Giải mã TTCK đi ngược đà suy thoái của kinh tế toàn cầu

Chọn chủ đề “Cơ hội vàng thời chứng khoán”, MBS Talk19 tổ chức ngày 17/12/2020 thu hút rất đông nhà đầu tư và các chuyên gia tham dự. Dự báo TTCK, nhất là với nhà đầu tư cá nhân luôn là một câu chuyện khó. Như chuyên gia Đào Phúc Tường chia sẻ, đến các tổ chức lớn nhất cũng có những nhận định trái chiều nhau (mới đây Goldman Sách dự báo giá vàng lên 2.300 USD/ounce, còn JP Morgan dự báo giá vàng về 1.650 USD/lượng), cho thấy, điều đáng làm hơn là quan sát thị trường, chọn lọc cơ hội đầu tư và tìm cách xây dựng danh mục để cân bằng trạng thái.

Năm 2020 sắp đi qua ghi nhận những khoản lợi nhuận tích cực mang lại cho nhà đầu tư đại chúng khi TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam đồng loạt tăng mạnh. Nói như chuyên gia Đào Phúc Tường, để lỗ trong năm 2020 mới khó, có chứ lãi là… bình thường. Không chỉ có chứng khoán, hầu hết các thị trường khác như vàng, bicoin, sàn hàng hóa… đều tăng giá. Sự tăng giá một cách bất thường trong bối cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế, tàn phá sức khỏe và sinh mệnh người dân toàn cầu khiến bất kỳ ai cũng mang trong mình mối nghi ngại và câu hỏi vì sao.

Dẫn câu chuyện dịch bệnh thế kỷ khiến nhà đầu tư lỗi lạc cũng lạc bước, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment chia sẻ, trong đầu tư có lúc chúng ta sai, nhưng quan trọng nhất là luôn cần nhận ra vấn đề và điều chỉnh. “Với nhà đầu tư, cần nhất là phải mở rộng góc nhìn và lắng nghe thị trường”, ông Trung nói.

Năm 2020, dịch bệnh xảy ra khiến hiệu quả hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp suy yếu. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chỉ là một trong những yếu tố có thể khiến giá cổ phiếu tăng. Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng của TTCK năm 2020 là dòng tiền rẻ được bơm ra quá nhiều. Quy luật của thị trường là tiền luôn cân bằng với hàng hóa. Khi tiền bơm ra nhiều, dư thừa, lãi suất thấp kỷ lục, giá cả kênh đầu tư tăng lên là tất yếu. Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định như vậy và cho rằng, vì động lực phía sau đà tăng của chứng khoán là dòng tiền, nên thời gian tới, nhà đầu tư phải quan sát động thái của các ngân hàng trung ương. “Rủi ro sẽ bắt đầu khi các ngân hàng trung ương dừng bơm tiền và ra thông điệp bình thường hóa thị trường tiền tệ”, ông Tuấn dự báo.

Dòng tiền, hiệu quả doanh nghiệp và kỳ vọng nâng hạng sẽ thúc đẩy TTCK

Chia sẻ với các nhà đầu tư dự MBS Talk 19, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu MBS cho rằng, TTCK toàn cầu đã vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 với mức phục hồi của chỉ số MSCI All - Country World Index đã tăng cao hơn mức điểm số trước khi xảy ta đại dịch. Trong đó, các gói kích thích tiền tệ mạnh mẽ của các NHTW mà đại diện là nhóm G4 là một trong những động lực mạnh mẽ giúp thị trường tài chính nhanh chóng ổn định và phục hồi sau đợt bán tháo vào tháng 3. Hiện tại, tổng tài sản của nhóm NHTW G4 đã lên mức kỷ lục với 23.200 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg.

Bên cạnh hạ lãi suất, các NHTW cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính, và triển khai nhiều chương trình cho vay và mua trái phiếu (của cả chính phủ và doanh nghiệp) nhằm duy trì hoạt động của các thị trường tài chính và ngăn chặn suy thoái kinh tế. Điều này khiến, quy mô bảng cân đối tài sản của các NHTW tăng lên mức cao kỷ lục.

Tại Việt Nam, năm 2020, thanh khoản thị trường có mức tăng 33,7% so với cùng kỳ, đạt 6.237 tỷ đồng/phiên. Mức tăng của thanh khoản nhờ có thêm 36.776 tài khoản chứng khoán được mở mới chỉ trong 10 tháng. Lũy kế tới hết tháng 10/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,67 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số Việt Nam. Đây cũng là mức tăng kỷ lục số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.

Chuyên gia MBS cho biết, cơ cấu dòng tiền thị trường năm 2020 cũng vì thế tập trung phần lớn hoặc gần 1/3 vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiếp theo là nhóm xây dựng và vât liệu xây dựng, thực phẩm, Vingroup, bất động sản, dầu khí… Sự bùng nổ về thanh khoản tại TTCK Việt Nam giai đoạn này có đôi nét tương đồng với làn sóng mở tài khoản mới của nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc giai đoạn 2014-2015. Lượng tài khoản mở mới tăng đột biến và sự tham gia bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn đã giúp chỉ số Shanghai Composit tăng gấp đôi. Tuy nhiên điểm khác biệt là giai đoạn sau đại dịch, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mặt bằng lãi suất thấp đã hút dòng tiền vào kênh chứng khoán.

Về định giá, thị trường Việt Nam là một trong số các thị trường có mức hồi phục nhanh dưới tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh đó hệ số P/E (forward) hiện đang ở mức 16,5 lần thấp hơn so với các nước ASEAN 6, thấp hơn so với bình quân các thị trường Emerging. Tuy nhiên về mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Việt Nam đang ớ mức cao hơn hẳn so với mặt mặt bằng chung khu vực Emerging market, cho thấy thị trường còn sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư.

Mặc dù thị trường hiện nay được dẫn dắt bởi các yếu tố về dòng tiền ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố nền tảng cơ bản trong đó có tăng trưởng lợi nhuận và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, nhưng MBS vẫn đưa ra 2 kịch bản lạc quan về thị trường năm 2021.

Ở kịch bản thứ nhất, dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 so với 2020 bình quân ở mức 16,7%. Trên cơ sở đó kịch bản cơ sở của năm 2021, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 965 - 1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân trong khoảng này 14,94 lần). Ở kịch bản lạc quan hơn, tăng trưởng EPS năm 2021 dự báo có thể dạt 19,4%. Trên cơ sở đó, kịch bản lạc quan trong năm 2021 chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 995 - 1.230 điểm.

MBS khuyến nghị nhà đầu tư về một số mã cổ phiếu

Bên cạnh câu chuyện về hiệu quả doanh nghiệp và dòng tiền lỏng trên thị trường tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam có câu chuyện riêng về triển vọng nâng hạng. Khi tiến trình này đang diễn ra, MBS và các chuyên gia đầu ngành cho rằng, TTCK còn lý do để duy trì tâm lý tích cực của nhà đầu tư, duy trì đà tăng điểm. Nhà đầu tư có cơ hội kiếm tiền trên TTCK nếu hiểu xu hướng và chọn đúng cổ phiếu có tiềm năng./.