nhất là đối với đầu tư công, đầu tư từ nguồn vốn ODA, để tránh đi tình trạng giao vốn rồi lại phải trả lại vốn.

Việc xây dựng kế hoạch, báo cáo mục tiêu phải sát với thực tế cũng là điểm mà đại diện Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ tại Hội nghị sáng 15/9/2021, để không xảy ra việc tại thời điểm tháng 9, chúng ta đặt ra mục tiêu khả quan, nhưng đến cuối năm lại khó hoàn thành.

“Hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất đổi mới, rất hiệu quả”

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Xây giải pháp cần trúng, đúng và hiệu quả

Ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Chúng ta phải tổ chức hội nghị trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng tôi thấy, Hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất đổi mới, rất hiệu quả. Về phía Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho phát triển kinh tế Đất nước. Trong bối cảnh đại dịch xảy ra, Quốc hội cũng thành lập 1 Tổ công tác đặc biệt để lắng nghe và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Về đầu tư công, diễn tiến giải ngân và quyết tâm của các tỉnh, thành phố vùng miền Trung và Tây Nguyên nhìn chung là tích cực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều nỗ lực, xứng đáng được đánh giá cao trong việc thúc đẩy mảng công việc này. Năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030, nên chúng tôi mong rằng, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa để góp sức đạt các mục tiêu đề ra. Đại dịch mang đến rất nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, khi bối cảnh này buộc chúng ta phải sáng tạo, phải tìm ra các cách làm mới.

Bên cạnh các giải pháp chính sách hiện hành để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đưa ra các giải pháp để giải quyết được 4 vấn đề lớn. Để Nghị quyết đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, tôi cho rằng, cần có sự hướng dẫn tiếp theo của Bộ, sự nỗ lực của các chính quyền địa phương.

Chúng tôi cũng mong rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương nỗ lực hoàn tất việc xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương, của Đất nước và quan tâm, thúc đẩy việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, cần theo sát sự chuyển biến của kinh tế thế giới, đặc biệt là dòng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, để có giải pháp, kiến nghị phù hợp./.