Ngày 23/3 ngày đầu tuần, giá vàng nhích nhẹ, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá mua - bán vàng miếng SJC trên thị trường TP.Hồ Chí Minh là 35,31–35,41 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 35,31-35,43 triệu đồng/lượng; tăng 30.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.Ngày 25/3 giá vàng trong nước, giảm nhẹ bất chấp việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng. Công ty vàng Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá mua – bán vàng đang ở mức 35,25 – 36,35 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 35,30 triệu đồng/lượng (mua vào). Giá bán ra ở mức 35,34 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giá mua – bán vàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn không thay đổi so với các phiên trước. Tại Hà Nội chênh lệch 40.000 đồng/lượng; tại TP. Hồ Chí Minh chênh lệch 100.000 đồng/lượng.

Ngày 27/3 do ảnh hưởng từ thị trường vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước, sau khi tăng 70.000 đồng/lượng trong phiên giao dịch ngày 26/3, đã quay đầu giảm nhẹ. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá mua - bán vàng miếng SJC trên thị trường TP. Hồ Chí Minh là 35,27- 35,37 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 35,27-35,39 triệu đồng/lượng. Tính chung từ đầu tuần đến nay, giá mua – bán vàng tại SJC chỉ nhích nhẹ 10.000 đồng/lượng.

Do giá tăng chậm hơn nên hiện giá vàng SJC trong nước chỉ đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng hơn 4,1 triệu đồng/lượng. Theo các nhà phân tích, xu hướng giá vàng trong ngắn hạn tiếp tục phụ thuộc vào biến động tại Trung Đông và diễn biến của đồng USD. Tuy nhiên, tác động của yếu tố địa chính trị chỉ mang tính rất ngắn hạn, và nếu không có biến động giá mới, yếu tố này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường vàng.

Ngày cuối tuần 28/3 giá vàng SJC không có mấy biến động sau khi đã để mất 70.000 đồng/lượng trong ngày 27/3. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá mua - bán vàng miếng SJC trên thị trường TP.HCM là 35,23 – 35,33 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 35,23 – 35,35 triệu đồng/lượng; không thay đổi.

Trên thị trường thế giới, sau những phút khởi động tuần giao dịch mới (23/3) khá ấn tượng, giá vàng thế giới lại quay đầu giảm về vạch xuất phát dưới sức ép của đồng USD mạnh. Giá vàng kỳ hạn tháng Tư thậm chí còn giảm về 1.182,3 USD/oz, giảm 2,3 USD; giá vàng giao ngay cũng dừng ở 1.182,5 USD/oz.

Trong phiên giao dịch ngày 24/3 trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu. Có thời điểm giá vàng thế giới đã tăng vọt lên sát 1.195 USD/oz, tuy nhiên sau đó lại quay đầu giảm. Nguyên nhân một phần do mặc dù suy yếu, song hiện đồng USD vẫn đang đứng ở mức rất cao và xu thế tăng của đồng bạc xanh vẫn hiện hữu. Mặc dù vậy, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua trên thị trường Mỹ, giá vàng kỳ hạn tháng Tư vẫn tăng 5,1 USD lên 1.192,80 USD/oz. Giá vàng giao ngay cũng tăng 3,9 USD lên 1.193,2 USD/oz.

Ngày 28/3, giá vàng thế giới trượt khỏi ngưỡng 1.200 USD/oz dưới áp lực chốt lời. Theo đó, áp lực chốt lời của các nhà đầu tư ngắn hạn sau khi giá vàng đạt mức cao nhất trong 4 tuần qua đã kéo kim loại quý quay đầu giảm trong phiên giao dịch 27/3, bất chấp việc đồng USD lại tiếp tục suy yếu.

Khép lại tuần qua, giá vàng kỳ hạn tháng Tư dừng ở 1.199,80 USD/oz, giảm 0,42% trong ngày; tuy nhiên, tính chung tuần qua, giá vàng kỳ hạn tháng Tư vẫn tăng khoảng 1,4%. Giá vàng giao ngay cũng đóng cửa ở 1.198,4 USD/oz, giảm 5,7 USD trong phiên giao dịch 27/3, song vẫn tăng 16 USD so với tuần trước đó. Đây là tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp của kim loại quý này.

Thị trường tiền tệ, mở đầu tuần giao dịch mới, một số ít ngân hàng điều chỉnh tăng – giảm giá USD của mình 10-20 đồng. Theo đó, Vietcombank và BIDV vẫn giữ nguyên giá mua – bán ở mức 21.460/21.520 đồng/USD. Trong khi, VietinBank là ngân hàng duy nhất giảm giá USD của mình. Ngân hàng này giảm 10 đồng ở cả 2 chiều mua – bán xuống 21.445/21.515 đồng/USD.

Ngày 24/3, các ngân hàng đồng loạt tăng giá mua - bán USD thêm 40-60 đồng. Cụ thể, tại Vietcombank giá mua – bán đồng bạc xanh đều tăng 40 đồng so với sáng qua, hiện đang ở mức 21.500/21.560 đồng/USD. BIDV cũng nâng giá mua vào USD thêm 40 đồng và giá bán ra 50 đồng, đưa tỷ giá lên mức 21.500/21.570 đồng/USD. Trong khi đó, Vietinbank, ở cả 2 chiều mua vào và bán đều tăng 60 đồng, lên mức 21.505/21.575 đồng/USD.

Ngày 28/3 hầu hết các ngân hàng đều giữ nguyên tỷ giá USD như cuối giờ chiều ngày 27/3. Theo đó, Vietcombank giữ nguyên tỷ giá USD của mình, ở mức 21.495/21.55 đồng/USD.

Liên quan đến việc đồng USD có xu hướng tăng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới. Còn đối với các yếu tố kinh tế thì về cơ bản không có biến động lớn và không đáng quan ngại. Trên thực tế, mặc dù đồng USD biến động tăng nhưng diễn biến lúc tăng, lúc giảm, và nhìn chung mặt bằng tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần tỷ giá theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Mức trần tỷ giá theo quy định của NHNN hiện nay là 21.673 VND/USD). Thị trường ngoại hối vẫn hoạt động bình thường và thông suốt, khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày vẫn như khối lượng giao dịch trong giai đoạn ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm./.