Vượt khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội

Ông Lê Duy Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết cũng như cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các chỉ đạo, kết luận của Trung ương trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế; tập trung cao độ, quyết liệt cho việc xây dựng các Chương trình, Kế hoạch, Đề án; rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Vĩnh Phúc hoàn thành mục tiêu kép, hướng tới tăng trưởng mạnh năm 2022
Ông Lê Duy Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh Tỉnh chủ động khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh; Tì̀nh hình kinh tế xã hội của tỉnh năm 2021 tiếp tục ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Với nỗ lực chung của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân địa phương, 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được địa phương đặt ra trong năm 2021 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt và 6 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc. Trong đó: Tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn tỉnh tăng 9,52%. Tính chung, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 ngàn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người (tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020).Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 63,74%, ngành dịch vụ chiếm 28,43% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,83% trong cơ cấu GRDP các ngành kinh tế theo giá hiện hành.

Điểm sáng thu hút FDI, thu ngân sách nội địa

Một điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế là hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh năm 2021 đạt được những kết quả rất tích cực. Toàn tỉnh đã thu hút trên 1,025 tỷ USD vốn FDI, tăng 51,29% so với cùng kỳ năm 2020; thu hút 21,8 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 143,07% so năm 2020. Đặc biệt năm 2021 tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng KCN, CCN, đô thị, nông nghiệp,... đây là những dự án được xác định là động lực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian tới như: 6 dự án KCN (Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - KV2, Nam Bình Xuyên...); 3 Cụm Công nghiệp (Hợp Thịnh, Hoàng Lâu, Đình Chu); dự án đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở chăn nuôi giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại Tam Đảo (Liên danh công ty Vinamilk và công ty Sojit của Nhật Bản); dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina vốn đầu tư 14.062 tỷ đồng, nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam 1.192 tỷ đồng....

Vĩnh Phúc hoàn thành mục tiêu kép, hướng tới tăng trưởng mạnh năm 2022
Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2021

Cùng với kết quả thủ hút FDI khả quan, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện tích cực. Công tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư được thực hiện thường xuyên, liên tục. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Nhiều dự án lớn đã thực hiện giải phóng mặt bằng để sớm khởi công như dự án của Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc (giải phóng được 80/83 ha); Khu đô thị mới Đồng Mong, huyện Bình Xuyên; Khu công nghiệp Bình Xuyên 1, KCN Sơn Lôi; dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hoà, huyện Lập Thạch... Tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các Khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện I, ...

Đáng chú ý, dù trong bối cảnh khó khăn do tác động dịch bệnh kéo dài, hoạt động thu, chi ngân sách vẫn đạt kết quả tích cực. Năm 2021 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 32,882 ngàn tỷ đồng, đạt 107% dự toán, trong đó thu nội địa là 28,204 nghìn tỷ đồng, đạt 104% dự toán, trong đó: thu từ khu vực FDI ước đạt 18,826 ngàn tỷ đồng, đạt 86% dự toán, khu vực ngoài quốc doanh tăng 16% so với dự toán, tăng cao nhất từ trước đến nay; thu từ tiền sử dụng đất ước cả năm đạt 4,376 ngàn tỷ đồng, đạt 438% dự toán... góp phần hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2021. Chi ngân sách địa phương cả năm đạt 19,943 ngàn tỷ đồng, đạt 112% dự toán và bằng 87% so thực hiện năm 2020, đáp ứng nhiệm vụ chi năm 2021. “Đây là một sự chuyển mình rất đáng ghi nhận của địa phương bởi từ trước tới nay, Vĩnh Phúc là tỉnh có số thu ngân sách lớn chủ yếu từ khu vực FDI. Đây cũng là năm đầu tiên thu ngân sách từ khu vực ngoài quốc doanh của Vĩnh Phúc tăng cao nhất từ trước đến nay, bù đắp cho số thu của Vĩnh Phúc khi khu vực FDI bị sụt giảm gần 4.000 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Cùng với tăng trưởng kinh tế ổn định, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục ổn định. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được TW và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Với sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, trong năm 2021 Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã và đang quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp. Các thiết bị y tế hiện đại đã và đang được quan tâm đầu tư, đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Nhờ đó, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đảm bảo và đạt được những kết quả tích cực.

Tiếp tục nhất quán 3 trụ cột, bảo vệ thành quả mục tiêu kép

Năm 2020, Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh tiếp tục đặt trọng tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả với trọng tâm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, lấy nhân dân là trung tâm của thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Vĩnh Phúc hoàn thành mục tiêu kép, hướng tới tăng trưởng mạnh năm 2022
Năm 2020 tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội giữ vững thành quả mục tiêu kép

Các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 8,0 ‑ 9,0%, tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 27,3 nghìn tỷ đồng; Phấn đấu thu hút đạt 450 triệu USD vốn FDI và 10.500 tỷ đồng vốn DDI; Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động.

Tỉnh đồng bộ triển khai thực hiện nhất quán 3 trụ cột: Phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, môi trường; chú trọng cải thiện nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, Chủ tịch Lê Duy Thành, để đạt mục tiêu nhiệm vụ đặt ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiên định mục tiêu kép, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Các giải pháp chú trọng bao gồm: Điều hành ngân sách linh hoạt, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, trốn thuế, chống gian lận thương mại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công.

Đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho tỉnh giai đoạn 2021-2025. Kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt các điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xử lý các tồn tại vướng mắc trong từng lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số. Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư đón đầu thời cơ mới mở ra sau đại dịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; Tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chú trọng mời gọi các nhà đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA)./.