Dự cảm dấu ấn TTCK năm 2021

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tin rằng, Đại hội Đảng sắp tới sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, trong đó, TTCK sẽ chịu ảnh hưởng và được hưởng lợi từ các quyết sách điều hành nền kinh tế sau sự kiện này.

Tọa đàm tương lai TTCK Việt Nam 2021 nhằm kết nối các vấn đề thị trường nêu lên với nhà quản lý và chia sẻ những định hướng lớn của năm

Riêng với TTCK, sau dấu mốc 20 năm hoạt động vừa qua, Chiến lược phát triển TTCK cho giai đoạn 5 năm tới chắc chắn sẽ được ban hành trong năm 2021. Cùng với đó, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 01/01/2021 sẽ tạo nền tảng pháp lý mới nâng tầm thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các thành viên tham gia. Ông Dũng cho rằng, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật có thể chậm một chút, nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của Luật và những chính sách sẽ được thực thi trong năm 2021.

Dấu ấn đáng chờ đợi khác của năm 2021, đó là sự ra đời của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và đây cũng là năm kế hoạch tái cấu trúc các thị trường bắt đầu được triển khai trong thực tiễn. Theo định hướng, TTCK Việt Nam sẽ được phân định theo hướng Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào phát triển thị trường cổ phiếu, sản phẩm CW, chứng chỉ quỹ… Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tập trung phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. “Những định hướng này sẽ được hiện thực hóa bắt đầu từ năm 2021. Đó là những việc lớn của năm 2021 và là căn cứ để tin rằng, cùng với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TTCK sẽ tiếp tục có sự phát triển bền vững”, ông Dũng nói.

Chủ tịch UBCK cho biết, năm 2020, nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài có tâm lý giằng co trong việc xem xét đầu tư vào TTCK Việt Nam

Trả lời câu hỏi của nhà báo về việc đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng TTCK Việt Nam được ghi nhận như thế nào, ông Trần Văn Dũng cho biết, UBCK tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lớn và nhận thấy rằng, họ có tâm lý giằng co rất rõ nét. “Nhiều tổ chức đứng giữa quyết định mua vào hay bán ra chứng khoán Việt Nam và khách hàng của họ cũng vậy", ông Dũng nói. Năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên TTCK Việt Nam và một số tổ chức đầu tư giải thích rằng, họ làm như vậy vì thực thi chiến lược giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng từ Covid-19, rút bớt vốn khỏi các thị trường cận biên. Theo ông Dũng, trong việc xây dựng nền tảng chính sách, tư duy xuyên suốt là tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại, tiến tới nâng hạng thị trường. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp TTCK đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là ở việc cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia. Cùng với đó, theo lộ trình, từ năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng lớn sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS). Đây là một yếu tố thuận lợi để thu hút trở lại dòng vốn ngoại. Các giải pháp xây sản phẩm mới như NVDR, DR… cũng đang được ngành chứng khoán nghiên cứu, triển khai, sẽ tạo không gian thu hút vốn ngoại vào thị trường vốn Việt Nam, ngay cả với các cổ phiếu chịu giới hạn đầu tư nước ngoài.

Năm 2021 sẽ là năm hệ thống công nghệ mới kết nối toàn TTCK Việt Nam đi vào vận hành

Liên quan đến hạ tầng công nghệ, thông tin từ ông Lê Hải Trà, phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống công nghệ mới kết nối toàn TTCK Việt Nam dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2021, tạo điều kiện cho TTCK xử lý tốt hơn câu chuyện kết nối lệnh và phát triển các sản phẩm mới hoặc thực hiện các nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán trên đường về… Đây là điểm nhà đầu tư kiến nghị và mong đợi nhất trong một số năm gần đây.

Dấu ấn thị trường năm 2020

Năm 2020 là một năm đặc biệt khi thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Việt Nam thực hiện được mục tiêu kép là kiểm soát tốt sự lây lan của dịch, đồng thời vẫn phát triển kinh tế. Dự báo, năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,5-3%, TTCK Việt Nam đã có sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ. Các nhà báo chứng khoán đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật trên thị trường trong năm này, trong đó dấu ấn đầu tiên là TTCK Việt Nam phục hồi ngoạn mục bất chấp dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam từ cuối tháng 1/2020, sớm hơn thế giới tới gần 1 tháng. Phản ứng của các nhà đầu tư trên toàn cầu đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các TTCK. VN Index chỉ trong 2 tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Tuy nhiên cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công, TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng còn lại của năm 2020 với mức tăng trưởng gần 60% kể từ đáy và tăng so với cuối năm 2019 hơn 9% (năm 2019 mức tăng trưởng của VN-Index chỉ 7,67%). Đây là diễn biến phục hồi ngoạn mục bất chấp các rủi ro dịch bệnh. Thị trường Việt Nam cũng xác lập kỷ lục 2 tháng liên tiếp (vào tháng 9 và tháng 10) khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Từ năm 2007, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam đều tổ chức bình chọn và công bố 10 sự kiện nổi bật hàng năm, nhằm ghi nhận những dấu ấn của TTCK

Dấu ấn tiếp theo là số lượng nhà đầu tư mới tham gia TTCK cao kỷ lục. Với mức độ phục hồi mạnh mẽ của TTCK và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử. Tính đến hết tháng 11/2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng 2 sàn ngày 15/6/2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020.

Việc chứng khoán Việt Nam vươn lên thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của MSCI cũng là một dấu ấn được bình chọn năm 2020. Cụ thể, từ đầu tháng 12-2020, TTCK Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cân biên theo hệ thống phân loại của MSCI. Có được điều này là do thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”. Theo lộ trình tăng tỷ trọng, thị trường Việt Nam cuối năm 2020 sẽ đạt 15,76%, lớn nhất trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI. Đến hết năm 2021, tỷ trọng của thị trường Việt Nam sẽ đạt 28,76%.

Việc TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sẽ thu hút một lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bám theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index.

Liên quan đến vấn đề chính sách, yêu cầu tổ chức khai và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán là một dấu ấn được ghi nhận làm nóng TTCK năm 2020. Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12/2020), tổ chức sẽ phải khai thuế thay và nộp thuế thay cho: cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. So với quy định trước, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP không thay đổi về chính sách thuế mà chỉ thay đổi chủ thể khai và nộp thuế thu nhập cá nhân.

Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ nhà đầu tư trên thị trường khi cho rằng, việc đánh thuế đối với cổ tức, cổ phiếu thưởng là chưa đúng bản chất vì khi cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng không phải là một khoản đầu tư sinh lời. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng vướng mắc trong việc ghi nhận thông tin số lượng chứng khoán có được từ việc chia thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi thời gian có hiệu lực của quy định này rất gấp.

Một số diễn biến lớn như bùng nổ dòng vốn ETF nội, Quốc hội đồng ý “giải cứu” Vietnam Airlines, thị trường phái sinh tăng trưởng kỷ lục... cũng được các nhà báo chứng khoán bình chọn là những sự kiện nổi bật năm 2020./.