Nguyễn Thị Sương

Khoa Kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Email: nguyenthisuongkh@gmail.com

Tóm tắt

Kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược được xem là một bộ phận của kế toán quản trị chiến lược, cung cấp các công cụ và phương pháp nhằm thu thập, phân tích và báo cáo thông tin tài chính cũng như phi tài chính liên quan đến các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Cadez và Guilding (2007), hiện nay có 16 kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược phổ biến, trong đó bao gồm 7 kỹ thuật thuộc nhóm kế toán quản trị chiến lược chi phí. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích và trao đổi về các kỹ thuật thuộc nhóm kế toán quản trị chiến lược chi phí.

Từ khóa: Kế toán quản trị, kế toán quản trị chiến lược chi phí, thông tin tài chính

Summary

Strategic management accounting techniques are considered a component of strategic management accounting, providing tools and methods for collecting, analyzing, and reporting financial and non-financial information related to a firm's strategic objectives. According to the study by Cadez and Guilding (2007), there are currently 16 widely used strategic management accounting techniques, among which 7 techniques are under the category of strategic cost management accounting. This article focuses on analyzing and discussing the techniques within the group of strategic cost management accounting.

Keywords: Management accounting, strategic cost management accounting, financial information

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kế toán quản trị chiến lược (SMA) là một phần quan trọng trong lĩnh vực kế toán quản trị, tập trung vào việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định quản trị chiến lược và kiểm soát hiệu quả của một tổ chức. Nói cách khác, SMA là một phương pháp quản lý trong kế toán, sử dụng cả thông tin tài chính và phi tài chính để phục vụ quá trình ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp.

Kỹ thuật SMA được xem là thành phần cốt lõi của SMA, cung cấp các công cụ và phương pháp nhằm thu thập, phân tích và báo cáo thông liên quan đến các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Khi xem xét các thành phần của kỹ thuật SMA, nhiều danh mục kỹ thuật khác nhau đã được đề xuất, phản ánh các góc nhìn đa dạng của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể chia ra 5 nhóm kỹ thuật liên quan đến SMA gồm: Nhóm kỹ thuật chi phí; Nhóm lập kế hoạch, kiểm soát và đo lường hiệu quả hoạt động; Nhóm ra quyết định chiến lược; Nhóm kế toán đối thủ cạnh tranh; Nhóm kế toán khách hàng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung phân tích và trao đổi về các kỹ thuật thuộc nhóm SMA chi phí.

CÁC KỸ THUẬT CỦA KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC CHI PHÍ

Có nhiều kỹ thuật SMA khác nhau đã được phát triển trong vài thập kỷ qua, và nhiều nhà nghiên cứu đã phân loại các kỹ thuật này thành hai nhóm: kỹ thuật tập trung vào bên trong và kỹ thuật tập trung vào bên ngoài. Trong đó, có 16 kỹ thuật SMA phổ biến mà Cadez và Guilding (2008) đã liệt kê dựa trên các tài liệu trước đây, được phân thành 5 nhóm, trong đó riêng nhóm kỹ thuật SMA về chi phí đã có tới 7 kỹ thuật riêng biệt. Cụ thể:

Chi phí thuộc tính

Chi phí thuộc tính (Attribute costing) là chi phí phát sinh nhằm lựa chọn và cải tiến các thuộc tính của sản phẩm. Theo Guilding và cộng sự (2000), các thuộc tính này bao gồm: mức độ hài lòng, độ tin cậy, phương thức bảo hành, mức độ hoàn thiện, cũng như các yếu tố liên quan đến dịch vụ sau bán hàng. Việc phân biệt các sản phẩm và sự kết hợp thuộc tính sản phẩm với thị hiếu người tiêu dùng giúp xác định thị phần của một doanh nghiệp.

Khi nói đến kỹ thuật SMA là nói đến tất cả những gì liên quan đến việc tích lũy chi phí của các lợi ích mà sản phẩm mang lại cho khách hàng (Roslender & Hart, 2003). Kỹ thuật tính giá thành thuộc tính được xem là một trong những phát triển hấp dẫn nhất của SMA. Trọng tâm của kỹ thuật này là xác định chi phí của các lợi ích liên quan đến sản phẩm và các thuộc tính của chúng, đòi hỏi sự phối hợp giữa kế toán quản trị và quản lý tiếp thị trong khuôn khổ quản lý chiến lược (Roslender & Hart, 2003). Cadez và Guilding (2008) giải thích rằng giá thành thuộc tính là sự tích lũy chi phí của các thuộc tính sản phẩm cụ thể thu hút khách hàng. Việc áp dụng phương pháp tính giá thành thuộc tính không chỉ mang lại lợi ích nội bộ mà còn cho các bên bên ngoài, đặc biệt là khách hàng, những người có thể hiểu rõ hơn về giá trị thực sự của sản phẩm.

Chi phí dựa trên hoạt động

Chi phí dựa trên hoạt động (Activities Based Costing - ABC) là một phương pháp kế toán phân bổ chi phí cho các hoạt động, thay vì trực tiếp cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Phương pháp này cho phép phân bổ chính xác hơn các nguồn lực và chi phí chung đến các sản phẩm và dịch vụ theo mức độ tiêu thụ thực tế của chúng. ABC là một phương pháp có hệ thống, dựa trên mối quan hệ nhân - quả, nhằm xác định chi phí hoạt động của sản phẩm, dịch vụ, khách hàng hoặc bất kỳ đối tượng chi phí nào. ABC dựa trên nguyên tắc các hoạt động tiêu thụ sản phẩm (Đinh Thị Kim Xuyến, Nguyễn Ánh Hồng, 2021). Do vậy, đặc điểm cơ bản của ABC là tập trung vào các hoạt động và sử dụng chúng làm cơ sở để xác định chi phí của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Chi phí vòng đời

Theo Đinh Thị Kim Xuyến và Nguyễn Ánh Hồng (2021), chi phí vòng đời (Life Cycle Costing) là phương pháp tính toán tổng chi phí của một sản phẩm trong suốt vòng đời của nó, từ giai đoạn thiết kế đến giai đoạn suy giảm, bao gồm các giai đoạn: giới thiệu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Nhìn chung, chi phí vòng đời có liên quan đến quy trình kỹ thuật hệ thống và bao gồm việc đánh giá toàn bộ các chi phí tương lai phát sinh trong suốt vòng đời của hệ thống.

Kỹ thuật SMA chi phí vòng đời đề cập đến việc đánh giá tất cả các chi phí liên quan đến một sản phẩm hoặc dịch vụ trong suốt vòng đời của chúng, thường được chia thành các giai đoạn cụ thể. Các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm bao gồm: thiết kế, giới thiệu, tăng trưởng, trưởng thành, suy thoái và từ bỏ (Abdullah và cộng sự, 2020; Cadez & Guilding, 2008). Cravens và Guilding (2001) cho rằng chi phí vòng đời thể hiện một quan điểm kế toán dài hạn rõ ràng, có định hướng thị trường, phù hợp với định hướng chiến lược của SMA như được đề cập trong các nghiên cứu của Simmonds (1982) và Bromwich (1990). Nhiều học giả ủng hộ kỹ thuật này đồng tình rằng nó có thể cung cấp thông tin chi phí sản phẩm hữu ích hơn so với cách tiếp cận kế toán quản trị ngắn hạn truyền thống, đặc biệt trong việc hỗ trợ ra quyết định. Lợi nhuận tổng thể của sản phẩm, cũng như mức độ thành công hoặc thất bại của quá trình giới thiệu sản phẩm mới, có thể được xác định hiệu quả thông qua kỹ thuật tính giá thành vòng đời trong khuôn khổ SMA.

Chi phí chất lượng

Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi thế cạnh tranh và chiến lược kinh doanh, chúng ta không thể bỏ qua các yếu tố liên quan đến chất lượng – một khía cạnh cần được đặc biệt chú trọng. Chi phí chất lượng (Quality costing) là những chi phí liên quan đến việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vấn đề về chất lượng trong sản phẩm. Đó có thể là chi phí nhằm tránh việc sản xuất ra sản phẩm kém chất lượng, hoặc là các chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu sau khi đã sản xuất ra sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Các chi phí chất lượng thường được phân thành bốn loại: chi phí phòng ngừa, chi phí thẩm định, chi phí hỏng hóc nội bộ và chi phí hỏng hóc bên ngoài (Đinh Thị Kim Xuyến, Nguyễn Ánh Hồng, 2021). Cadez và Guilding (2008) cũng định nghĩa chi phí chất lượng là những khoản chi liên quan đến việc tạo ra, phát hiện, sửa chữa và ngăn ngừa các khuyết tật, và có thể được phân loại tương tự. Báo cáo chi phí chất lượng được lập nhằm thu hút sự chú ý của ban quản lý đến những vấn đề chất lượng cần được ưu tiên xử lý (Cadez & Guilding, 2008). Thông qua việc nhận diện riêng biệt các khoản chi này, doanh nghiệp có thể tận dụng chúng như một lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ hấp dẫn hơn đối với khách hàng.

Chi phí mục tiêu

Chi phí mục tiêu (Target costing) là một kỹ thuật hướng đến khách hàng, ban đầu được các công ty Nhật Bản sử dụng và hiện được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để giảm chi phí cho một sản phẩm mới ngay từ giai đoạn thiết kế và phát triển. Chi phí mục tiêu là tổng chi phí sản phẩm mong muốn, được xác định từ ước tính khối lượng bán hàng, giá thị trường bên ngoài và lợi nhuận mục tiêu. Cadez và Guilding (2008) cho rằng chi phí mục tiêu là một phương pháp được áp dụng trong giai đoạn thiết kế sản phẩm và quy trình, liên quan đến việc ước tính chi phí bằng cách khấu trừ biên lợi nhuận dự kiến khỏi mức giá ước tính dựa trên thị trường để đưa ra chi phí sản xuất, kỹ thuật hoặc tiếp thị mong muốn. Sau đó, sản phẩm hoặc dịch vụ được thiết kế và phát triển sao cho phù hợp với mức chi phí đã ước tính, gọi là chi phí mục tiêu. Theo Đinh Thị Kim Xuyến và Nguyễn Ánh Hồng (2021), chi phí mục tiêu bao gồm cả việc lập kế hoạch chi phí trong giai đoạn thiết kế sản xuất, cũng như kiểm soát chi phí trong suốt vòng đời sản phẩm. Trọng tâm của kỹ thuật này không đơn thuần là giảm thiểu chi phí, mà là đạt được mức chi phí giảm như kỳ vọng.

Kỹ thuật chi phí mục tiêu cũng thể hiện định hướng bên ngoài của Kế toán quản trị chiến lược (SMA), như được đề xuất bởi Bromwich (1990), Cravens và Guilding (2001), Roslender và Hart (2003). Tính giá thành mục tiêu nhấn mạnh yếu tố bên ngoài, không chỉ chú trọng đến đối thủ cạnh tranh mà còn hướng đến khách hàng và thị trường (Roslender & Hart, 2003). Việc sử dụng kỹ thuật này như một công cụ giảm chi phí trong suốt vòng đời sản phẩm, cho đến khi sản phẩm đạt giai đoạn trưởng thành, có thể giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế và ứng phó hiệu quả với cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, một thách thức khi áp dụng là làm sao có được mức giá thị trường đáng tin cậy để tính toán chi phí mục tiêu một cách chính xác.

Tính giá thành chuỗi giá trị

Chi phí chuỗi giá trị (Value chain costing) được mô tả như các quy trình nội bộ được thực hiện nhằm thiết kế, sản xuất, marketing, cung cấp và hỗ trợ các sản phẩm, bao gồm cả các dịch vụ sau bán hàng. Chi phí chuỗi giá trị là một kỹ thuật phân bổ chi phí cho các hoạt động, giúp công ty đánh giá và phát triển vị thế chiến lược, phân tích vị trí cũng như chi phí cạnh tranh. Đây là một kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược (SMA), thể hiện qua phân tích chuỗi giá trị của Porter (1985). Tính giá thành chuỗi giá trị là một kỹ thuật nhằm xem xét tất cả các hoạt động được thực hiện từ giai đoạn thiết kế cho đến phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ. Kỹ thuật này có thể bao gồm cả các yếu tố bên trong và bên ngoài liên quan đến doanh nghiệp, vì nó xem tổ chức như một tập hợp các mắt xích trong chuỗi hoạt động tạo ra giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp. Theo Cadez và Guilding (2008), kỹ thuật chuỗi giá trị sử dụng phương pháp tính giá thành dựa trên hoạt động (activity-based costing), trong đó chi phí được phân bổ cho các hoạt động cần thiết để thiết kế, mua sắm, sản xuất, tiếp thị, phân phối và cung cấp dịch vụ cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Phân tích chuỗi giá trị không chỉ có thể được sử dụng như một công cụ SMA để tạo ra giá trị mà còn giúp các công ty có cái nhìn toàn diện về chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao hiệu suất hoạt động.

Chi phí Kaizen

Theo Đinh Thị Kim Xuyến và Nguyễn Ánh Hồng (2021), kỹ thuật chi phí Kaizen yêu cầu doanh nghiệp liên tục cải tiến nhằm giảm thiểu lãng phí chi phí ở từng quy trình hoạt động. Mỗi quy trình cụ thể sẽ cần áp dụng các phương pháp cải tiến khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm và mục tiêu riêng. Khi kỹ thuật chi phí Kaizen được kết hợp với kỹ thuật chi phí mục tiêu, doanh nghiệp có thể hiện được mục tiêu cao nhất của kế toán quản trị hiện nay.

MỘT SỐ LƯU Ý

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, việc vận dụng các kỹ thuật SMA mang lại hiệu quả vượt ngoài mong đợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, giúp doanh nghiệp dự báo các hoạt động trong tương lai để đưa ra quyết định phù hợp. Đối với các kỹ thuật SMA về chi phí, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng các kỹ thuật SMA chi phí. Việc áp dụng không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là tạo ra giá trị gia tăng cho các bên liên quan bên ngoài như khách hàng. Chỉ khi lợi ích của khách hàng được đảm bảo và nâng cao, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thứ hai, cần nắm vững lợi ích, đặc điểm và nguyên tắc áp dụng của từng kỹ thuật chi phí để vận dụng một cách hiệu quả, qua đó hỗ trợ các nhà quản trị kịp thời đưa ra quyết định chính xác.

Thứ ba, với vai trò và lợi ích của SMA nói chung và các kỹ thuật SMA về chi phí nói riêng, các nhà quản trị doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào bộ máy kế toán, bao gồm cả nhân sự cho bộ phận này. Thực tiễn cho thấy, việc thiết lập một bộ phận kế toán quản trị là cần thiết cho sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp - dù phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.

KẾT LUẬN

SMA ra đời, dần khẳng định vai trò quan trọng đối với DN. Đây được xem là một hệ thống thông tin kế toán quản trị được sử dụng để hỗ trợ nhà quản trị đưa ra các quyết định mang tính chiến lược trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng. SMA bao gồm hệ thống các kỹ thuật hướng tới việc đánh giá cả các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Chính điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể các nghiên cứu về SMA cũng như việc triển khai các kỹ thuật SMA trong thực tiễn. Hiện nay, SMA cùng với hệ thống các kỹ thuật của nó đang cho thấy vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các nhà quản trị đưa ra các quyết định chiến lược hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cadez, S., & Guilding, C. (2007). Benchmarking the incidence of strategic management accounting in Slovenia. Journal of Accounting & Organizational Change, 3(2), 126–146. Truy cập từ https://doi.org/10.1108/18325910710756140.

2. Đinh Thị Kim Xuyến, Nguyễn Ánh Hồng (2021). Các kỹ thuật của kế toán quản trị chiến lược. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số 212, Tháng 5/2021.

3. Nik Herda Nik Abdullah, Shamala Krishnan,Azliza Azrah Mohd Zakaria &Grace Morris (2022). Strategic management accounting practices in business: A systematic review of the literature and future research directions. Cogent Business & Management. Truy cập từ https://doi.org/10.1080/23311975.2022.2093488.

4. Porter, M. E. (1985). Competitive Advantage. The Free Press.

Ngày nhận bài 14/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 19/5/2025; Ngày duyệt đăng: 21/5/2025