Xin cấp giấy đi đường: Ngành chứng khoán "mắc kẹt" giữa Nhóm 2 và Nhóm 6
Đến 19h ngày 5/9/2021 vẫn chưa được cấp giấy đi đường
Từ tháng 3/2020, ngành chứng khoán đã được đưa vào danh mục các ngành nghề kinh doanh thiết yếu |
Theo Công văn, Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3//9/2021 của UBND TP.Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố; Thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường của Công an Thành phố Hà Nội theo yêu cầu phòng, chống dịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với Công an Hà Nội thực hiện các công việc liên quan đến cấp giấy đi đường cho các công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chi nhánh công ty quản lý quỹ, thành viên lưu ký, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong Công văn số 5059, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, đến 19h ngày 5/9/2021, các công ty trong ngành chứng khoán vẫn chưa được cấp giấy đi đường do chưa xác định được các công ty thuộc Nhóm 2 hay Nhóm 6 theo hướng dẫn của Công an Thành phố Hà Nội.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị Công an Thành phố Hà Nội chấp thuận cho các công ty được sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đây cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo quy định mới. |
“Để đảm bảo cho các công ty thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thị trường chứng khoán được hoạt động liên tục, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kính đề nghị Công an Thành phố Hà Nội chấp thuận cho các công ty được sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đây cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo quy định mới”, Công văn số 5095 viết.
Được biết, từ tháng 3/2020, ngành chứng khoán đã được đưa vào danh mục ngành dịch vụ thiết yếu trong nền kinh tế để tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán nói chung và các hoạt động liên quan ở các tỉnh, thành phố được hoạt động bình thường trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Với sự nỗ lực của nhà quản lý và các thành viên thị trường, TTCK Việt Nam đã đi xuyên qua khó khăn kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Việt Nam cho đến nay, hoạt động liên tục và tăng trưởng về nhiều mặt. Đặc biệt, ngành chứng khoán là một trong ba ngành có đóng góp tăng mạnh vào Ngân sách Nhà nước trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất trong nền kinh tế (*).
Cần một hướng dẫn thống nhất cho khối doanh nghiệp ngành chứng khoán
Với vị trí là ngành kinh doanh thiết yếu như trên, soi chiếu hướng dẫn chi tiết về cấp giấy đi đường của Công an Hà Nội công bố ngày 5/9/2021, thì doanh nghiệp ngành chứng khoán có tên trong cả Nhóm 2 và Nhóm 6. Tuy nhiên, điều đáng nói là các bước thủ tục xin giấy đi đường của Nhóm 2 và Nhóm 6 lại khác nhau.
Cụ thể, với Nhóm 2 (gồm: Các cơ quan tổ chức doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu), thẩm quyền cấp giấy đi đường được quy định là “Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố xem xét và cấp phép”.
Với Nhóm 6 (Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công vụ thiết yếu), thẩm quyền cấp giấy đi đường được quy định là “Do công an cấp xã, phường, thị trấn cấp giấy”.
Nội dung hướng dẫn của Công an thành phố Hà Nội như trên gây lúng túng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không biết làm cách nào để có giấy đi đường hợp pháp, vì đi đến cửa này để xin thì lại hướng dẫn sang cửa khác và ngược lại.
Công an Hà Nội cho biết, từ 7h ngày 4-9, tại các tuyến đường chính của Thủ đô, chủ yếu ở những cây cầu nối giữa các quận, huyện, điểm giao thoa giữa các địa bàn, 39 tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai, kiểm soát giấy đi đường của người tham gia giao thông.
Từ nay đến 6h ngày 6-9 tới, những người lưu thông trên đường sử dụng giấy tờ mẫu cũ theo hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội. Ngày 6-9 tới, sẽ triển khai Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, những trường hợp ra đường không bảo đảm theo mẫu mới, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định.
Các thông tin như trên khiến tất cả các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong ngành chứng khoán đều lo lắng và chờ đợi một sự hướng dẫn mới, thống nhất cách cấp giấy đi đường cho những người hoạt động trong ngành này, nhằm đảm bảo việc duy trì hoạt động liên tục của ngành chứng khoán Việt Nam như từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch đến nay.
7 tháng đầu năm nay, thu Ngân sách Nhà nước từ hoạt động kinh doanh chứng khoán gấp 2,47 lần cùng kỳ năm trước, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng. Khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ các công ty chứng khoán và nhiều công ty niêm yết cũng tăng mạnh, do hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ được liên tục và phát triển trong bối cảnh đại dịch. |
Bình luận