Từ khóa: công nghệ tài chính, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dịch vụ tài chính

Summary

The strong development of technology has promoted the modernization of the financial system. However, the development of financial technology (Fintech) requires the establishment of a controlled testing mechanism (sandbox) for risks that may occur to the financial system as well as the economy in general. The article analyzes theoretical issues related to the process of building a sandbox for Fintech activities, clarifies the current status of the legal corridor for Fintech activities in Vietnam, and on that basis proposes to establish this mechanism for Fintech activities in Vietnam in the near future.

Keywords: financial technology, controlled testing mechanism, financial services

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa đến những thay đổi lớn trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên thế giới theo 3 xu hướng chính: (i) Các ngân hàng truyền thống áp dụng công nghệ số để tiến hành số hóa các quy trình hoạt động và quản trị của ngân hàng mình; (ii) Các công ty Fintech và Bigtech cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính số; (iii) Sự ra đời của các ngân hàng số, bao gồm: Internet Banking và Mobile Banking (khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch trên website và ứng dụng di động của ngân hàng)… Tại Việt Nam, các công ty Fintech có những bước phát triển nhanh chóng, căn cứ theo đăng ký kinh doanh tính đến cuối năm 2022, có khoảng 260 công ty Fintech cung cấp các loại dịch vụ liên quan đến tiền tệ, tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, hoạt động của các Fintech còn rất hạn chế, thậm chí có những hoạt động của Fintech còn đối mặt với rủi ro, do môi trường pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng, niềm tin của người tiêu dùng và thị trường còn khiêm tốn. So với các nước trong khu vực ASEAN, các sản phẩm từ Fintech, như: Gọi vốn cộng đồng; Tư vấn tài chính; Tư vấn quản lý tài sản; Quản trị dữ liệu; Tiền số… vẫn chưa có mặt chính thức ở Việt Nam.

Do đó, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động Fintech, nhất là thiết lập sandbox, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ đang là vấn đề có tính cấp thiết.

CƠ CHẾ SANDBOX VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Cơ chế sandbox

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là tốc độ kết nối internet, thiết bị kết nối, như: điện thoại thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng lập trình tương tác và công nghệ sổ cái phân tán, đã tạo ra những mô hình kinh doanh sáng tạo, cùng với dịch vụ đi kèm có tính cạnh tranh cao, vì lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là những dịch vụ và mô hình mới, chưa từng có tiền lệ, nên các quy định quản lý và giám sát hiện hành khó có thể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hơn nữa, nó còn tạo ra nguy cơ cho sự ổn định của hệ thống tài chính nếu một dịch vụ hay mô hình kinh doanh nào đó ngoài tầm kiểm soát. Điều đó dẫn tới sự ra đời của sandbox để đáp ứng nhu cầu có một cơ chế (không gian) thử nghiệm có kiểm soát để ủng hộ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời phòng ngừa những rủi ro có thể phát sinh.

Cơ chế sandbox được biết đến lần đầu tiên là ở Anh vào tháng 11/2015, do cơ quan kiểm soát tài chính (Financial Conduct Authority - FCA), trong một báo cáo về tính khả thi của việc triển khai cơ chế để các doanh nghiệp có thể thử nghiệm những sáng tạo mới của mình ở lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đến tháng 6/2016, sandbox chính thức hoạt động ở Anh khi các ứng viên bắt đầu nộp đơn cho việc thử nghiệm. Quá trình thử nghiệm của sandbox trải qua 4 giai đoạn chính, gồm: (i) Đăng ký tham gia (application); (ii) Cấp giấy chứng nhận (authorisation); (iii) Thử nghiệm (testing); (iv) Kết thúc thử nghiệm (exit). Từ kinh nghiệm của FCA, một sandbox được cho là hiệu quả nếu thực hiện được 4 mục tiêu chính, như: Giảm thời gian và chi phí triển khai một ý tưởng sáng tạo mới ra thị trường; Tạo điều kiện cho những nhà sáng lập tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường vốn; Tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm dịch vụ được thử nghiệm nhất và có thể để một phần trong số này sẽ được thị trường chấp nhận; Đảm bảo có các cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vai trò của sandbox đối với Fintech

Việc xây dựng sandbox đối với Fintech đem lại nhiều lợi ích cho cả phía nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, sandbox giúp phát triển một khung pháp lý thông minh với Fintech, đồng thời không làm mất đi các tiêu chuẩn cơ bản đã tồn tại trong các quy định của pháp luật, như: bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. Sandbox cũng giúp các cơ quan quản lý tham gia vào cải cách quy định pháp luật hiện hành và gia tăng uy tín, cũng như “sự thân thiện” của cơ quan quản lý nhà nước với thị trường.

Còn đối với doanh nghiệp Fintech tham gia cơ chế thử nghiệm, sandbox cho phép giảm các rào cản gia nhập đối với các doanh nghiệp có sản phẩm mới để thúc đẩy việc gia nhập thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn. Việc đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường sớm hoặc thị trường mới để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu là rất quan trọng, bởi chúng không chỉ có cơ hội phát triển ở thị trường trong nước, mà còn là bước đệm để thâm nhập nhanh chóng vào thị trường nước ngoài. Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế sandbox cho những tín hiệu tốt, thì giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Điều này giúp doanh nghiệp gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, qua đó tăng khả năng tiếp cận các nguồn đầu tư hay tài trợ từ bên ngoài. Ngoài ra, sandbox có thể kích thích được các công ty mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực liên quan hoặc trong hệ sinh thái.

Như vậy, mục tiêu của sandbox là để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường pháp lý thử nghiệm cho các công ty cung ứng giải pháp Fintech, qua đó, giúp cơ quan quản lý định hình được bản chất, quy trình, cũng như các rủi ro tiềm ẩn của các loại hình dịch vụ Fintech, từ đó có thể ban hành được khuôn khổ pháp lý, quản lý chính thức cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều kiện của từng nền kinh tế khác nhau có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của một sandbox (World Bank, 2022). Những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia với nhau, gồm có: Hệ thống pháp lý hiện hành; Nguồn lực và năng lực của cơ quan quản lý, giám sát; Sự trưởng thành và phổ biến của thị trường Fintech; Các điều kiện thị trường và vấn đề cạnh tranh.

Vấn đề đặt ra khi áp dụng sandbox

Bên cạnh những yếu tố tích cực, sandbox cũng đặt ra một số lo ngại, như:

Một là, sandbox có thể gửi một tín hiệu tiêu cực đến thị trường và người dùng tiềm năng khi cho thấy rằng, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tham gia sandbox không được quản lý đầy đủ và có thể gây rủi ro đến với người sử dụng. Trong khi đó, sandbox không thay đổi thực tế là các nhà cung cấp dịch vụ đang thử nghiệm với khách hàng thực sự, những người sử dụng vẫn có thể bị thiệt hại hoặc phải chịu các rủi ro từ phía nhà cung cấp dịch vụ.

Hai là, việc thiếu tiêu chuẩn hóa khi áp dụng sandbox và tác động của nó đối với việc giảm chi phí sẽ làm nảy sinh một số lo ngại. Trong khi, sandbox thường được áp dụng riêng biệt với các điều kiện khác nhau, điều này cũng có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch (Zetzsche, 2018).

Ba là, ở cấp độ vĩ mô, việc áp dụng sandbox có thể gây ra sự mất cân bằng giữa tổ chức tài chính truyền thống và công ty công nghệ tham gia sandbox. Bởi, cách tiếp cận sandbox cung cấp một khoảng thời gian cho các công ty Fintech (ít nhất là tạm thời) hoạt động và thử nghiệm các sản phẩm nằm sát mép ngoài hoặc thậm chí nằm ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành mà không bị phạt, nhưng các tổ chức tài chính truyền thống vẫn phải tuân theo đầy đủ các quy định. Điều này, có thể làm dấy lên một số lo ngại về sự công bằng.

KHUNG PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG FINTECH Ở VIỆT NAM

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Nghị định số 27/2007/NĐ-CP, ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 35/2007/NĐ-CP, ngày 08/3/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Thông tư số 18/2018/TT-NHNN, ngày 21/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân... Những động thái này đã giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các định chế tài chính, các nhà đầu tư cũng như công chúng có thêm hiểu biết về Fintech, tạo tiền đề phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, về cơ bản, khung pháp lý về Fintech vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ với các hoạt động Fintech trên thực tế. Khung pháp lý điều chỉnh về lĩnh vực Fintech nằm rải rác trong nhiều văn bản và chỉ đáp ứng một phần cho lĩnh vực Fintech trong các hoạt động của ngân hàng, chứ chưa đề cập đến các lĩnh vực khác đang trở thành xu hướng của Fintech thế giới, như: hoạt động tín dụng, huy động vốn, tiền mã hóa... Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển khá nhanh của công nghệ. Đó là chưa kể, các quy định về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech là chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, sản phẩm tài chính và bảo vệ thông tin cá nhân về mặt định hướng, nguyên tắc đã có, nhưng chưa cụ thể hóa. Bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung và bảo vệ thông tin người tiêu dùng nói riêng đã được pháp luật Việt Nam quy định và theo sát tiêu chuẩn quốc tế tại nhiều văn bản khác nhau, song có những nội dung chưa được làm rõ về đặc thù hoạt động của môi trường Fintech, dẫn đến việc tuân thủ quy định của các tổ chức ngoài ngân hàng còn lỏng lẻo, chưa xử lý được triệt để các thủ đoạn lợi dụng pháp luật và khó khăn trong phát hiện các trường hợp vi phạm. Mặt khác, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thể chế quản lý, giám sát cũng như chức năng, nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với Fintech, chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động Fintech.

Hơn nữa, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng chưa có quy định pháp lý cụ thể cho hợp tác phát triển giữa ngân hàng và Fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này. Việc các cơ quan quản lý xem Fintech như một “cánh tay nối dài” của ngân hàng, mà chưa được hoạt động độc lập trong hệ thống tài chính cũng là một khó khăn của các công ty Fintech trong hoạt động thanh toán điện tử. Như vậy, có thể thấy, việc tồn tại một khung pháp lý chưa hoàn chỉnh về quản lý Fintech trở thành một rào cản rất lớn đối với sự phát triển của Fintech tại Việt Nam khi gây ra tâm lý e ngại của những cá nhân, tổ chức khởi nghiệp, các nhà đầu tư trong, ngoài nước và công chúng.

Tuy nhiên, trước những tác động của Fintech tại Việt Nam ngày càng lớn, Chính phủ đã thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thử nghiệm cho Fintech bằng việc ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Hình). Ngân hàng Nhà nước cũng đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech, bao gồm: Công nghệ Blockchain/sổ cái phân tán (DLT); cho vay ngang hàng (P2P Lending); giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-KYC) dựa trên việc học hỏi, nghiên cứu các trường hợp điển hình trên thế giới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước tiến chủ động trong việc bổ sung, sửa đổi khuôn khổ pháp lý hiện hành để tháo gỡ các khúc mắc trong hoạt động của Fintech, bao gồm: cho phép các tổ chức tín dụng tùy chọn phương án công nghệ để định danh khách hàng từ xa; phối hợp với Bộ Công an để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ xác thực khách hàng qua phương tiện điện tử; ban hành tiêu chuẩn đặc tả kỹ thuật về QR Code; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiền ảo, tiền điện tử, thanh toán trực tuyến, hoạt động đại lý thanh toán...

Tuy nhiên, dù dự thảo Nghị định Fintech của Việt Nam được thiết kế bài bản, đầy đủ các nội dung, theo mô hình cấp phép được sử dụng ở nhiều quốc gia và có tham vấn công khai các cơ quan chức năng, bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp…, nhưng đến nay, việc ban hành Nghị định vẫn bị trì hoãn.

Hình: Quá trình xây dựng Dự thảo nghị định Fintech của Việt Nam

Xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech ở Việt Nam
Nguồn: Tác giả tổng hợp

GIẢI PHÁP XÂY DỰNG SANDBOX CHO FINTECH VIỆT NAM

Hệ sinh thái Fintech Việt Nam đang ở giai đoạn đầu hình thành và còn rất non trẻ. Với điều kiện hiện tại, để thúc đẩy được sự phát triển của hệ sinh thái này rất cần những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và thực chất của Nhà nước, trong đó, những cải thiện về khung pháp lý như xây dựng sandbox là một nhu cầu cấp bách đặt ra trong thời gian tới.

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Cần lưu ý cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an…) do Fintech có thể hoạt động ở đa lĩnh vực pháp lý. Đồng thời, mô hình của Sandbox nên theo chuẩn chung (có cấp phép và kiểm soát) để tránh thất bại.

Trong trung và dài hạn, trên cơ sở cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech, cần xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech bao trùm các quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ Fintech và các quy định khác có liên quan. Các nội dung quan trọng nhất mà khung pháp lý về Fintech ở Việt Nam cần bao quát là:

(i) Quy định về mô hình kinh doanh của Fintech: Pháp luật cần có những quy định về các nội dung chính: (1) Điều kiện thành lập và hoạt động doanh nghiệp Fintech (điều kiện về cấp phép hoạt động, điều kiện về tài chính, tiêu chuẩn đối với các sáng lập viên, người quản lý doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp...); (2) Quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp Fintech; (3) Mô hình hoạt động của các doanh nghiệp Fintech...

(ii) Quy định về các sản phẩm, dịch vụ Fintech: Cần định danh các sản phẩm, dịch vụ Fintech với những quy định về thông tin miêu tả chi tiết sản phẩm, dịch vụ; bản chất của sản phẩm, dịch vụ; các tiêu chuẩn đối với từng sản phẩm, dịch vụ Fintech để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Bên cạnh những sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn ở Việt Nam, các quy định pháp luật cần mang tính dự đoán xu hướng trên thế giới như: Công nghệ Blockchain, eKYC hay QR Code trong các lĩnh vực tài chính, như: bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng...

(iii) Quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với Fintech: Đảm bảo có các quy định về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi về chính sách thuế cho các công ty Fintech...

(iv) Quy định về quản lý, giám sát đối với Fintech: Quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát đối với hoạt động Fintech, cũng như xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giám sát tài chính thuộc các lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm để phát hiện rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn.

(v) Quy định về các vấn đề liên quan khác: Cần ban hành thống nhất các quy định pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng; phòng, chống rửa tiền; bảo mật thông tin cá nhân; quy định về trách nhiệm công bố thông tin, trách nhiệm về báo cáo đối với giao dịch liên quan. Đây là các quy định cần thiết để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động này, đảm bảo sự phát triển bền vững của Fintech trong nền kinh tế.

Thứ hai, sandbox nên theo nguyên tắc, quan điểm đột phá là khuyến khích, chấp nhận các đột phá cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; các mô hình kinh doanh mới; không cản trở sự sáng tạo và tính cách mạng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế trong nước. Theo đó, Chính phủ cần có cách tiếp cận linh hoạt và chủ động với hoạt động của Fintech, như: thành lập Trung tâm hỗ trợ Fintech (tư vấn về mặt pháp lý cho Fintech), triển khai các Chương trình Regtech (kêu gọi các đơn vị công nghệ tham gia giải quyết các vấn đề trong công tác quản lý)…

Thứ ba, thiết lập đội ngũ chuyên gia chất lượng cao có nhiệm vụ đề xuất, phản biện và xây dựng các khung pháp lý, quy định, điều kiện vận hành, cũng như theo dõi và giám sát việc triển khai thực hiện các dự án của Fintech./.

TS. Lê Thanh Huyền - Trường Đại học Hòa Bình

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

2. Fintech News Singapore (2020), 2020 Fintech Vietnam Report and Startup Map: Fintech Startups Tripled since 2017, retrieved form https://fintechnews.sg/45354/vietnam/2020-fintech-vietnam-report-and-startup-map/.

3. Lê Anh, Nghĩa Đức (2022), Ban hành cơ chế thử nghiệm tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp, truy cập từ https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=62156.

4. Nhuệ Mẫn (2023), Fintech Việt: Cơ hội lớn nếu sớm có “sandbox”, truy cập từ https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/Fintech-viet-co-hoi-lon-neu-som-co-sandbox-post312911.html.

5. Phan Đăng Hải, Nguyễn Kim Anh (2022), Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và vấn đề hoàn thiện khung pháp lý về Fintech ở Việt Nam, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-va-van-de-hoan-thien-khung-phap-ly-ve-Fintech-o-viet-nam.htm.

6. Thảo Nguyên (2022). Tạo hành lang pháp lý Sandbox cho Fintech, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-sandbox-cho-Fintech.html.

7. World Bank (2020), Global Experiences From Regulatory Sandboxes, retrieved form https://documents1.worldbank.org/curated/en/912001605241080935/pdf/Global-Experiences-from-Regulatory-Sandboxes.pdf.

8. Zetzsche, D.A. (2018), Regulating a revolution: From regulatory sandboxes to smart regulation, Journal of Corporate & Financial Law, 23, 31-103.