Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, TTCK cũng phải phát triển liên tục và an toàn
Dò đỉnh chứng khoán năm 2022
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, nếu phát sinh rủi ro, khó khăn cho thị trường, cơ quan quản lý sẽ chủ động có giải pháp để giảm thiểu |
Biến chủng mới Omicron tiếp tục phủ nỗi lo lên toàn cầu khi chưa biết thời điểm nào và bằng cách nào, con người có thể kết thúc được câu chuyện đại dịch Covid-19. Trong khi thế giới lo lắng về hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, lo lắng về khả năng lạm phát, về tình hình chính trị châu Âu biến động, về giá lương thực, thực phẩm cao kỷ lục… thì tại Việt Nam, hầu hết dự báo về nền kinh tế, về TTCK năm 2022 lại rất tích cực.
Các trụ cột được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 là kỳ vọng sức cầu nội địa phục hồi và sẽ hoạt động hết công suất sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Xuất khẩu Việt Nam sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. Dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ phục hồi vào năm 2022, trong khi Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Đặc biệt, các dự báo kỳ vọng động lực sẽ đến từ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong năm 2022 sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn năm 2021. Cụ thể, quy mô các gói hỗ trợ tài khóa COVID-19 của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế châu Á, trong khi tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam mới khoảng 45% GDP. Gói hỗ trợ mới, dự kiến 3-4% GDP có thể sẽ giúp GDP Việt Nam năm tới sẽ tăng 7,5% và TTCK có thể sẽ chinh phục các mốc đỉnh mới, 1.700 điểm, thậm chí 2.000 điểm và cao hơn.
Không đưa ra một con số cụ thể, nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan được Đảng và Nhà nước, Chính phủ phân công để chỉ đạo, tổ chức xây dựng những chính sách, quản lý, giám sát thị trường. Theo đó, cơ quan quản lý, tổ chức thành viên thị trường, nhà đầu tư, xã hội và cả truyền thông phải cùng “nắm tay nhau” để tiếp tục đưa thị trường phát triển một cách ổn định bền vững với mục tiêu cao nhất là minh bạch chuyên nghiệp rõ ràng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
“Với tinh thần trách nhiệm từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường… chúng ta có quyền kỳ vọng và tin tưởng năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định bền vững, công khai, minh bạch và minh bạch hơn nữa. Nếu phát sinh những vấn đề rủi ro, khó khăn cho thị trường, cơ quan quản lý sẽ chủ động có giải pháp cụ thể để giảm thiểu rủi ro, thị trường chứng khoán trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ phát triển liên tục, an toàn, ổn định và bền vững”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Năm 2021: Chứng khoán bình thường hay bất thường?
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho rằng, không riêng tại Việt Nam, các thị trường châu Âu, châu Á đều có sự tăng trưởng mạnh năm 2021 |
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, tính đến ngày 27/12, giá trị tăng trưởng của thị trường Mỹ - một trong những TTCK lớn nhất trên thế giới, đang ở mức gần 28%. Tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam chúng ta có phần cao hơn, đạt gần 35%. Các thị trường khác tại châu Âu, châu Á đều có sự tăng trưởng tương tự. Như vậy, rõ ràng tốc độ tăng trưởng của các TTCK mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch là xu thế chung và không có gì bất thường ở đó.
Thêm vào đó, con số huy động vốn của TTCK năm 2021 là rất lớn. Thống kê trong 11 tháng đầu năm, giá trị huy động vốn đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá, cổ phần hóa đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.
Rõ ràng, việc doanh nghiệp huy động vốn là để chuẩn bị cho sự đầu tư mới, sự tăng trưởng mạnh trong tương lai. Điều này tiềm ẩn, dự báo trước sự tăng trưởng rất mạnh sau khủng hoảng kinh tế.
Ngoài ra, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, của thị giá cổ phiếu đã làm cho quy mô, vốn hóa thị trường đạt con số gần 143% GDP, xấp xỉ quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146% GDP. Điều này cho thấy TTCK ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Theo Báo cáo tài chính quý III/2021, có tới 80% số doanh nghiệp trên thị trường đang kinh doanh có lãi. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng với mức tăng bình quân đạt lần lượt 15,7% và 33,4%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp có nền tảng cho sự tăng trưởng chứ không đi quá xa so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Bình, sự kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng do Covid-19 là cách nhìn chung, xu thế chung của nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu, không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực: Chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực
Theo TS. Cấn Văn Lực, chỉ số bớt nhạy cảm hơn với tin nóng cũng đặt ra câu hỏi phải chăng có sự lệch pha với nền kinh tế thực |
Chia sẻ về thị trường chứng khoán năm 2021, tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho hay, có điểm 3 bình thường và 3 điểm bất thường.
Ba điểm bình thường, theo ông gồm: Chứng khoán lập nhiều kỷ lục năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng GDP âm trong quý III. Tuy nhiên, thời gian qua dòng vốn rẻ nhiều, tiền rẻ trên thế giới cũng như Việt Nam. Việt Nam có vốn rẻ từ 3 nguồn, đâu đó có phần hỗ trợ Chính phủ; tiền gửi từ ngân hàng sang chứng khoán đầu tư; lãi suất thấp toàn cầu chính vì thế cho vay kinh doanh chứng khoán, margin tăng trưởng tích cực tốt.
Ngoài ra, sức cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều. Dịch bệnh khiến kinh doanh khó khăn nhà đầu tư cá nhân tổ chức chuyển hướng.
Thứ hai là giãn cách xã hội do dịch Covid-19, khiến câu chuyện kinh doanh trực tuyến trở nên phổ biến.
Thứ ba là tương quan bất động sản và chứng khoán nhiều nhà đầu tư bất động sản chốt lời tốt sang đầu tư chứng khoán đặc biệt cuối kỳ cuối năm. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi khả quan tăng 5,6 - 5,9%. Nền tảng doanh nghiệp, theo dõi số liệu về tài chính năm nay tương đối tốt, đa số lợi nhuận doanh nghiệp tăng 20 - 23% dẫn đến việc thị trường tăng trưởng, lợi nhuận tích cực. Hệ số P/E là 17 lần chứ không phải 25 - 23 lần.
Đối với ba điểm không bình thường, theo ông Cấn Văn Lực, đó là: Thứ nhất, rõ ràng thị trường tăng nóng vì so toàn cầu, năm ngoái toàn cầu GDP âm 3,1% nhưng dòng vốn rẻ nhiều lý do nữa toàn cầu chứng khoán vẫn tăng 14%. Riêng năm nay toàn cầu phục hồi tốt kinh tế tăng trưởng 5,6% nhưng chỉ số chứng khoán tăng 20%.
So sánh với Philipines, năm nay khả năng họ phục hồi và tăng trưởng tốt nhưng chứng khoán tăng 2%, trong khi chúng ta là 35% dù kinh tế phục hồi tương tự như họ.
Do đó, chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực, thậm chí cả năm nay, nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2,2 - 3% nhưng chứng khoán tăng 35%. Chỉ số bớt nhạy cảm hơn với tin nóng cũng đặt ra câu hỏi phải chăng sự lệch pha nóng.
Thứ hai, có hiện tượng tâm lý đám đông, nhiều doanh nghiệp làm ăn không tốt, nhưng giá cổ phiếu lên nhanh do phát hành cổ phiếu, trái phiếu thành công.
“Cuối cùng, tính thiếu bền vững, chỉ số chúng ta năm nay đến thời điểm hiện tại 35% tập trung 6 lĩnh vực, ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. 6 lĩnh vực này chiếm 77% vốn hoá thị trường. Nếu như một trong 6 lĩnh vực có vấn đề thị trường cũng sẽ khó khăn” - ông Lực phân tích.
Chủ tịch SSI: Bất thường ở việc chưa kiểm soát được trái phiếu doanh nghiệp
Chủ tịch SSI cho rằng, người ta chào bán trái phiếu trên facebook là một bất thường |
Chia sẻ góc nhìn về TTCK năm 2021, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, sự tăng trưởng đột biến của nhiều chỉ tiêu là bình thường và đáng mừng. Chẳng hạn, thanh khoản tăng kỷ lục là điều mơ ước thị trường từng nghĩ đến, số lượng tài khoản mở nhiều mà 2 năm trước đây cũng không thể ngờ tới. Nhà đầu tư chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán cũng là điều mà nhiều năm chúng ta mong muốn làm được nay đã thành hiện thực.
Trước đây khối ngoại dẫn dắt thị trường mua thì cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó tăng, bán cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó giảm. Năm nay bất thường nhà đầu tư nước ngoài không dẫn dắt thị trường nữa, họ bán thì thị trường vẫn lên và tăng trưởng.
Đối với tình trạng cổ phiếu rác tăng giá nhiều dù nền tảng kinh doanh không tốt lên, theo Chủ tịch SSI, trong thị trường có cầu thì giá mới lên chứ bất thường hay bình thường thì không nằm ở sự hiện diện trên thị trường, mà cơ quan chức năng phải xem xét có ai không công bố, đưa ra giao dịch ảnh hưởng đến giá thì mới là bất thường.
"Có điều bất thường tôi nghĩ cần làm đó là huy động trái phiếu doanh nghiệp không kiểm soát được, có người chào bán trái phiếu trên facebook tôi nghĩ đó mới là bất thường. Tóm lại, nếu đặt câu hỏi cái gì bất thường hay bình thường tôi nghĩ cần có cơ quan đánh giá, xem cụ thể", ông Hưng nhấn mạnh.
Giám đốc Hà Nội DCVFM: Bất thường ở việc nhiều F0 chưa có kiến thức tài chính
Ông Trần Lê Minh cho rằng, để đánh thức nhà đầu tư, thị trường trái phiếu cần một thương vụ mất khả năng thanh toán tương đối lớn |
Ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho rằng, vấn đề bất thường nhất là thị trường được tăng trưởng dựa trên nhiều người là F0 mà kiến thức tài chính chưa tốt, hội chứng Fomo sợ bỏ lỡ thị trường, sợ bỏ qua sóng và lỡ cơ hội kiếm tiền. Ngoài ra, thị trường trái phiếu có giai đoạn phát triển nóng 2 năm trở lại đây.
"Theo cá nhân tôi, để thực sự đánh thức nhà đầu tư, thị trường trái phiếu cần một thương vụ mất khả năng thanh toán tương đối lớn. Từ rủi ro thực tế sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện ra ra rủi ro thị trường và từ đó có cái nhìn thận trọng hơn với kênh đầu tư chứng khoán. Tôi mong một tiếng rung chuông cảnh báo toàn thị trường. Tiếng rung cũng sẽ cho thấy, thị trường Việt Nam hoạt động bình thường chứ không phải theo kiểu ai cũng muốn phát hành trái phiếu và ai cũng có thể trả nợ", ông Minh nhấn mạnh.
Bất thường ở việc nhiều nhà đầu tư đang chơi trò chơi của dòng tiền
Theo TS. Quách Mạnh Hào, từ tháng 7 đến nay, mức độ "tham lam" của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có chiều hướng tăng lên |
TS Quách Mạnh Hào, Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh Quốc, Đại học Lincoln chia sẻ một vài phát hiện trong nghiên cứu của ông về tâm lý hành vi nhà đầu tư năm 2021. Theo đó, ông nhấn mạnh, nhà đầu tư hiện nay đang săn lùng các cổ phiếu có mức độ rủi ro cao và sẵn sàng chơi cuộc chơi của dòng tiền, coi nhẹ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.Nhà đầu tư thường quên các bài học cũ rất nhanh, thậm chí những nhà đầu tư mới (F0) còn không có ký ức về những hệ lụy này.
Quan sát TTCK năm 2021, ông cho biết, từ tháng 7 đến nay, mức độ "tham lam" của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên.
Đặc biệt là từ khi xuất hiện thông tin về gói kích thích kinh tế, chỉ số VN-Index tăng rất nhanh. Diễn biến đó phản ánh thực tế là nhà đầu tư đang tham lam hơn trước rất nhiều. Họ săn lùng các cổ phiếu có mức độ rủi ro cao và sẵn sàng chơi trò chơi của dòng tiền, coi nhẹ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Điều này thường thấy ở các chu kỳ tiền nhiều trước đây và để lại cả cơ hội lẫn hệ lụy sau đó", ông Hào nói, đồng thời nhấn mạnh nhà đầu tư thường quên các bài học cũ rất nhanh, thậm chí những nhà đầu tư mới (F0) còn không có ký ức về những hệ lụy này.
TS Quách Mạnh Hào ví von rằng, trong điều kiện bình thường, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng trong điều kiện bất thường như dịch bệnh, diễn biến thực tế lại cho thấy thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của việc bơm tiền rẻ, biểu hiện qua mức độ dư thừa của lượng tiền đã bơm ra so với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong dài hạn, vị chuyên gia này vẫn nhìn nhận việc coi thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế là không hề sai, bởi vì trong ngắn hạn, lượng tiền đã bơm ra để hỗ trợ nền kinh tế có thể chưa được dùng đúng mục đích nhưng rốt cuộc vẫn sẽ được dùng để phát triển kinh tế trong những năm sau đó.
Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán, TS Quách Mạnh Hào cho rằng việc nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh sẽ trở thành động lực cho thị trường chứng khoán.
"Nếu như giai đoạn trước đây và cho đến hiện tại, thị trường chứng khoán tăng tốt nhờ tiền nhiều thì giai đoạn tiếp theo, thị trường tăng tốt nhờ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tiền sẽ tìm đến những ngành thực sự đi cùng quá trình tăng trưởng kinh tế, gắn liền với kết quả kinh doanh tốt. Tôi cho rằng đây là điều hoàn toàn tự nhiên theo tâm lý hành vi con người: khi tiền nhiều thì người ta ít mặc cả nhưng khi tiền ít thì lại thường mặc cả; trong chứng khoán, mặc cả tức là phân tích, đánh giá, tìm hiểu doanh nghiệp nhiều hơn", ông nói.
Các ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, theo ông Hào, gồm các ngành như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, thị trường, đồ uống...
Ông Hào cho biết trên thực tế, đang có sự chuyển dịch dòng tiền sang nhóm cổ phiếu an toàn, có các yếu tố cơ bản tốt. Việc dịch chuyển này diễn ra rất từ từ.
Ông dự đoán thị trường chứng khoán sẽ còn tăng tốt, ít nhất các chỉ số chứng khoán sẽ duy trì điểm số cao trong năm 2022. Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ nhìn thấy sự quay trở lại của cổ phiếu cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ trở lại dẫn dắt thị trường vì theo chu kỳ tâm lý, khi nhìn thấy rủi ro, nhà đầu tư sẽ có cảm giác đã đến lúc phải dừng lại, tìm đến cơ hội an toàn để bảo toàn tài sản đã tích lũy được.
Chủ tịch UBCK: Dự báo TTCK năm 2022 cần lưu ý về lạm phát và giảm các gói kích thích kinh tế
Để thị trường phát triển bền vững, Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính chiến lược phát triển 10 năm |
Bình luận về TTCK năm 2021, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) cho biết, trong năm 2020 và năm 2021, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt giảm lãi suất và các gói kích thích kinh tế được tung ra. Việc TTCK tăng quy mô và tăng thanh khoản diễn ra trên cả thế giới. TTCK Mỹ cũng ghi nhận nhiều kỷ lục.
Chủ tịch UBCKNN cho rằng, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt kỷ lục nhưng không đủ thành một câu chuyện lớn. Năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút tiền khỏi toàn TTCK khoảng 1,2 tỷ USD, tính đến 21/12. Con số này tăng không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng, vẫn giữ một phần lớn tiền trên tài khoản.
Ông Dũng cho biết, hiện giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Dù rút ròng, tài sản khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn tăng. Việc vốn ngoại rút ròng không đáng lo ngại, dòng tiền nội mạnh, thị trường chứng khoán có những phiên giao dịch bùng nổ.
Theo ông Dũng, từ nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng trung ương các nước bắt đầu hạ lãi suất và đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh "bình thường mới" như vậy, làn sóng nhà đầu tư F0 đã hình thành. Tại Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN dự đoán con số tài khoản mở mới sẽ đạt 1,5 triệu đơn vị vào cuối năm. Chất lượng tài khoản mở mới cao hơn so với trước về quy mô giao dịch và không dùng nhiều ký quỹ (vay margin).
Nỗi lo cho TTCK năm 2022, theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, đến từ việc lạm phát có xu hướng tăng và diễn biến thắt chặt chính sách tiền tệ dần hiện hữu tại ngân hàng trung ương các nước. Nguy cơ lạm phát do tác động trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa nhiều, nhưng đã có những ảnh hưởng gián tiếp. Giá dầu, giá vận chuyển… khiến chi phí doanh nghiệp tăng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang chững lại, là những dấu hiệu cần quan sát kỹ khi đánh giá về TTCK năm tới.
Để thị trường phát triển bền vững, Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết, UBCK đã trình Bộ Tài chính chiến lược phát triển 10 năm, 2021-2030. Trước đây, các giải pháp phát triển thị trường tập trung vào việc phát triển quy mô sản phẩm, thời gian tới sẽ tập trung phát triển về chất, để thị trường minh bạch và bền vững hơn trong thập niên mới./.
Bình luận