Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố đáng sống bằng việc tập trung phát triển 3 trụ cột chính
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá về sự phù hợp giữa căn cứ pháp lý và khoa học thực tiễn; Xác định rõ tồn tại, hạn chế và định hướng phát triển trong thời gian tới của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là chuyển đổi cân bằng giữa các ngành; các lĩnh vực chính, gồm: du lịch, kinh tế tri thức, công nghệ; việc phân bổ không gian; phát triển các khu chức năng; phương án kết cấu hạ tầng; chỉ tiêu sử dụng đất; vấn đề phát triển đô thị; các cân đối nguồn lực để phát triển…
Toàn cảnh Hội thảo |
Đà Nẵng - trung tâm kinh tế hàng đầu của miền Trung
Đà Nẵng là đô thị lớn nhất của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (miền Trung). Về tổng thể, hạ tầng cứng (giao thông, viễn thông) và hạ tầng mềm (nhân lực, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ) của Thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm dẫn đầu của miền Trung. Các vấn đề quá tải hạ tầng hiện tại là do nhu cầu lớn và tăng nhanh chứ không phải hạ tầng chất lượng kém hơn các địa phương khác.
Đà Nẵng cũng là địa phương duy nhất của miền Trung có tỷ lệ di cư thuần dương, kéo dài liên tục trong suốt 10 năm vừa qua, mặc dù vẫn có thể có một lượng không nhỏ là những người đến đây để học tập, đào tạo nâng cao tay nghề. Đà Nẵng còn là một trong những trung tâm giao thương của cả nước và khu vực miền Trung. Mặc dù chỉ bằng khoảng 1% diện tích, nhưng Thành phố Đà Nẵng tập trung gần 1/4 số doanh nghiệp toàn vùng, tạo ra gần 1/10 GRDP và hơn 1/7 tổng thu ngân sách trên địa bàn của 14 tỉnh vùng miền Trung.
Cụ thể, năm 2019, thu ngân sách của Thành phố Đà Nẵng là 28,2 nghìn tỷ đồng, tương đương với Thanh Hoá (29,2 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nguồn thu từ KKT Nghi Sơn) và gấp 1,24 lần so với tỉnh xếp thứ 3 là Quảng Nam.
Theo xếp hạng vị thứ các chỉ tiêu phát triển giữa các tỉnh trong vùng, Thành phố Đà Nẵng phần lớn giữ vị trí số 1 trong 14 tỉnh, Thành phố miền Trung, đồng thời cao hơn hẳn các tỉnh trong vùng về các chỉ số phản ánh trình độ phát triển kinh tế.
Tuy sự vượt trội đang giảm dần do một số địa phương khác có tốc độ phát triển và tăng trưởng cao hơn, nhất là sau năm 2020, nhưng vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của miền Trung vẫn được Đà Nẵng duy trì.
Đà Nẵng là điểm sáng, tập trung những hoạt động kinh doanh yêu cầu về sự tinh vi phức tạp với tính thị trường và tinh thần doanh nhân ở khu vực miền Trung. Cơ cấu kinh tế của Thành phố Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch đáng kể giữa các khu vực kinh tế và trong nội bộ các ngành dịch vụ. Hiện nay cơ cấu khu vực dịch vụ của Thành phố Đà Nẵng đang là cao nhất trong các tỉnh miền Trung, cao hơn 25% so với tỉnh xếp thứ 2 là Khánh Hoà (chỉ xét trong giá trị tăng thêm của các ngành vào cơ cấu GRDP).
Mặc dù không hẳn tỷ trọng các ngành dịch vụ cao sẽ phản ánh trình độ tinh vi, phức tạp của các hoạt động kinh tế, tuy nhiên đó là một xu hướng, điều kiện cần của các nền kinh tế hiện đại, điều kiện đủ thể hiện qua năng suất lao động (NSLĐ) (Đà Nẵng hiện cao gấp 1,7 lần NSLĐ bình quân cả nước).
Lợi thế quan trọng thứ hai là tinh thần khởi nghiệp và tính thị trường ở Thành phố Đà Nẵng đều cao hơn so với các tỉnh khác, lực lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở Đà Nẵng (khoảng 22,6 nghìn doanh nghiệp) cao gần gấp 2 lần so với tỉnh xếp thứ 2 là Thanh Hoá (khoảng 11,8 nghìn doanh nghiệp), các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố Đà Nẵng đều ở nhóm dẫn đầu cả nước trong một thời gian dài.
Mặc dù có sự tích tụ và chuyên môn hóa cao hơn so với các địa phương của miền Trung, tuy nhiên vai trò hạt nhân vùng của Thành phố Đà Nẵng lại có phạm vi khá hẹp, chỉ có tầm ảnh hưởng/lực hấp dẫn tương đối với một vài tỉnh của vùng KTTĐ miền Trung vì chịu ảnh hưởng cạnh tranh rất lớn từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và khoảng cách khá xa giữa các tỉnh đầu và cuối của miền Trung.
Mức độ lan tỏa kinh tế của Thành phố Đà Nẵng đến các tỉnh trong vùng hiện đạt tối ưu trong bán kính 100km (R=100km). Trong triển vọng giai đoạn 2021 - 2030 khi tuyến cao tốc kết nối Đà Nẵng đi các tỉnh hoàn thành thì phạm vi lan tỏa có thể mở rộng, nhưng một số tỉnh như Nghệ An và Bình Thuận vẫn có khoảng thời gian di chuyển đến Đà Nẵng khá dài (khoảng 08 giờ).
Mặc dù chỉ bằng khoảng 1% diện tích, nhưng Thành phố Đà Nẵng tập trung gần 1/4 số doanh nghiệp toàn vùng, tạo ra gần 1/10 GRDP và hơn 1/7 tổng thu ngân sách trên địa bàn của 14 tỉnh vùng miền Trung. Ảnh minh họa |
Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030: Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng được xây dựng với quan điểm cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Quy hoạch Thành phố đảm bảo 6 nguyên tắc sau: (1) Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn di tích lịch sử; (2) Tập trung tại các phân khu có đầy đủ các dịch vụ tiện ích cuộc sống cho dân cư thuộc mọi tầng lớp thu nhập, mọi lứa tuổi theo mô hình đô thị nén, quy hoạch dùng chung các dịch vụ, tiết kiệm đất đai và giảm chi phí cho mỗi cá nhân; (3) Đô thị dành cho người đi bộ và đi xe đạp, hạn chế phương tiện cá nhân; (4) Ưu tiên quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng; (5) Tăng tính kết nối giữa các trục đường lớn và các phố nhỏ, từ đó tăng diện tích mặt tiền cho các dịch vụ mua sắm thương mại; (6) Khai thác hiệu quả vị trí địa lý, địa hình tự nhiên.
Đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng từ mô hình thâm dụng lao động và đất đai sang chú trọng phát triển theo chiều sâu kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý, phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tối ưu hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung, phân bổ không gian phát triển hợp lý theo mô hình các cụm liên kết ngành chặt chẽ, đảm bảo lợi ích của các thành phần kinh tế, hạn chế xung đột khi liên kết phát triển ngành du lịch với các ngành khác.
Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo; coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản thiên nhiên, các nhu cầu an sinh và trật tự an toàn xã hội.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng và an ninh; trong đó nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh là điều kiện kiên quyết, phát triển kinh tế là trọng tâm.
Quy hoạch đưa ra 3 phương án/kịch bản phát triển/tăng trưởng và đề xuất phương án được chọn với tốc độ tăng GRDP 8% giai đoạn 2021-2025 và 11% giai đoạn 2026-2030, cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm, thủy sản chiếm 1,13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,23%, dịch vụ chiếm 58,45%, thuế và sản phẩm từ thuế chiếm 9,19%, trong đó có tính toán tới bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là hoàn toàn khả thi.
Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, thành phố Đà Nẵng còn các điểm yếu như chưa phát huy hết các cơ hội và thể hiện vai trò dẫn dắt là trung tâm của cả vùng dẫn đến quy mô kinh tế còn khiêm tốn; quy mô kinh tế đóng góp chung trong cả nước có dấu hiệu giảm sút. Không còn nhiều dư địa lãnh thổ để phát triển nâng quy mô nền kinh tế theo cách tiếp cận dàn trải hiện nay. Hạ tầng cơ sở vẫn thiếu tính hiện đại, thiếu tính kết nối. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Cơ cấu kinh tế vẫn còn bất cập. Đóng góp của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.
Dựa vào những lợi thế, tồn tại, thách thức, Quy hoạch Đà Nẵng đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Thành phố Đà Nẵng xác định các mục tiêu phát triển được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn: cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Góp ý để hoàn thiện Dự thảo quy hoạch
|
Góp ý cho Đà Nẵng, các đại biểu đã đưa ra những phân tích, đánh giá cụ thể, khách quan để hoàn thiện dự thảo quy hoạch với quan điểm đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện; Đánh giá vị trí địa kinh tế - chính trị của thành phố Đà Nẵng; các tác động về điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của thành phố Đà Nẵng; các cơ hội liên kết giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm và cả nước; khả năng khai thác các cơ hội phát triển trong thời đại mới.
Các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là về năng lực cạnh tranh, sự gắn kết trong chuỗi giá trị; chất lượng nguồn nhân lực; vấn đề liên kết vùng Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng; thiếu cơ chế phối hợp phát triển kinh tế hiệu quả trong liên kết giữa các địa phương, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức…
Từ những phân tích, đánh giá, các đại biểu cũng gợi mở những giải pháp, định hướng sắp tới.
Cụ thể, chuyên gia Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý, đơn vị tư vấn cần phải đánh giá tác động các điều kiện tự nhiên lên kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Về hiện trạng chung, Quy hoạch cần nêu tính liên kết với các tỉnh lân cận, đặc biệt là phía Tây, phía Đông, chưa nói rõ tiềm năng khai thác như thế nào? Kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng trên biển cũng chưa được đánh giá sâu trong khi Đà Nẵng có vị trí rất quan trọng.
"Đà Nẵng là mô hình các địa phương cần học hỏi; hưởng lợi của người dân đối với phát triển kinh tế của Thành phố rất tốt. Vì thế, cần nghiên cứu sâu để xem mô hình nào tốt để phát huy", vị chuyên gia này gợi ý.
Đà Nẵng cần lấy Hải Phòng làm đối chứng, làm đối tác ngang sức, ngang tài, để so sánh phương án tăng trưởng. "Thực ra, tôi theo dõi Đà Nẵng lâu, Hải Phòng cũng vậy. Trước năm 2010, Đà Nẵng đi rất xa, có nhiều sáng tạo, sáng kiến vượt lên. Cứ vài ba năm vào Đà Nẵng bộ máy khác hẳn; thời điểm đó Hải Phòng loay hoay tìm đầu ra. Trong 5 năm gần đây, Đà Nẵng lại chậm và hụt hơi hơn Hải Phòng", ông Sinh thẳng thắn.
Nguyên Thứ trưởng cũng lưu ý đơn vị tư vấn phân tích sâu về quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng xem đó có phải là động lực giúp lan tỏa trong phát triển của Đà Nẵng vừa qua và mai sau. "Đô thị hóa có vấn đề gì được và chưa được để đóng góp cho quá trình tới đây", TS. Cao Viết Sinh gợi ý.
|
Vị chuyên gia này nhận định, phần quan điểm phát triển của Quy hoạch được đưa ra nhiều, hơi phân tán. Điều đáng lưu ý là các quan điểm không nhất quán, chưa đưa ra được cái nào chính, cái nào đưa vào minh họa. "Tư vấn rà lại, chọn lọc cái nào chính, cái nào phụ thì ghi chú…", TS. Sinh đề nghị.
Góp ý về danh mục công trình dự án, TS. Cao Viết Sinh cũng đề nghị "rà lại, cái gì đưa ra danh mục này, xây dựng danh mục này trên bản đồ như thế nào. Nếu chi tiết quá thì cái này sau không sửa được, còn nếu không đưa vào thì sau này trong Quy hoạch không có thì không có cơ sở thực hiện".
GS, TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá cao nội dung bản quy hoạch. Tuy nhiên, ông lưu ý, Luật Quy hoạch yêu cầu tích hợp, thì phải nhấn mạnh phương pháp này. Bởi, khi phê duyệt xong, nhiều Quy hoạch khác cũng xong thì... mình lại vướng.
"Khi chúng ta coi Đà Nẵng là trung tâm vùng, khi phát triển cái gì thì kéo theo các ngành, địa phương lân cận phát triển…, thì mới phát huy vai trò, động lực pt vùng", ông Cường lưu ý.
Đồng tình với quan điểm của TS. Cao Viết Sinh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, quan điểm phát triển nêu quá nhiều trong Quy hoạch. Ông cũng lưu ý, có nhiều cái không phải quan điểm mà là định hướng, phương hướng và là căn cứ đối chiếu hành động.
Đồng tình với việc chọn kịch bản tăng trưởng thứ 3, GS, TS. Hoàng Văn Cường đề nghị, cần nâng các con số mục tiêu lên chút để phấn đấu. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khâu đột phá chiến lược được nêu trong Quy hoạch chưa rõ và gợi mở rằng: "Đột phá là phải hướng vào các ngành, lĩnh vực chúng ta đang muốn. Đã là trung tâm quốc tế thì phải có các nhà đầu tư quốc tế, thì phải thu hút các nhà đầu tư chiến lược… có những chính sách ưu đãi để thu hút những nhà đầu tư quốc tế này"./.
Bình luận