WB sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi và xây dựng mô hình tăng trưởng xanh
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Phó Chủ tịch Manuela Ferro. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và thực hiện các cam kết tại COP26, Việt Nam ưu tiên đẩy nhanh quá trình đổi mới, thúc đẩy mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và nâng cao sức cạnh tranh, bao trùm trong khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng |
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro diễn ra vào ngày 18/3/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ưu tiên của Việt Nam là đẩy nhanh quá trình đổi mới, thúc đẩy mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và nâng cao sức cạnh tranh, bao trùm trong khu vực để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển và phục hồi nhưng đối mặt với không ít khó khăn về chất lượng nhân lực, hạ tầng, thể chế và các thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai dịch bệnh và tranh chấp thương mại trên thế giới.
Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và thực hiện các cam kết tại COP26 với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam ưu tiên đẩy nhanh quá trình đổi mới, thúc đẩy mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và nâng cao sức cạnh tranh, bao trùm trong khu vưc. Tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài và xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường và tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển hạ tầng.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện cải cách cơ cấu từng ngành như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; từng địa phương, vùng miền để phát triển nhanh hơn, xanh hơn, sạch hơn và tạo đột phá trong việc phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Việt Nam cũng đang triển khai Quy hoạch điện VIII, tuy còn gặp khó khăn nhưng hướng tới mục tiêu nhằm phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng sạch.
Chúng ta đang gặp một bài toán về mâu thuẫn giữa tăng trưởng bền vững và phát triển bền vững khi cần có sự cân bằng, hài hòa và lộ trình, kế hoạch đồng bộ, phối hợp với nhau. Việt Nam mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu từ cộng đồng quốc tế, nhất là sự hỗ trợ các chính sách từ WB để triển khai các mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng chia sẻ.
Trong Báo cáo Việt Nam 2045, dự kiến đất nước sẽ thực hiện bảy chuyển đổi lớn, bao gồm phát triển dịch vụ dẫn dắt nhờ công nghệ; thúc đẩy đô thị hóa; xây dựng hệ thống tài chính hiện đại, bao trùm; xây dựng hệ thống tái phân phối và bảo trợ xã hội; hạ tầng hiện đại; kinh tế xanh, bền vững, có khả năng chống chịu; thể chế hiện đại. Việt Nam cũng xây dựng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm; xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược tăng năng suất lao động.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị WB hỗ trợ đưa ra các hướng đi mới để giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tư vấn chính sách, điều phối chiến lược.
Phó Chủ tịch Manuela Ferro nhận định, Việt Nam đang ở trong cơ hội để hồi phục nền kinh tế sau đại dịch, có khả năng giảm thiểu tối đa các cú sốc có tính chất tạm thời và thực hiện các cải cách mang tính nền tảng, đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả... |
Về quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và WB trong khuôn khổ đối tác quốc gia giai đoạn 2023-2027 đang được WB xây dựng, WB cần có các chính sách ưu tiên, ưu đãi hỗ trợ cho Việt Nam khắc phục các khó khăn hiện tại và đạt được hiệu quả lớn. Các dự án sắp tới của WB được kỳ vọng ưu tiên trong việc phát triển cơ sở hạ tầng mang tính chất lan tỏa và ứng phó hiệu quả với BĐKH, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng đề nghị WB phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương của Việt Nam để triển khai các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thể hiện vai trò không chỉ là đối tác quan trọng trong việc cung cấp nguồn tài chính mà còn tham vấn các chính sách, hỗ trợ kỹ năng, kinh nghiệm trong phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch Manuela Ferro chia sẻ rằng, các khu vực tư nhân nước ngoài đánh giá Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động và phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đang ở trong cơ hội để hồi phục nền kinh tế sau đại dịch, có khả năng giảm thiểu tối đa các cú sốc có tính chất tạm thời và thực hiện các cải cách mang tính nền tảng, đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của đất nước trong tương lai.
Hiện tại, WB đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam để đưa ra tư vấn trong các lĩnh vực ưu tiên, vừa đầu tư cho tăng trưởng vừa ứng phó với BĐKH. Các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao, vì vậy WB mong muốn sẽ đồng hành cùng Việt Nam để hiện thực hóa các cam kết, kiểm soát áp lực quốc tế trong tiến trình BĐKH để tăng tính chống chịu và ứng phó của đất nước cũng như khuyến khích các bên cùng tham gia trong quá trình triển khai.
WB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi và xây dựng mô hình kinh tế mới, mô hình tăng trưởng xanh. Báo cáo Việt Nam 2045 sẽ bao hàm các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam tại COP26 và các thay đổi trong chế chế cũng như báo cáo về việc ứng phó với BĐKH của Việt Nam. Bà Manuela Ferro đánh giá cao các hoạt động của Chính phủ Việt Nam trong hợp tác với WB và cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam để giải quyết các khó khăn hiện tại./.
Theo Bảo Linh (MPI)
Bình luận