Tiềm năng, lợi thế và một số định hướng lớn phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
TIỀM NĂNG, LỢI THẾ CỦA VÙNG
Vùng Đông Nam Bộ có rất nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội
- Về vị trí địa lý, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm về mặt địa lý của khu vực ASEAN. Tiếp giáp với biển Đông, có vị trí thuận lợi xây dựng cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Vùng kết nối thuận tiện trong nước, quốc tế bằng cả 5 phương thức vận tải. Đông Nam Bộ tiếp giáp và là cầu nối của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
- Đông Nam Bộ có địa hình đơn giản, độ bằng phẳng cao, phần lớn là đồng bằng, bán bình nguyên; nền đất chắc chắn thuận lợi cho xây dựng các công trình hạ tầng. Diện tích đất phù hợp trồng một số cây công nghiệp quan trọng, như: cao su, điều (chiếm khoảng 60% về diện tích so với cả nước). Khí hậu cận xích đạo với nhiệt độ cao, lượng mưa dồi dào, tương đối điều hòa, ít có thiên tai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ổn định các hoạt động sản xuất nông nghiệp và bố trí dân cư. Tài nguyên nước tương đối dồi dào, từ hệ thống sông Đồng Nai lớn thứ 3 cả nước; đủ nước cung cấp cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; cơ bản không xảy ra tình trạng thiếu nước.
- Vùng có tài nguyên biển phong phú, hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế biển: tài nguyên dầu mỏ, khí đốt là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia; có tài nguyên hải sản tạo thành 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước; tài nguyên du lịch biển, đảo tạo nền tảng cho phát triển ngành du lịch.
- Vùng có nguồn nhân lực dồi dào, quy mô lực lượng lao động khoảng 10,16 triệu người (năm 2022), tốc độ tăng lực lượng lao động cao nhất cả nước. Chất lượng của lực lượng lao động cao hơn nhiều vùng khác, đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao. Có tài nguyên nhân văn phong phú; truyền thống cách mạng, kiên cường, hào hùng, vẻ vang. Con người vùng Đông Nam Bộ cần cù, đổi mới, sáng tạo; có tinh thần doanh nhân vượt trội.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ cũng có một số khó khăn, hạn chế:
- Vùng thường xảy ra úng ngập, nhất là khu vực TP. Hồ Chí Minh, một phần do triều cường. Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rủi ro xâm nhập mặn tăng cao, số ngày khô liên tục tăng lên.
- Khoáng sản quy mô lớn có khả năng khai thác cho sản xuất công nghiệp không nhiều. Sản lượng dầu khí đã đạt đỉnh vào năm 2004 với 18,8 triệu tấn, năm 2010 là 8,7 triệu tấn, năm 2015 là 7,7 triệu tấn, năm 2022 là 4,2 triệu tấn. Ngoài dầu khí, còn lại nhiều khoáng sản phân bố phân tán, nhỏ lẻ, phù hợp với đầu tư khai thác, chế biến ở quy mô nhỏ và vừa.
- Lao động di cư đến vùng lớn, tuy nhiên tỷ lệ lao động di cư có trình độ cao không nhiều. Chất lượng lao động tuy cao hơn các vùng khác, nhưng vẫn thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vùng năm 2020 là 29,5%, năm 2022 đạt 28,2% (vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2020 là 32,6%; năm 2022 là 37,1%).
- Tỷ lệ che phủ rừng thấp. Tỷ lệ che phủ rừng của Vùng năm 2021 là 19,4%, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước (42%), chỉ cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (5,8%).
Thay mặt đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang báo cáo về nội dung chính của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP |
QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
Quan điểm
Quan điểm phát triển
- Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế khác. Phát triển vùng Đông Nam Bộ bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các quy hoạch cấp quốc gia, phù hợp với chiến lược về phát triển kinh tế số, xã hội số, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
- Đổi mới tư duy và tầm nhìn; chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội; tạo các cơ chế, chính sách, giải pháp để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới; tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển. Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương; phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển Vùng.
- Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế; phát triển Vùng nhanh, hiệu quả và bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển; chú trọng phát triển kinh tế ban đêm. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao.
- Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững. Các doanh nghiệp trong Vùng phải đi đầu trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải lấy con người làm trung tâm. Khắc phục tình trạng quá tải trong cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đi đôi với không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ. Nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc tại địa bàn Vùng. Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong xây dựng và phát triển vùng.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2030 - Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8%-9%, trong đó Tiểu vùng trung tâm tăng trưởng 8,5%-9%/năm; - GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 14.500-16.000 USD; - Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%-75%; - Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8; - Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40%-45%. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống khoảng 5% trong tổng số lao động làm việc; - Có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 2 trường đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; 6-7 ngành được xếp hạng trong số 300 ngành tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín; - Đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%; - Hoàn thành đường vành đai 3, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l; - 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; - Trên 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; - 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. |
Quan điểm về tổ chức không gian phát triển
- Tổ chức không gian phát triển Vùng gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng.
- Mở rộng không gian phát triển trên cơ sở tập trung xây dựng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông kết nối vùng và liên vùng. Phát huy vai trò của các hành lang kinh tế và vùng động lực quốc gia trên địa bàn vùng để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả liên kết liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ. Chú trọng kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế, đặc biệt là liên kết trong khu vực ASEAN.
- Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác; tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh Vùng. Phát triển nhanh, bền vững, hài hoà giữa các tiểu vùng, các địa phương trong Vùng; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong Vùng.
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; chú trọng bảo vệ rừng, tài nguyên biển, bảo đảm an ninh nguồn nước.
- Tổ chức không gian phát triển vùng phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, không gian trên cao. Khai thác hiệu quả tài nguyên số, không gian số để tạo ra không gian phát triển mới. Phát triển kinh tế - xã hội Vùng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Mục tiêu và tầm nhìn
Mục tiêu phát triển Vùng đến năm 2030
Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; phấn đấu đến năm 2030 đạt ngưỡng thu nhập cao. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2050
Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao ngang bằng với các nước phát triển; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ CỦA VÙNG TRONG THỜI KỲ 2021-2030
- Chuyển đổi mô hình phát triển của Vùng từ phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo mô hình truyền thống sang mô hình công nghiệp công nghệ cao - dịch vụ hiện đại văn minh - nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới, như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (trở thành trung tâm tài chính toàn cầu)... Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới, như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; trong đó, lấy kinh tế số là trọng tâm, tạo động lực mới cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững Vùng.
- Hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bố trí hợp lý trong không gian thống nhất của Vùng và được thông minh hóa dựa trên công nghệ số; góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng hàng không của Vùng và kết nối liên vùng. Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Phát triển hạ tầng số (bao gồm: hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, tạo nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế và cung cấp các dịch vụ xã hội cho các tầng lớp nhân dân. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai bảo đảm các điều kiện cho phát triển bền vững.
- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, trong đó ưu tiên Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường vành đai 3, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng, bố trí hợp lý hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ lớn.
- Phát triển vùng động lực tại khu vực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng quốc gia. Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
- Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hạn chế sự phát triển chồng chéo, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh… giữa các địa phương trong Vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng. Khuyến khích tư duy liên kết phát triển, tập trung liên kết để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển dọc theo các hành lang kinh tế; phân bố lại không gian sản xuất công nghiệp (bố trí lại và đổi mới mô hình phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất) gắn với phát triển đô thị hiện đại; phát triển dịch vụ logistics, du lịch; khai thác không gian phát triển gắn với sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; xử lý các vấn đề môi trường liên tỉnh, liên vùng. Bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền trung ương - địa phương - cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ./.
TS. TRẦN HỒNG QUANG - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
ThS. NGUYỄN VIỆT DŨNG - Phó Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển vùng, Viện Chiến lược phát triển
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)
Bình luận