Thực trạng chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam
TS. Nguyễn Như Hà
Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển
Email: nhuha.apd@gmail.com
Phan Thị Nguyệt
Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lượng và Chất lượng Việt Nam
Email: nguyetpt@quacert.gov.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu này phân tích thực trạng chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam, bao gồm khuôn khổ pháp lý, những thành tựu đạt được và các thách thức tồn tại. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự quốc gia, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị 17-CT/TW (2022) và Quyết định 100/QĐ-TTg (2019). Các chính sách này hướng tới việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ vào năm 2025, với các tiêu chuẩn quốc gia, cơ chế pháp lý, và sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Dù đã cơ bản hình thành, nhưng hệ thống chính sách còn tồn tại các vấn đề, như: chồng chéo trách nhiệm giữa các bộ, phối hợp yếu giữa trung ương và địa phương, nguồn lực thực thi hạn chế và cơ chế báo cáo thiếu thống nhất. Để khắc phục, nghiên cứu đề xuất phân định rõ trách nhiệm, tăng cường phối hợp liên ngành, đầu tư vào hạ tầng và nhân lực, cùng với đánh giá định kỳ và nâng cao nhận thức cộng đồng. Những giải pháp này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam, đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Từ khóa: truy xuất nguồn gốc, chính sách công, chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Summary
his study analyzes Vietnam's current food traceability policies, including the legal framework, achievements, and challenges. Food traceability is one of the crucial priorities in the national agenda, as reflected in directive documents such as Directive 17-CT/TW (2022) and Decision 100/QD-TTg (2019). These policies aim to build a comprehensive traceability system by 2025, with national standards, legal mechanisms, and coordination between enterprises and state agencies. Although the policy system has been established, problems such as overlapping responsibilities between ministries, weak coordination between central and local levels, limited enforcement resources, and inconsistent reporting mechanisms remain. The study recommends clearly defining responsibilities, strengthening inter-sectoral coordination, investing in infrastructure and human resources, assessing periodic and raising public awareness to overcome this issue. These solutions will improve the food traceability system in Vietnam, ensuring food safety and meeting international standards.
Keywords: traceability, public policy, food traceability policy
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, xu hướng toàn cầu hoá trong lĩnh vực thực phẩm nói chung và nông lâm thuỷ sản nói riêng cùng với sự đa dạng của nguồn cung cấp nguyên liệu, chế biến, chuỗi cung ứng dài hơn, khiến cho sản phẩm, hàng hoá thực phẩm có nguy cơ khó xác định được nguồn gốc, xuất xứ chính xác. Người tiêu dùng từ đó cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với nguồn cung thực phẩm, đảm bảo tính an toàn và có thể xác định. Những yêu cầu này đã hình thành nhu cầu về chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Định hướng từ Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trong đó nhấn mạnh “xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặt mục tiêu “đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa”. Qua quá trình xây dựng, triển khai, đánh giá thì chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam hiện nay cơ bản được xây dựng đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên vẫn tồn tại những bất cập cần khắc phục.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng. Khái niệm truy xuất nguồn gốc thực phẩm liên quan đến khả năng theo dõi và xác định thông tin về quá trình sản xuất, chế biến, và phân phối thực phẩm từ nguồn gốc cho đến khi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, các chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần phải có một hệ thống quản lý rõ ràng, đồng bộ, và minh bạch, dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý quốc gia và quốc tế.
Các lý thuyết về quản lý chất lượng và chuỗi cung ứng, cùng với các lý thuyết về chính sách công, sẽ được sử dụng để làm nền tảng lý thuyết cho nghiên cứu này. Các lý thuyết này nhấn mạnh sự quan trọng của thông tin minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan (nhà sản xuất, cơ quan quản lý, và người tiêu dùng) trong việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiệu quả. Lý thuyết về chính sách công, đặc biệt là khung lý thuyết về quá trình hoạch định và thực thi chính sách, cũng sẽ được sử dụng để phân tích các vấn đề chính sách hiện tại tại Việt Nam.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, cụ thể là phương pháp phân tích tài liệu. Các văn bản pháp lý, báo cáo nghiên cứu, chính sách hiện hành và các thông tin liên quan đến truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ được phân tích để hiểu rõ bối cảnh pháp lý và thực tiễn triển khai chính sách tại Việt Nam.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Khái quát chung về truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế - ISO, bộ tiêu chuẩn ISO 22005:2007 về xác định nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi – nguyên tắc chung và yêu cầu cơ bản đối với việc thiết kế và thực hiện hệ thống[1], thì: “Truy xuất nguồn gốc là khả năng truy theo sự lưu chuyển của thức ăn nuôi hoặc thực phẩm qua (các) giai đoạn xác định của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối” (Điều 3.6).
Nghiên cứu của Trienekens và cộng sự (2014), truy xuất nguồn gốc (traeceability) là khả năng xác định vị trí hiện tại của sản phẩm và truy ngược về nguồn gốc, bao gồm các phương pháp sản xuất đã áp dụng trong quá trình tạo ra sản phẩm đó. Thông tin truy xuất nguồn gốc cung cấp dữ liệu về vị trí cụ thể, lịch sử, đặc điểm biến động, thành phần và mối liên hệ của sản phẩm với các sản phẩm khác, giúp các bên liên quan có cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về hành trình của sản phẩm (Van der Vorst và cộng sự, 2005). Truy xuất nguồn gốc cũng liên kết mật thiết với khái niệm minh bạch trong chuỗi cung ứng, nghĩa là mức độ mà các bên liên quan đều có thể hiểu và tiếp cận thông tin sản phẩm họ cần mà không bị thiếu hụt, nhiễu loạn, chậm trễ hay sai lệch (Trienekens và cộng sự, 2012). Tại Việt Nam, khoản 28 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm”. Căn cứ Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN, ngày 28/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, Điều 3 khoản 1, thì: “Truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh”.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đóng vai trò quan trọng và toàn diện trong quản lý chuỗi cung ứng đang ngày càng đa dạng và phức tạp (Trienekens và cộng sự, 2014), không chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mà còn là một yếu tố chiến lược nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch.
+ Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (như: nhà sản xuất, chế biến và phân phối), truy xuất nguồn gốc là công cụ giúp quản lý rủi ro hiệu quả, kiểm soát chất lượng tại từng công đoạn và nhanh chóng xác định, xử lý các vấn đề phát sinh. Điều này không chỉ giảm thiểu nguy cơ lỗi sản xuất, mà còn tối ưu hóa hoạt động vận hành, từ thu mua nguyên liệu đến phân phối sản phẩm, góp phần giảm chi phí và tăng năng suất. Bên cạnh đó, việc minh bạch thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất còn giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng và cải thiện khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
+ Đối với người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc mang lại sự yên tâm khi lựa chọn sản phẩm, nhờ khả năng cung cấp thông tin minh bạch về thành phần, nguồn gốc và các chứng nhận an toàn. Hệ thống này không chỉ giúp người tiêu dùng tránh được các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn, mà còn tạo điều kiện để họ chủ động lựa chọn sản phẩm phù hợp với giá trị và nhu cầu cá nhân, như thực phẩm hữu cơ, sản phẩm có nguồn gốc địa phương hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Sự rõ ràng và đáng tin cậy trong thông tin sản phẩm cũng góp phần xây dựng lòng tin và thúc đẩy thói quen tiêu dùng có trách nhiệm.
+ Về phía cơ quan quản lý, truy xuất nguồn gốc là công cụ đắc lực trong giám sát, thực thi pháp luật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hệ thống này cho phép cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi và kiểm tra chuỗi cung ứng, xác định sản phẩm nào đáp ứng hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Trong trường hợp khủng hoảng như nhiễm khuẩn hoặc vi phạm tiêu chuẩn, khả năng truy xuất nhanh chóng giúp cơ quan quản lý cô lập và xử lý vấn đề hiệu quả, hạn chế rủi ro lan rộng và bảo vệ thị trường khỏi những tổn thất không đáng có. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc còn góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo nền tảng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định pháp luật.
Như vậy, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, mà còn là một yếu tố chiến lược thúc đẩy phát triển bền vững, củng cố niềm tin của xã hội, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam
Nội dung chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam
Chủ trương của Đảng đối với an ninh, an toàn thực phẩm là: “vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”, thể hiện rõ trong Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trước đó là Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng được đề cập trực tiếp trong Chỉ thị 17-CT/TW, là cơ sở định hướng cho việc ban hành, thực thi các chính sách truy xuất nguồn gốc và chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm nói riêng tại Việt Nam. Theo đó, Quốc hội đã ban hành một loạt các đạo luật như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật… Chính phủ đã cụ thể hoá lộ trình truy xuất nguồn gốc thông qua Quyết định 100/QĐ-TTg, ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc với mục tiêu đến năm 2025: i) Hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; ii) Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể; iii) Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; iv) Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Theo đó, các quy định điều chỉnh trực tiếp về hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm có thể kể đến:
+ Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN, ngày 28/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;
+ Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN, ngày 25/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;
+ Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN, ngày 18/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn;
+ Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN, ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN);
+ Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, ngày 12/12/2012 quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN).
Bên cạnh đó, xuất phát từ sự đa dạng của thực phẩm tham gia vào thị trường, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã thống kê và phân loại các nhóm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từng cơ quan quản lý hành chính nhà nước cụ thể, bao gồm: i) Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế; ii) Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; iii) Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương. Các quy định trên cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo ra nền tảng pháp lý cho việc thực thi chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Kết quả đạt được
Quyết định số 100/QĐ-TTg, ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được coi là trọng tâm trong chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam. Từ mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 100/QĐ-TTg, nhiều bộ, ngành đã tích hợp nội dung truy xuất nguồn gốc vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Những quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc trong các Nghị định khẳng định vai trò quản lý nhà nước trong việc thống nhất họat động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Các quy định này không chỉ cung cấp căn cứ pháp lý để các nhà quản lý hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mà còn nhấn mạnh vai trò của truy xuất nguồn gốc như một hàng rào kỹ thuật quan trọng trong việc quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2023, đã có 62/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg; 50/63 địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung trong Đề án 100; 45/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng, sản phẩm ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc; 42/63 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thành phố; 38/63 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm cụ thể (Hoàng Giang, 2022).
Đối với các công cụ phục vụ hoạt động truy xuất nguồn gốc, hệ thống các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc đã được xây dựng và công bố. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 10 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, nâng tổng số tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực này lên 23 tiêu chuẩn. Uỷ ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Việt Nam phụ trách xây dựng 7 tiêu chuẩn liên quan đến xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm nông sản, 4 tiêu chuẩn về xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm khác. Bộ Y tế sẽ xây dựng 2 tiêu chuẩn liên quan đến truy xuất trang thiết bị y tế theo kế hoạch đã được phê duyệt. Cùng với việc công bố các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, Uỷ ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Việt Nam đã và đang lồng ghép trong các nhiệm vụ, dự án khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, như: Tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn của Tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu (GS1); tài liệu hướng dẫn đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1...
Từ ngày 01/10/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; chú trọng xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có hoàn thiện và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và các năm tiếp theo (Hoàng Giang, 2024).
Bất cập trong chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.
Một là, chồng chéo và khoảng trống trong phân công trách nhiệm
Đối với quản lý chung, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm điều phối và giám sát tổng thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng quy trình chuẩn và cơ chế giám sát chung. Bộ không chỉ đưa ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật cần thiết, mà còn xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, làm cơ sở cho các bộ ngành khác thực thi chính sách. Bộ cũng chịu trách nhiệm theo dõi việc triển khai các văn bản pháp lý nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Đối với quản lý chuyên biệt cho các bộ ngành, cụ thể: i) Bộ Y tế: Phụ trách giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng quy chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm, bao gồm các quy định về quy trình kiểm tra, đánh giá sản phẩm và quy định về công bố an toàn. Điều này nhằm bảo đảm rằng, các sản phẩm thực phẩm, nhất là nhóm có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh, tuân thủ tiêu chuẩn sức khỏe nghiêm ngặt trước khi lưu thông trên thị trường; ii) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đảm nhận quản lý các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi sống. Bộ này có vai trò giám sát quy trình từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến lưu thông sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm trong chuỗi cung ứng. Việc phối hợp này bao gồm các quy định từ canh tác, bảo quản, cho đến phân phối, bảo đảm tất cả khâu đều tuân thủ quy chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh; iii) Bộ Công Thương: Quản lý các sản phẩm thực phẩm công nghiệp, bao gồm cả khâu lưu thông và xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đóng vai trò bảo đảm các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng với các sản phẩm xuất khẩu, khi yêu cầu về truy xuất nguồn gốc ngày càng cao trong các hiệp định thương mại.
Đối với quản lý tại địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là đơn vị chủ quản thực hiện phân công các Sở chuyên môn và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương theo chức năng chuyên biệt, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ. Cơ quan địa phương thường phối hợp với các bộ ngành trung ương để thống nhất cách thức triển khai, từ đó bảo đảm đồng bộ quy trình và tránh những bất cập phát sinh khi thực thi ở từng địa phương.
Tuy nhiên, những bất cập trong hoạt động phân công và phối hợp trong thực thi chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn tồn tại khi sự chồng chéo và khoảng trống quản lý. Mặc dù đã có sự phân công chức năng cụ thể, nhưng trong các tình huống phức tạp hoặc khi có sự cố bất ngờ, dễ phát sinh tình trạng chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan. Ví dụ, khi phát hiện một sản phẩm thực phẩm bị nhiễm khuẩn, cả Bộ Y tế (chủ quản về an toàn thực phẩm) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (quản lý các sản phẩm nông sản) đều có thể tham gia xử lý, nhưng thiếu sự phân định rõ ràng giữa các bộ về vai trò và trách nhiệm, dẫn đến sự không thống nhất trong các biện pháp khắc phục;
Hai là, khó khăn trong phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương
Một trong những khó khăn lớn trong thực thi chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm là sự thiếu đồng bộ và thiếu hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương. Mặc dù các bộ ngành trung ương đã có các kế hoạch và quy định rõ ràng, nhưng việc thực thi ở cấp địa phương lại không đồng đều. Hệ thống thông tin giữa các cấp chưa được kết nối đầy đủ và hiệu quả, dẫn đến việc trao đổi dữ liệu, cập nhật tiến độ thực hiện chính sách, cũng như chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý chưa kịp thời. Điều này tạo ra sự chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và không đảm bảo tính minh bạch trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm.
Ba là, thiếu hụt nguồn lực và sự không đồng đều trong năng lực giám sát
Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra các quy trình giám sát và kiểm tra chặt chẽ, nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề lớn liên quan đến nguồn lực và năng lực thực thi tại các địa phương. Việc thiếu hụt nhân sự chuyên môn, sự không đồng đều trong mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng giám sát và hạn chế về ngân sách khiến cho công tác kiểm tra và giám sát tại một số khu vực không được thực hiện một cách hiệu quả. Một số địa phương thiếu thốn về trang thiết bị và nhân lực, khiến cho việc kiểm tra và đảm bảo tính chính xác của dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm trở nên khó khăn, dẫn đến việc không thể phát hiện kịp thời các vi phạm trong quy trình truy xuất nguồn gốc.
Bốn là, khó khăn trong việc đánh giá, tổng kết và điều chỉnh chính sách
Một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện hiệu quả của chính sách là quy trình đánh giá định kỳ và tổng kết sau mỗi giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên, việc thu thập và tổng hợp các báo cáo từ các cơ quan liên quan vẫn gặp phải nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và cơ chế báo cáo không đồng bộ. Các báo cáo thường không được thực hiện theo một quy trình khoa học và chưa có sự đồng bộ giữa các cấp, điều này dẫn đến việc thiếu thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình thực thi chính sách.
Hơn nữa, cơ chế đánh giá kết quả thực hiện chính sách cũng chưa được triển khai một cách hiệu quả, khiến cho việc cải thiện và điều chỉnh các quy định chưa kịp thời và không phù hợp với thực tế, dẫn đến sự không linh hoạt trong việc thay đổi các biện pháp khi gặp phải các vấn đề mới hoặc thách thức từ thị trường thực phẩm trong nước và quốc tế. Sự thiếu đồng bộ trong thu thập dữ liệu và báo cáo gây khó khăn trong việc đưa ra các cải tiến kịp thời cho chính sách, làm giảm khả năng thích ứng trước các thách thức mới. Bên cạnh đó, chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được đầu tư đủ về nguồn lực, bao gồm nhân lực có chuyên môn, kinh phí và cơ sở vật chất. Việc thiếu các cơ sở giám sát có thể phát hiện sớm các sai phạm hoặc các rủi ro về chất lượng thực phẩm làm giảm hiệu quả của hệ thống kiểm tra.
Năm là, hạn chế trong công tác tuyên truyền và phổ biến chính sách
Mặc dù các văn bản pháp luật đã được ban hành đầy đủ, song công tác tuyên truyền chính sách về truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa được triển khai một cách mạnh mẽ và đồng bộ. Các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng thường thiếu hiểu biết về yêu cầu và lợi ích của việc áp dụng truy xuất nguồn gốc. Điều này làm giảm hiệu quả thực thi, vì không tạo được sự đồng thuận và ý thức cộng đồng cao trong việc thực hiện các quy định pháp lý.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Để khắc phục những hạn chế trong việc thực thi chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cần triển khai những giải pháp chi tiết và toàn diện. Những giải pháp này không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn giúp nâng cao hiệu quả của chính sách, tạo ra một hệ thống kiểm soát thực phẩm an toàn và minh bạch hơn.
Thứ nhất, giải pháp cho chồng chéo và khoảng trống trong phân công trách nhiệm
Chồng chéo và khoảng trống trong phân công trách nhiệm giữa các bộ ngành vẫn là một trong những vấn đề nổi bật khi xử lý các tình huống phức tạp liên quan đến an toàn thực phẩm. Dù các bộ, ngành đã có sự phân công chức năng rõ ràng, nhưng trong các tình huống cụ thể, việc xác định trách nhiệm của từng bên không luôn minh bạch. Ví dụ, khi phát hiện một sản phẩm thực phẩm nhiễm khuẩn, cả Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều có thể tham gia xử lý, nhưng vai trò của từng bộ không được phân định rõ ràng, dẫn đến sự không thống nhất trong các biện pháp xử lý. Để giải quyết tình trạng này, cần xây dựng và hoàn thiện quy trình phân công trách nhiệm chi tiết giữa các cơ quan nhà nước. Quy trình này phải được mô tả rõ ràng trong các văn bản pháp luật và các chỉ thị của Chính phủ. Một giải pháp có thể là tạo lập một cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó mỗi bộ ngành sẽ có quyền và nghĩa vụ cụ thể trong từng giai đoạn xử lý sự cố. Cần thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp nếu có sự bất đồng giữa các cơ quan, nhằm đảm bảo tính kịp thời và chính xác trong việc đưa ra các biện pháp khắc phục. Chính phủ có thể lập ra ủy ban giám sát hoặc cơ quan điều phối chịu trách nhiệm phân định rõ trách nhiệm và điều phối các bộ ngành trong việc xử lý các sự cố an toàn thực phẩm.
Thứ hai, giải pháp cho khó khăn trong phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương
Một trong những khó khăn lớn trong việc thực thi chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm là sự thiếu đồng bộ và hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Mặc dù các bộ ngành trung ương đã có các kế hoạch và quy định rõ ràng, nhưng thực tế, việc triển khai và thực thi các chính sách ở cấp địa phương lại thiếu sự đồng đều. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc hệ thống thông tin chưa được kết nối đầy đủ và hiệu quả, dẫn đến việc trao đổi dữ liệu, chia sẻ thông tin và cập nhật tiến độ thực thi chính sách không được thực hiện một cách kịp thời. Để giải quyết vấn đề này, cần triển khai một hệ thống thông tin tập trung, giúp kết nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý từ cấp trung ương đến địa phương. Hệ thống này cần phải có khả năng cập nhật dữ liệu thời gian thực về tình hình thực thi chính sách, giúp các cơ quan liên quan kịp thời trao đổi thông tin và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, cần phải đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, giúp họ có đủ kiến thức và kỹ năng để áp dụng chính sách một cách chính xác và hiệu quả. Các kế hoạch thực thi chính sách cần được xây dựng một cách linh hoạt và phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đồng thời đảm bảo đồng bộ quy trình giám sát và kiểm tra giữa các cấp.
Thứ ba, giải pháp cho thiếu hụt nguồn lực và sự không đồng đều trong năng lực giám sát
Một vấn đề quan trọng khác là thiếu hụt nguồn lực và sự không đồng đều trong năng lực giám sát thực thi chính sách truy xuất nguồn gốc. Dù các cơ quan chức năng đã đưa ra các quy trình giám sát và kiểm tra chặt chẽ, nhưng tại nhiều địa phương, nguồn lực về nhân sự, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng lại rất hạn chế. Việc thiếu thốn nhân lực chuyên môn và cơ sở vật chất dẫn đến tình trạng giám sát không đầy đủ, thiếu chính xác, và khó phát hiện các vi phạm trong quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Để khắc phục vấn đề này, cần đầu tư mạnh mẽ vào nguồn lực cho công tác giám sát và kiểm tra. Điều này bao gồm việc tăng cường đào tạo và tuyển dụng nhân sự chuyên môn cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại các địa phương có mức độ phát triển chưa đồng đều. Ngoài ra, cần cung cấp đầy đủ trang thiết bị và công nghệ giám sát hiện đại cho các cơ sở giám sát thực phẩm, từ đó giúp nâng cao độ chính xác trong việc truy xuất nguồn gốc và phát hiện sớm các vi phạm. Cải thiện ngân sách cho công tác kiểm tra là rất cần thiết, đồng thời cũng phải đảm bảo tính công bằng trong phân bổ nguồn lực giữa các khu vực.
Thứ tư, đánh giá, tổng kết và điều chỉnh chính sách
Việc đánh giá, tổng kết và điều chỉnh chính sách cần có một quy trình đánh giá chính sách định kỳ và khoa học, đảm bảo có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Quy trình này cần phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật và có sự giám sát của các cơ quan chức năng để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Các cơ quan có trách nhiệm thu thập thông tin phải đảm bảo tính đồng bộ trong báo cáo và phải sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại để đánh giá kết quả thực thi chính sách. Hơn nữa, cần phải tạo ra cơ chế điều chỉnh chính sách linh hoạt, giúp chính sách có thể thay đổi kịp thời khi gặp phải các thách thức mới từ thị trường thực phẩm trong nước và quốc tế.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục
Công tác tuyên truyền và giáo dục về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua các kênh truyền thông đa dạng như: truyền hình, báo chí, internet, và các chương trình đào tạo tại các địa phương. Các chương trình tuyên truyền cần phải giải thích rõ ràng lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo sự đồng thuận trong việc thực thi chính sách. Cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong việc áp dụng truy xuất nguồn gốc thông qua các chương trình tư vấn, đào tạo về quy trình và công nghệ cần thiết, giúp họ dễ dàng tuân thủ các quy định pháp luật.
Việc hoàn thiện chính sách truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm thực phẩm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Các giải pháp và kiến nghị đã được đề xuất trong đề án sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống chính sách, góp phần tạo dựng một môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững cho cả người sản xuất và người tiêu dùng./.
Tài liệu tham khảo
1. Amy DeGroff, Margaret Cargo (2009), Policy Implementation: Implications for Evaluation, New Directions For Evaluation, 124.
2. Commission Implementing Regulation (EU) No 931/2011 of 19 September 2011 on the traceability requirements set by Regulation (EC) No 178/2002 of the European Parliament and of the Council for food of animal origin Text with EEA relevance, retrieved from https://eur-lex.europa.eu/eli/reg_impl/2011/931/oj.
3. Daniel Mazmanian, Paul Sabatier (1989), Implementation and Public Policy, University Press of America.
4. Đào Trí Úc, Vũ Công Giao (2015), Vận động chính sách công, Lý luận và thực tiễn, Nxb. Lao động
5. Federal Food, Drug, and Cosmetic Act, retrieved from https://www.epa.gov/laws-regulations/summary-federal-food-drug-and-cosmetic-act
6. Food Safety Modernization Act (FSMA), retrieved from https://www.fda.gov/food/guidance-regulation-food-and-dietary-supplements/food-safety-modernization-act-fsma
7. Hoàng Giang (2022), Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án 100 về truy xuất nguồn gốc, truy cập từ https://baochinhphu.vn/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-e-an-100-ve-truy-xuat-nguon-goc-10222120115475789.htm.
8. Hoàng Giang (2024), Chính thức vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, truy cập từ https://baochinhphu.vn/chinh-thuc-van-hanh-cong-thong-tin-truy-xuat-nguon-goc-quoc-gia-10224101717571906.htm.
9. H. Scholten, C.N. Verdouw, A. Beulens, J.G.A.J. van der Vorst (2016), Defining and Analyzing Traceability Systems in Food Supply Chains, Advances in Food Traceability Techniques and Technologies: Improving Quality Throughout the Food Chain, Woodhead Publishing
10. John A. Crane (1982), The Evaluation of Social Policies, Kluwer Nijhoff Publishing.
11. Nguyễn Hữu Hải (2016), Chính sách công và những vấn đề cơ bản, Nxb. Chính trị.
12. Public Health Security and Bioterrorism Preparedness and Response Act of 2002, retrieved from https://www.fda.gov/food/guidance-regulation-food-and-dietary-supplements/registration-food-facilities-and-other-submissions .
13. Schuster, E.W., Allen, S.J., Brock, D.L., (2007), Global RFID: The Value of the EPCglobal Network for Supply Chain Management, Springer, New York and Berlin
14. Thomas R. Dye (2012), Understanding public policy, Pearson Education.
15. Trienekens, J., Vorst, J.V.D., Verdouw, C., (2014), Global food Supply chains. In: van Alfen, N.K. (Ed.), Encyclopedia of Agriculture and Food Systems, second ed. Academic Press
16. Trienekens, J.H., Wognum, P.M., Beulens, A.J.M., van der Vorst, J.G.A.J., (2012), Transparency in complex dynamic food supply chains. Advanced Engineering Informatics 26 (1)
17. Từ điển bách khoa Việt Nam (2007), Tái bản lần thứ nhất, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội
18. Van der Vorst, J., Beulens, A., Beek, P.V., (2005), Innovations in logistics and ICT in food supply chain networks. In: Jongen, W.M.F., Meulenberg, M.T.G. (Eds.), Innovations in AgriFood Systems: Product Quality and Consumer Acceptance 2005, Wageningen Academic Publishers.
19. Vũ Cao Đàm (chủ biên) (2012), Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách, Nxb. Thế giới, Hà Nội
[1] https://www.iso.org/standard/36297.html#lifecycle
Ngày nhận bài: 25/12/2024; Ngày phản biện: 31/12/2024; Ngày duyệt đăng: 03/01/2025 |
Bình luận